(Tổ Quốc) - Đàm phán hòa bình Syria sắp diễn ra tại Geneva trong tuần này đã vấp phải rào cản khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad từ chối gửi phái đoàn tham dự.
Vòng đàm phán hòa bình Syria sắp diễn ra tại Geneva trong tuần này đã vấp phải rào cản khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad trước đó từ chối xác nhận họ đã lên đường tham dự và gần đây nhất, tuyên bố với Liên Hiệp Quốc rằng không có phái đoàn nào sẽ đến trong ngày 27/11.
Vòng đàm phán thứ 8 của LHQ về Syria, dự kiến bắt đầu trong ngày 28/11, được coi là một cơ hội để đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt cuộc chiến kéo dài 6 năm tại Syria khi phe đối lập đã gửi một phái đoàn thống nhất tới Geneva.
Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura cho biết rằng, "Đêm qua, chúng tôi đã nhận được một thông điệp rằng chính phủ sẽ không tới Geneva ngày hôm nay".
Trước đó, ông Assad cho biết hồi tuần trước, sau cuộc gặp ở Nga với Tổng thống Vladimir Putin, rằng đã sẵn sàng đàm phán.
Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura đang xúc tiến vòng đàm phán thứ 8 về Syria. (Nguồn: AFP) |
Giữa những tín hiệu bất đồng về các cuộc đàm phán ở Geneva, Nga đã đề nghị tổ chức một "đại hội" để tập hợp cả chính phủ và phe đối lập tại Sochi, tuy nhiên, chưa có thời gian cụ thể cho sự kiện này.
Moscow đang tìm kiếm sự hỗ trợ của LHQ cho cuộc họp tại Sochi, nhưng ông De Mistura nói với Hội đồng Bảo an rằng "còn quá sớm" để ông tuyên bố ủng hộ sáng kiến này.
Mỹ, Pháp ủng hộ đàm phán Geneva
Các cường quốc phương Tây lo ngại rằng Nga – đang tìm kiếm một vai trò hàng đầu trong tiến trình hòa bình, sẽ tìm kiếm một thỏa thuận dành sự ủng hộ cho đồng minh Assad.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói sau một cuộc trò chuyện điện thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng cả hai đã nhất trí rằng các cuộc đàm phán ở Geneva là "diễn đàn hợp pháp duy nhất để đạt được một giải pháp chính trị ở Syria".
Về đồng minh quan trọng thứ hai của Syria là Iran, cả hai ông Trump và Macron "cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đối phó và đảo ngược các hoạt động gây bất ổn của Iran ở Syria", một tuyên bố của Nhà Trắng cho biết.
Sau cuộc gặp tại Riyadh vào tuần trước, các nhóm đối lập của Syria đã nhất trí gửi một phái đoàn đoàn kết tới Geneva, một động thái được xem như là một sự thúc đẩy cho triển vọng hướng tới một bước đột phá.
Tuy nhiên, theo AFP nhận định, phái đoàn của ông Assad, nếu họ quyết định tham dự, sẽ chỉ đến bàn đàm phán khi nắm trong tay lợi thế - với những thắng lợi trên chiến trường từ sự hỗ trợ quân sự của Nga.
Các cuộc hội đàm ở Geneva sẽ tập trung vào việc tổ chức các cuộc bầu cử do LHQ giám sát và soạn thảo một hiến pháp mới. Những yêu cầu của phe đối lập về việc ông Assad phải từ chức dường như đã bị bỏ qua trong chương trình nghị sự.
Ông De Mistura sẽ họp với các đại sứ từ năm nước thành viên thường trực của HĐBA là Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ - tại Geneva trong ngày 28/11 để thảo luận về cuộc đàm phán sắp tới.
(Theo AFP)