(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, Đài Loan đã bắt đầu xây dựng một đội tàu ngầm tối tân nhằm hướng tới mục tiêu gia tăng năng lực phòng thủ. Đồng thái này được giới phân tích đánh giá sẽ khiến các kế hoạch quân sự của Trung Quốc dành cho hòn đảo trở nên phức tạp hơn.
Quá trình chế tạo chiếc đầu tiên trong số 8 tàu ngầm đã bắt đầu vào tháng trước tại một cơ sở ở thành phố cảng miền nam Cao Hùng. Con tàu dự kiến sẽ chạy thử trên biển vào năm 2025. Tại buổi lễ khởi động chương trình, người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn gọi đây là "một cột mốc lịch sử chứng minh ý chí mạnh mẽ của Đài Loan đối với thế giới".
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình. Chủ tịch Tập Cận Bình từng tuyên bố, Bắc Kinh sẽ không bao giờ cho phép Đài Loan độc lập, đồng thời không loại bỏ khả năng sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Đáp trả, bà Thái Anh Văn khẳng định Đài Loan là lực lượng tiên phong "bảo hộ dân chủ khỏi sự hiếu chiến độc đoán" tại châu Á.
Nhiều tháng qua, quân đội Trung Quốc không ngừng gia tăng áp lực quân sự lên Đài Bắc như cử các máy bay chiến đấu tới khu vực định dạng phòng thủ trên không của Đài Loan và mở rộng tập trận gần hòn đảo. Mặc dù đó được coi là những tín hiệu mang tính đe dọa tới Đài Loan nhưng bất kỳ động thái xâm nhập trực tiếp nào của Trung Quốc cũng sẽ phải vượt qua Eo biển Đài Loan – khu vực lãnh hải phân cách hòn đảo và Trung Quốc đại lục. Và theo các chuyên gia, đây chính là nơi đội tàu ngầm mới của Đài Loan (dự kiến thay thế cho bốn con tàu hiện tại có niên đại từ Thế chiến thứ hai) sẽ tạo ra được sự khác biệt lớn.
Nền tảng vũ khí "tàng hình"
Tàu ngầm luôn được coi là một trong những nền tảng vũ khí tàng hình hàng đầu thế giới và có thể gây ra những tổn thất nặng nề cho bất kỳ đối thủ nào.
Các tàu ngầm của Đài Loan là loại kết hợp điện và dầu: vận hành bằng động cơ dầu khi nổi trên mặt nước nhưng khi lặn lại sử dụng các mô tơ điện cực êm lấy năng lượng từ pin lithium ion.
Lựa chọn tàu ngầm điện-dầu thay vì tàu chạy bằng hạt nhân giống như Hải quân Mỹ và cả Trung Quốc – là một quyết định phù hợp đối với Đài Bắc. Các tàu điện-dầu dễ chế tạo hơn và cũng có chi phí rẻ hơn. Ngoài ra, các mô tơ điện không gây ồn như các lò phản ứng hạt nhân.
Giới phân tích nhận định, tàu ngầm chạy êm sẽ khó bị các đơn vị chống tàu ngầm (ASW) của Trung Quốc phát hiện hơn. Như vậy, chúng có thể "lặng lẽ" xuất hiện gần dưới đáy biển tại Eo Đài Loan và bất ngờ trồi lên tấn công các phương tiện chuyên chở quân lính đối thủ trong trường hợp Trung Quốc tiến quân về phía Đài Loan.
"Năng lực các đơn vị ASW của Trung Quốc khá yếu và những vùng biển nông, nhiều âm thanh như vậy rất khó phát hiện ngay cả cho các đơn vị ASW của Nhật Bản và Mỹ", Owen Cote – phó giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, đồng thời là một chuyên gia về chiến tranh tàu ngầm - chỉ ra.
Mặc dù hiện vẫn chưa rõ các tàu ngầm Đài Loan sẽ lắp đặt công nghệ nào, tuy nhiên đầu năm nay, Washington đã cho phép Đài Bắc mua các ngư lôi Mark 48. Ngoài ra, các tàu được cho là cũng sẽ tích hợp các công nghệ hàng đầu khác của Mỹ và Nhật Bản.
Đài Loan được lợi từ việc tự cải thiện năng lực phòng thủ
Đây là nỗ lực đầu tiên của Đài Loan trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm cỡ lớn - có trọng tải dự kiến từ 2.500 tới 3.000 tấn. Công ty đóng tàu Đài Loan CSBC đã nhận được gói thầu phát triển chương trình tàu ngầm bản địa sau khi Đài Bắc không thể tìm được một nhà cung cấp nước ngoài phù hợp.
"Nếu Đài Loan có thể đóng các tàu ngầm này thành công – và phải nói đó là một thử thách lớn nhất là khi hòn đảo không có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất tàu ngầm hiện đại – họ sẽ nhận được nhiều lợi ích và lợi thế", nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách Hoa Kỳ RAND Corp là Timothy Heath nói.
Còn theo cựu thuyền trưởng Hải quân Mỹ và hiện đang làm việc tại Đại học Thái Bình Dương Hawaii là ông Carl Schuster, nhiều khả năng phải đến những năm 2030, Đài Loan mới có thể đưa toàn bộ 8 con tàu vào vận hành.
Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá, ngay cả khi chương trình thất bại hoặc bị trì hoãn, Đài Loan vẫn có sở hữu những năng lực phòng thủ khác để đối phó với các hành động quân sự từ Trung Quốc.
Học giả về quyền lực biển tại Viện Quân nhân Hoàng gia London, Sidharth Kaushal chỉ ra, Đài Loan có nhiều tên lửa chống tàu khác nhau, bao gồm cả tên lửa Harpoon cũng như các mìn hải quân và tàu ngầm cỡ nhỏ. "Nhìn chung, các vũ khí này có thể khiến hành trình vượt qua eo biển trở nên rất nguy hiểm cho các tàu Hải quân Trung Quốc, đồng thời làm giảm sức mạnh của các lực lượng Trung Quốc trước bất kỳ chiến dịch đổ bộ nào", ông Kaushal nói. "Tóm lại, các tàu ngầm đem tới cho quân đội Đài Loan thêm động lực để tấn công lực lượng tàu đổ bộ vẫn còn bị giới hạn của Trung Quốc".
Ông Heath từ RAND Corp nhận định, việc chế tạo tàu ngầm nội địa sẽ đem lại cho Đài Bắc sự tín nhiệm cao từ đồng minh quan trọng là Washington. "Quyết tâm đóng tàu ngầm và tự đầu tư vào phòng thủ của Đài Loan khiến giới chức Hoa Kỳ dễ dàng hơn khi xem xét các quyết định hỗ trợ trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc tấn công – bởi vì Đài Loan đang làm tất cả những gì có thể để tự bảo vệ mình. Ngược lại, một Đài Loan không làm gì để cải thiện năng lực phòng thủ có thể sẽ tạo ra những khó khăn về mặt chính trị cho chính quyền Mỹ khi cân nhắc khả năng can thiệp", ông Heath nói.