• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đài Loan rơi vào tình trạng 'tế nhị' với Trung Quốc

Thế giới 05/08/2020 19:59

(Tổ Quốc) - Đài Loan dường như đang thể hiện sự xa cách với Trung Quốc trong những tháng gần đây, khi các hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này được tăng cường trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung cũng đang leo thang và đại dịch virus corona.

Vào cuối tháng 7, cơ quan lập pháp của Đài Loan đã phê duyệt hai đề xuất. Một là đổi tên hãng hàng không China Airlines, và thứ hai là làm nổi bật chữ Đài Loan trên hộ chiếu.

Trong vài tháng qua, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động quân sự và hải quân quanh hòn đảo này, điều khiến một quan chức hàng đầu Đài Loan Su Tseng-chang phát biểu hồi cuối tháng 6 rằng Bắc Kinh đang "làm phiền" hòn đảo.

Các chuyên gia cho biết Trung Quốc có thể sẽ tăng cường nỗ lực cô lập Đài Loan trên phạm vi quốc tế, và một số người bày tỏ lo ngại có thể có nguy cơ xảy ra xung đột quân sự, đặc biệt là khi hòn đảo bị vướng vào sự cọ sát Mỹ - Trung.

Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc đã xấu đi đáng kể trong những tháng gần đây, khi cả hai nước ra lệnh cho nước kia đóng cửa các lãnh sự quán tương ứng của họ ở Houston và Thành Đô.

Đài Loan rơi vào tình trạng 'tế nhị' với Trung Quốc - Ảnh 1.

Từ khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn lên cầm quyền tại Đài Loan, quan hệ hai bờ eo biển đã xấu thêm. Ảnh: AFP.

Điều này có thể dẫn đến "một số dư âm quân sự" có thể liên quan đến các khu vực mà Trung Quốc có các tranh chấp lãnh thổ hoặc chủ quyền - như Biển Đông, Biển Hoa Đông hay Đài Loan, Orville Schell, chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Quan hệ Mỹ - Trung tại Xã hội châu Á.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rằng Đài Loan là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhất trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc. Trong khi đó, quan hệ hiện tại giữa Trung Quốc và Đài Loan là một trong những mối quan hệ lạnh lùng nhất trong nhiều thập kỷ sau cuộc bầu cử của nhà lãnh đạo Thái Anh Văn năm 2016, dẫn đến việc Bắc Kinh cắt đứt liên lạc chính thức với Đài Bắc.

Bà Thái thuộc đảng Dân tiến nghiêng về sự tự chủ đã giành được nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1 với số phiếu bầu kỷ lục.

"Thay vì làm suy yếu sức hấp dẫn của nền dân chủ Đài Loan và làm xói mòn sự ủng hộ của họ, các hành động "thể hiện sức mạnh sắc bén" của Trung Quốc đối với Đài Loan đã tăng cường sự cuốn hút của quản trị dân chủ và việc sẵn lòng bảo vệ nó", theo J. Michael Cole, một chuyên gia cao cấp tại Viện Đài Loan toàn cầu, một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington DC.

Cà rốt hay cây gậy

Các nhà phân tích nói rằng việc Đài Loan có động thái xa rời Trung Quốc sẽ không đúng theo ý muốn của Bắc Kinh. "Tất cả những động thái này - đặc biệt là khi chúng đến từ Đài Loan - những cử chỉ xa cách này được coi là khiêu khích ở đại lục", Schell nói.

Trung Quốc đại lục và Đài Loan có sự liên kết chặt chẽ trong văn hóa và kinh doanh, nhưng gần đây, các cơ quan quản lý của Đài Loan được cho là đang tìm cách thắt chặt sự giám sát đầu tư của đại lục vào các công ty Đài Loan do nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh có thể truy cập vào dữ liệu và công nghệ nhạy cảm.

Chính phủ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra nhiều ưu đãi để thu hút người Đài Loan và các doanh nghiệp Đài Loan để không cần phải dùng đến một lập trường cứng rắn hơn.

Dù vậy, "hai trụ cột trong chiến lược của Bắc Kinh đối với Đài Loan, gây sức ép và đưa ra nhiều ưu đãi, chưa bắt kịp các xu hướng đang diễn ra ở Đài Loan về ủng hộ tự chủ và một hình thức quản trị dân chủ", Cole viết. "Mọi thứ khác đã thất bại, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể có khuynh hướng sử dụng vũ lực chống lại đối tượng họ nhắm đến."

Một tình huống 'tế nhị'

Tình hình lúc này là "tế nhị" vì Đài Loan là một vấn đề "lợi ích cốt lõi" đối với Trung Quốc, Schell nói với CNBC. Bắc Kinh sẽ không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp hoặc sự linh động nào khi nói đến vấn đề Đài Loan, ông nói thêm.

Vai trò của Hoa Kỳ cũng làm phức tạp thêm tình hình. Washington không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc nhưng bị ràng buộc bởi luật pháp để hỗ trợ hòn đảo này phòng vệ.

Hoa Kỳ đã đẩy mạnh các chuyến đi của lực lượng tàu hải quân qua eo biển Đài Loan trong những tháng gần đây, theo Reuters. Một máy bay quân sự của Hoa Kỳ cũng đã vào không phận Đài Loan với sự cho phép của chính quyền hòn đảo này vào tháng 6, một động thái khiến Trung Quốc tức giận.

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều đã tăng cường khả năng phòng thủ của họ. Trung Quốc đại lục đã và đang phát triển các tàu tấn công đổ bộ và máy bay mới còn Đài Loan cũng đã và đang thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của mình với chuyến bay thử nghiệm một máy bay phản lực tự phát triển vào tháng 6.

Đài Loan cũng đã thể hiện sức mạnh quân sự của mình - gần đây nhất là với các cuộc tập trận quân sự thường niên vào tháng Bảy.

"Người Trung Quốc nhận ra rằng trong thời gian ngắn sắp tới, họ không có khả năng thực sự 'chiếm lại' Đài Loan, không chỉ về mặt quân sự, mà đặc biệt là về kinh tế và chính trị," Rodger Baker, phó chủ tịch phân tích chiến lược tại tổ chức tham vấn Stratfor nói.

Những gì Trung Quốc rất có thể sẽ tiếp tục làm là tăng cường và đẩy nhanh các bước đi để cô lập Đài Loan trên trường quốc tế bằng cách gây áp lực cho những bên khác, ông nói. Trung Quốc đại lục đã gây áp lực cho nhiều đồng minh ngoại giao của Đài Loan để cắt đứt quan hệ với hòn đảo này. Quần đảo Solomon và Kiribati là một trong những quốc gia mới nhất chuyển sang quan hệ với Trung Quốc đại lục vào tháng 9 năm ngoái, khiến Đài Loan chỉ còn 15 đồng minh.

Mới tháng trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo dự kiến rằng Bắc Kinh sẽ xử phạt nhà sản xuất vũ khí Hoa Kỳ Lockheed Martin vì đã bán vũ khí cho Đài Loan. Công ty này là nhà thầu chính cho gói nâng cấp tên lửa được chính phủ Mỹ chấp thuận trị giá 620 triệu USD.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ