• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể về đích giữa tháng 5?

Thế giới 03/05/2019 08:05

(Tổ Quốc)-Hai bên đều có một số thỏa hiệp để có thể đạt thỏa thuận thương mại vào cuộc gặp Trump-Tập tháng 6.

Ngày 1/5, tại Bắc Kinh, các nhà đàm phán Mỹ, do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu, đã kết thúc vòng đàm phán mới nhất với phía Trung Quốc nhằm thu hẹp các bất đồng về thương mại giữa hai nước. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc dẫn đầu đoàn Trung Quốc.

Các cuộc đàm phán song phương Mỹ-Trung đã kéo dài 4 tháng. Gần một năm qua, hai nước đã áp thuế 360 tỷ USD hàng hóa của nhau. Từ tháng 7 năm ngoái, Mỹ áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và Trung Quốc trả đũa bằng cách áp thuế lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Vòng đàm phán lần này gồm các vấn đề: quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng chế chuyển nhượng công nghệ, hàng rào phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ, mua bán sáp nhập.

Đàm phán thương mại Mỹ-Trung có thể về đích giữa tháng 5? - Ảnh 1.

Các trưởng đoàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung kết thúc công việc tại Bắc Kinh hôm 1/5 với kết quả được xem là "tích cực".

Mỹ đang tìm cách buộc Trung Quốc phải thay đổi một loạt vấn đề, từ giảm bớt trợ cấp công nghiệp tới việc ngưng việc buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ khi muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Đạt thỏa thuận trong tháng 5?

Trong một tuyên bố trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết ông ta và Đại diện Thương mại Lighthizer đã có cuộc họp "hiệu quả" với Phó Thủ tướng Lưu Hạc.

Trước khi bắt đầu đàm phán chính thức, giới chức Mỹ và Trung Quốc khẳng định hai bên đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể nhờ quá trình tham vấn song phương. Dù vậy, các vấn đề liên quan đến cơ chế thực thi và biện pháp thuế quan vẫn là trở ngại không nhỏ.

Tuần trước, tại Washington, Larry Kudlow, Giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, nói Mỹ và Trung Quốc đang đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán và ông bày tỏ "sự lạc quan một cách thận trọng" về triển vọng đạt được một thỏa thuận.

Phía Bắc Kinh đã có những nhượng bộ nhất định, như thông qua luật cam kết bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty nước ngoài. Đồng thời, tiến thêm một bước trong việc mở cửa lĩnh vực tài chính quy mô 44.000 tỷ USD. Nước này thông báo kế hoạch bỏ hạn chế về sở hữu tại các ngân hàng trong nước, đồng thời bỏ yêu cầu về quy mô với các công ty nước ngoài hoạt động tại đây. Các tập đoàn bảo hiểm nước ngoài cũng sẽ được phép mở chi nhánh tại Trung Quốc.

Về phía Mỹ, để thúc đẩy đàm phán về đích, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bỏ một đòi hỏi chính liên quan đến cáo buộc Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại trên mạng.

Nhà Trắng đang tăng sức ép để đạt thỏa thuận thương mại với Trung Quốc trong 2 tuần tới. Họ cảnh báo rằng Mỹ có thể rời khỏi cuộc đàm phán. Quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng, Mick Mulvaney cho biết kết quả sẽ có trong vài tuần tới, theo hướng đạt thỏa thuận hoặc không. Mick Mulvaney nhấn mạnh, "việc này không thể kéo dài mãi được", nhưng Mỹ cũng không vội vã đạt thỏa thuận.

Một nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin CNBC, một thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể sẽ được công bố trong thời gian từ nay đến trước cuối tuần tới. Ngày 8/5, Phó Thủ tướng Lưu Hạc dự kiến sẽ tới Washington để tiếp tục cuộc đàm phán, nếu thành công sẽ đặt nền móng cho cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump từng nói sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Nhà Trắng, nhưng một nguồn thạo tin cho hay, có một lựa chọn đang được cân nhắc là tổ chức cuộc gặp Trump-Tập để ký thỏa thuận tại Nhật Bản, khi hai nhà lãnh đạo dự Hội nghị G-20 tại Osaka vào tháng 6.

Sức ép nội bộ Mỹ

Ngày 25/4, tờ Bloomberg (Mỹ) đăng bài viết với tiêu đề "Kyle Bass và Stephen Bannon thúc giục Tổng thống Trump cứng rắn hơn trong đàm phán với Trung Quốc". Chuyên gia tư vấn đầu tư Kyle Bass và cựu Cố vấn cho Tổng thống Trump Stephen Bannon, một nhân vật khét tiếng chống Trung Quốc, đã có một số phát biểu kêu gọi Tổng thống Trump rời bàn đàm phán với Bắc Kinh để đạt được các điều khoản tốt hơn, cáo buộc Phố Wall và các tập đoàn Mỹ đang phục vụ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông Bannon đã phát biểu tại Hội nghị hôm thứ 5 tuần trước tại Khách sạn St. Regis tại Manhattan: "Doanh nghiệp Mỹ là cánh tay vận động hành lang cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và Phố Wall bản chất là Cục quan hệ nhà đầu tư của họ"; "Theo tôi, chúng ta nên rời bàn đàm phán, phải cứng rắn".

Tại nhiều diễn đàn từ Phố Wall, tới London và Davos, ông Bannon và ông Bass đều than phiền về việc các công ty Mỹ đang thúc ép Tổng thống Trump ký thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, tuy nhiên, theo cả hai, thời điểm hiện tại chưa đủ chín muồi để đạt thỏa thuận bởi không giải quyết được các vấn đề về cấu trúc trong quan hệ thương mại hai nước. Trong khi đó, bất chấp những căng thẳng trong quan hệ hai nước, giới đầu tư Mỹ vẫn đổ tiền vào thị trường Trung Quốc.

Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bắt đầu khởi động, dường như Bắc Kinh phối hợp "bỏ phiếu" cho ông Trump tái cử một nhiệm kỳ nữa./.


TS.Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ