(Tổ Quốc) - Quan hệ Mỹ - Nga đang ở trong giai đoạn căng thẳng chưa từng có sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Obama áp đặt trừng phạt mới với Nga với cáo buộc tấn công mạng.
Tổng thống Barack Obama ngày 29/12 đã tuyên bố trục xuất 35 người được cho là điệp viên Nga cũng như áp đặt trừng phạt đối với hai cơ quan tình báo Nga với cáo buộc tham gia vào vụ tấn công các tổ chức chính trị Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.
Ông Obama và ông Putin tại Hội nghị APEC ở Lima, Peru. (Nguồn: Reuters) |
Ông Obama đã áp đặt lệnh trừng phạt với hai cơ quan tình báo Nga, GRU và FSB cùng với bốn sĩ quan GRU và ba công ty được cho là đã "hỗ trợ vật chất cho các hoạt động trên mạng của GRU."
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tuyên bố đưa 35 người Nga với cáo buộc hoạt động tình báo vào diện “không được chào đón”, đóng cửa hai cơ sở giải trí của Nga tại New York và Maryland - nơi được cho được các nhân viên của Nga sử dụng cho "mục đích liên quan đến thông tin tình báo."
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với Reuters rằng lệnh trục xuất sẽ được đưa tới Đại sứ quán Nga tại Washington và lãnh sự quán ở San Francisco.
Những công dân Nga trên có có 72 giờ để rời khỏi Hoa Kỳ, quan chức này nói. Việc tiếp cận vào hai cơ sở trên sẽ bị cấm đối với tất cả các quan chức Nga từ trưa ngày 30/12.
Ông Obama “thiếu khôn ngoan”
Tổng thống Obama, một thành viên đảng Dân chủ, trước đó đã tuyên bố sẽ có hành động sau khi các quan chức tình báo Mỹ cho rằng Nga đã tấn công mạng nhằm gây ảnh hưởng trong cuộc bầu cử năm 2016. Các quan chức Mỹ, những người thậm chí còn đề cập rằng cá nhân Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ đạo trực tiếp những nỗ lực nhắm mục tiêu vào đảng Dân chủ, đã gây áp lực lên Tổng thống Obama để hành động.
"Những hành động này theo sau nhiều lời cảnh báo cả công khai và riêng tư lặp đi lặp lại mà chúng tôi đã gửi tới chính phủ Nga và đây là sự đáp trả cần thiết và phù hợp đối với những nỗ lực gây tổn hại lợi ích của Mỹ vi phạm thiết lập chuẩn mực quốc tế về hành vi của Mỹ", ông Obama nói trong một tuyên bố từ Hawaii, nơi ông đang đi nghỉ.
"Tất cả người Mỹ nên được cảnh báo bởi hành động của Nga," ông nói.
Ông Obama thậm chí còn cho biết các lệnh trừng phạt này chỉ là khởi đầu. "Những hành động này không phải toàn bộ phản ứng của chúng tôi đối với những hành động của Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra một loạt các hành động vào thời điểm và địa điểm thích hợp của chúng tôi, một số trong đó sẽ không được công bố công khai ", ông Obama nói.
Một báo cáo chi tiết về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ 2016 cũng như các cuộc tấn công mạng trong các vòng bầu cử trước sẽ được đưa ra Quốc hội vào những ngày tới, ông nói thêm.
Động thái lần này là những phản ứng mạnh mẽ nhất của chính quyền Obama đối với hoạt động mạng của Nga. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao thừa nhận rằng ông Trump có thể đảo ngược chúng và cho phép các quan chức tình báo Nga trở lại Mỹ một khi ông nhậm chức. Ông cho rằng điều này (hành động của Obama) sẽ là không khôn ngoan.
Lo ngại bị đảo ngược?
Những biện pháp mạnh mẽ trên, được đưa ra trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống Obama, đánh dấu một điểm nóng tiềm tàng giữa Tổng thống mới đắc cử Donald Trump và các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội về giải pháp cho quan hệ với Moscow.
Ông Trump trước đó đã bỏ qua những lời cáo buộc từ CIA và các cơ quan tình báo khác rằng Nga đứng đằng sau các cuộc tấn công không gian mạng, tuy nhiên, ngày 29/12 cho biết ông sẽ sớm gặp các quan chức tình báo.
"Đã đến lúc để đất nước chúng ta chuyển sang những điều lớn hơn và tốt hơn", Trump cho biết trong một tuyên bố.
"Tuy nhiên, vì lợi ích của đất nước và những người dân tuyệt vời, tôi sẽ gặp gỡ với các nhà lãnh đạo của cộng đồng tình báo vào tuần tới để nắm bắt thông tin về tình hình này," ông Trump cho biết và không nhắc đến Nga.
Trước đó, ông Obama đã sửa đổi một điều lệnh được ban hành vào tháng 4/2015 để có thể đáp trả vụ tấn công mạng, bao gồm việc trừng phạt đối với những bên làm xáo trộn thông tin nhằm can thiệp bầu cử.
Tuy nhiên, ông Trump đã cho biết trong tháng 10 rằng sẽ "hủy bỏ mọi hành động hành vi hiến, biên bản ghi nhớ và pháp lệnh của Tổng thống Obama " vào ngày đầu tiên nhậm chức.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Trump, người đã nhiều lần ca ngợi ông Putin và đề cử nhiều ứng viên xem là thân thiện đối với Moscow vào các vị trí cấp cao trong chính phủ mới liệu có tìm cách đảo ngược những biện pháp này khi ông nhậm chức vào ngày 20/1.
Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và Dân chủ, lên tiếng lo ngại về hành động của Nga, được cho là đang chuẩn bị sẵn chiến lược phản đối nếu ông Trump tìm cách thay đổi các biện pháp trừng phạt của ông Obama.
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, quan chức cấp cao của đảng Cộng hòa, cho biết Nga "đã luôn tìm cách phá hoại" lợi ích của Mỹ và kêu gọi đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và Lindsey Graham cho biết họ dự định sẽ dẫn dắt những nỗ lực của Quốc hội để "trừng phạt Nga mạnh hơn."
Nguy cơ về bất hòa giữa Quốc hội và Nhà Trắng đang gia tăng vào thời điểm khởi đầu nhiệm kỳ của chính quyền mới. "Đây sẽ là vấn đề rất căng thẳng sau lễ nhậm chức," Eric Lorber, một quan chức cấp cao tại Mạng lưới hội nhập tài chính cho biết.
Những động thái từ Nga cũng đang báo hiệu thời điểm căng thẳng trong quan hệ hai nước thời gian tới. Phát biểu với báo giới ngày 29/12, phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh Mỹ muốn hủy hoại quan hệ giữa hai nước và Moscow phản đối những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ nhằm vào nước này, đồng thời khẳng định Nga sẽ có các phản ứng đáp trả tương ứng phù hợp.
(Theo Reuters)