• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Dấn thân" vào cuộc xung đột Libya, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đón món ​​lợi kinh tế?

Thế giới 30/07/2020 16:46

(Tổ Quốc) - Khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ký một thỏa thuận an ninh vào năm ngoái để ủng hộ một trong các phe trong cuộc nội chiến Libya, có một thỏa thuận khác chờ sẵn những người bảo vệ mới của Ankara: một bản ghi nhớ vẽ lại biên giới trên biển của Libya và Thổ Nhĩ Kỳ, theo tiết lộ mới từ AP.

Trong bản ghi nhớ của ông Recep Tayyip Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya tuyên bố chủ quyền đối với các khu vực rộng lớn của Biển Địa Trung Hải và các mỏ khí đốt tự nhiên tiềm năng dưới đó. Thỏa thuận này đã đạt được mục tiêu lâu dài của Thổ Nhĩ Kỳ - tìm kiếm đối tác để ủng hộ các yêu sách của mình.

Chiến lược hé lộ lợi ích kinh tế

Các quan chức từ chính quyền Libya được sự ủng hộ của Liên hợp quốc ở thủ đô Tripoli, lần đầu tiên tiết lộ với Associated Press về các cuộc thảo luận dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nhà môi giới lớn trong cuộc chiến, đứng ở bên đối lập với Nga. Họ nói rằng mối quan hệ với Ankara là cần thiết và việc Thổ Nhĩ Kỳ có hành động đột phá vào cuộc xung đột này là đi đôi với lợi ích kinh tế.

"Dấn thân" vào cuộc xung đột Libya, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ đón món lợi kinh tế? - Ảnh 1.

Fayez Sarraj - người đứng đầu chính phủ Libya được LHQ ủng hộ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tại Istanbul chụp ảnh trước khi đối thoại ngày 25/7. Ảnh: AP.

Một số quan chức nói rằng phe của họ tham gia vào thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ cuối năm ngoái một cách miễn cưỡng và họ tin rằng không có lựa chọn nào khác. Họ rất cần một đồng minh khi đối thủ của họ trong cuộc chiến, chỉ huy Libya Khalifa Hifter, đã có sự hậu thuẫn của Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ai Cập.

Đây giống như một trò chơi cho và nhận, theo một nguồn tin chính thức đề nghị giấu tên trong văn phòng của Thủ tướng Fayez Sarraj tại Tripoli. "Họ đã tận dụng điểm yếu của chúng tôi vào thời điểm đó".

Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã triển khai quân đội và hàng ngàn lính đánh thuê Syria và các hỗ trợ quân sự khác giúp lực lượng thân Sarraj đẩy lùi cuộc tấn công của Hifter vào mùa xuân năm nay, ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền Tripoli và làm thay đổi chiều hướng cuộc chiến.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng chỉ là một bên trong các cường quốc bên ngoài can dự vào cuộc nội chiến ở quốc gia Bắc Phi giàu dầu mỏ này.

Nga được cho là đã gửi vũ khí, hệ thống phòng không và lính đánh thuê đến các chiến tuyến của Libya, để hỗ trợ cuộc tấn công của Hifter nhằm kiểm soát Tripoli. Sự giúp đỡ đó đã tiếp tục ngay cả sau khi Hifter rút quân, mặc dù Nga đã bác bỏ mọi vai trò nào trong cuộc xung đột Libya.

Hiện Hifter kiểm soát phía đông và nam Libya còn chính phủ của Sarraj kiểm soát Tripoli và khu vực xung quanh ở phía tây.

Ông Erdogan chỉ thừa nhận gửi các cố vấn cấp cao để giúp đỡ các lực lượng thân Sarraj. Trên thực tế, theo AP, Ankara đã triển khai vài trăm binh sĩ và ước tính khoảng 3.500-3.800 lính đánh thuê Syria trong quý đầu tiên của năm nay, một báo cáo của Lầu Năm Góc tuần trước cho biết. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã gửi vũ khí, thiết bị quân sự và hệ thống phòng không.

Văn phòng Sarraj không trả lời một số cuộc gọi đề nghị bình luận về mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Mục tiêu chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ

Một quan chức Libya thạo tin với AP nói rằng chính phủ Tripoli phụ thuộc hoàn toàn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không tiến đến điểm này nếu không vì chống lại Hifter.

Các quan chức này cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy chính phủ Libya trong hơn một năm để phê duyệt thỏa thuận hàng hải, nhưng Sarraj đã bác bỏ.

Một nguồn tin cho biết, đó là sức ép không ngừng và những người Hồi giáo trong chính quyền Sarraj cũng có ảnh hưởng lớn đến việc ủng hộ đề xuất Ankara. "Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất hứa hỗ trợ và chúng tôi chỉ đồng ý sau khi tất cả các cánh cửa khác đã đóng", theo người này.

Thỏa thuận an ninh và hàng hải trên đã được ký kết vào cuối tháng 11 năm ngoái. Theo thỏa thuận này, Libya và Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố yêu sách các phần liền kề của Địa Trung Hải và quyền thăm dò ở đó. Hy Lạp là bên tranh chấp thỏa thuận này, coi vùng biển trên là một phần thềm lục địa của họ. EU cho biết điều đó vi phạm luật pháp quốc tế và đặt ra mối đe dọa đối với sự ổn định.

Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã muốn thay đổi các ranh giới cũ và họ cảm nhận được sự cấp bách khi Ai Cập, Israel và Síp chuyển sang khai thác các mỏ khí đốt tự nhiên mới được phát hiện trong vùng biển của họ.

Các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền biển đối với vùng biển Hy Lạp, đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai thành viên NATO, những người đã công khai đụng độ 46 năm trước trong cuộc xung đột ở đảo Síp.

Oded Berkowitz, một nhà phân tích an ninh Israel chuyên về cuộc xung đột ở Libya cho biết, các yêu sách hàng hải này mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ các vị trí gây sức ép – để họ có thể nhắm vào các quốc gia khác quanh khu vực Đông Địa Trung Hải. Nó có thể nhằm mục đích ngăn chặn Ai Cập, Israel và Síp trực tiếp xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu và gây ảnh hưởng đến vấn đề buôn bán người di cư.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ