• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đài Loan tung phi cơ "hùng ưng" tối tân, nâng tầm sức mạnh không chiến

Thế giới 22/06/2020 16:47

(Tổ Quốc) - Tờ SCMP đưa tin, phi cơ huấn luyện tối tân sản xuất nội địa đầu tiên của Đài Loan đã cất cánh vào hôm thứ 2 (22/6), đánh dấu một cột mốc mới cho ngành công nghiệp hàng không của hòn đảo.

Người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn đã có mặt tại căn cứ không quân Ching Chuan Kang ở TP Đài Trung để chứng kiến lần cất cánh chính thức đầu tiên của mẫu phi cơ AJT – hay còn gọi là Yung Yin (Hùng Ưng).

AJT được coi là phi cơ huấn luyện thế hệ 5 hiện đại bậc nhất thế giới và có thể thuận tiện cải biến thành một phi cơ chiến đấu. Nó được bà Thái miêu tả là "cột mốc quan trọng" cho ngành công nghiệp hàng không của Đài Loan sau khi Hiệp hội Phát triển Công nghiệp Hàng không Đài Loan sản xuất thành công 137 phi cơ chiến đấu IFD với sự giúp đỡ về mặt công nghệ từ Mỹ vào những năm 1981-1999.

"Yung Yin… không chỉ đại diện cho một bước nhảy vọt trong phát triển ngành công nghiệp hàng không của chúng ta mà còn tạo ra 20.000 việc làm và mở rộng kinh nghiệm chế tạo máy bay, cũng như nền văn hóa của một thế hệ mới các kỹ thuật viên hàng không", bà Thái phát biểu tại sự kiện.

Theo bà, AJT được thiết kế để huấn luyện các phi công không quân nhằm giúp họ tăng cường năng lực bảo hộ cho hòn đảo trong tương lai, đồng thời là một phần trong chính sách của chính quyền Đài Loan là nâng cao khả năng tự phòng thủ cho hòn đảo.

Hồi tháng 5, bà Thái mở đầu nhiệm kỳ thứ hai với quyết tâm thúc đẩy năng lực phòng thủ của Đài Loan thông qua việc tự chế tạo và phát triển vũ khí.

Quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc trở nên căng thẳng kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ hiện thực hóa điều này bằng vũ lực nếu cần thiết. Trong thời gian qua, Trung Quốc liên tục triển khai các hoạt động tập trận gần Đài Loan, lôi kéo các đồng minh của hòn đảo và hủy bỏ các trao đổi chính thức giữa hai bên.

Bà Thái cũng cho biết, AJT vẫn cần phải trải qua một số cuộc thử nghiệm nữa để đảm bảo nó có thể hoạt động trong ít nhất 30 năm hoặc 8.000 giờ bay.

Học giả cấp cao Su Tzu-yun từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh nhận định, AJT được đánh giá là một trong những máy bay huấn luyện hàng đầu thế giới bởi buồng lái của nó hoàn toàn được số hóa và phần mềm điều khiến được thiết kế để mô phỏng chính xác hoạt động phóng tên lửa.

"Trong thời chiến, nếu được trang bị tên lửa và bom, các máy bay AJT sẽ có khả năng cung cấp hỗ trợ cho hải quân và không quân", học giả Su nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ