(Tổ Quốc)-Tiếp tục biện hộ cho chủ trương tăng cường quân sự, lấy mạnh hiếp yếu.
Ngày 24/7/2019, Bắc Kinh đã công bố "Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới". Đây là tài liệu quốc phòng đầu tiên công bố sau Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc và là Sách Trắng quốc phòng thứ 10 kể từ năm 1998 đến nay. Nó nằm trong chủ trương "minh bạch hóa" vấn đề quân sự của Trung Quốc.
Đánh giá tình hình an ninh quốc tế
Sách Trắng cho rằng tình hình an ninh quốc tế vẫn có nhiều bất ổn, tính khó đoán định mà an ninh quốc tế phải đối mặt càng nổi cộm hơn. Mỹ tiến hành đổi mới công nghệ và thể chế quân sự, theo đuổi ưu thế quân sự tuyệt đối. Sự cạnh tranh chiến lược quốc tế đang gia tăng. Mỹ đã điều chỉnh chiến lược an ninh quốc gia và chiến lược quốc phòng, theo đuổi chính sách đơn phương, kích động tăng cường sự cạnh tranh nước lớn, tăng mạnh ngân sách quốc phòng, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực như vũ khí hạt nhân, vũ trụ, mạng Internet và phòng thủ tên lửa…, làm suy yếu sự ổn định chiến lược trên toàn cầu.
Bắc Kinh cho rằng, trong khi trọng tâm kinh tế và chiến lược của thế giới tiếp tục chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thì khu vực này cũng trở thành trọng tâm của cuộc đọ sức nước lớn, mang lại tính khó lường cho an ninh khu vực. Mỹ đã tăng cường củng cố các liên minh quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, tăng cường triển khai và can thiệp quân sự, làm tăng thêm nhân tố phức tạp cho an ninh châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc, phá hoại nghiêm trọng sự cân bằng chiến lược trong khu vực, làm tổn hại nghiêm trọng lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia trong khu vực. Nhật Bản điều chỉnh chính sách an ninh quân sự, tăng cường đầu tư, tìm cách phá vỡ "thể chế sau Chiến tranh thế giới thứ hai", tính hướng ngoại về quân sự gia tăng. Australia tiếp tục ủng hộ liên minh quân sự với Mỹ, tăng cường can dự quân sự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tìm cách phát huy vai trò lớn hơn trong vấn đề an ninh.
"Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới" nằm trong chủ trương "minh bạch hóa" vấn đề quân sự của nước này. DoD photo
Sách Trắng cũng nêu bật các thách thức đối với các "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh tình hình Đài Loan: Tình hình các cuộc đấu tranh chống ly khai nghiêm trọng hơn. Chính quyền Đảng Dân tiến ngoan cố duy trì lập trường ly khai "Đài Loan độc lập", từ chối công nhận "Nhận thức chung năm 1992" thể hiện trong nguyên tắc "một Trung Quốc", ráo riết đẩy mạnh việc "từ bỏ Trung Quốc", "tiến dần tới Đài Loan độc lập", mong muốn thúc đẩy "Đài Loan độc lập về pháp lý", tăng cường sự đối kháng thù địch, dựa vào bên ngoài để nâng cao thực lực của mình và ngày càng tiến xa hơn trên con đường ly khai. Các lực lượng ủng hộ "Đài Loan độc lập" và hoạt động của họ luôn là mối đe dọa thực sự lớn nhất đối với hòa bình và ổn định của eo biển Đài Loan, là trở ngại lớn nhất cho sự thống nhất tổ quốc một cách hòa bình.
Hoạt động của các lực lượng ly khai như "Tây Tạng độc lập", Đông Turkestan… ở bên ngoài đất nước liên tục diễn ra, gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và ổn định xã hội của Trung Quốc.
Về Biển Đông, Sách Trắng cho rằng, vấn đề lãnh thổ các đảo và tranh chấp phân giới trên biển vẫn tồn tại, tàu và máy bay của một số nước bên ngoài khu vực liên tục tiếp cận do thám Trung Quốc, nhiều lần xâm nhập trái phép lãnh hải và bầu trời trên vùng biển gần các đảo có liên quan.
Mục tiêu nhiệm vụ quân đội Trung Quốc
Sách Trắng nêu lại mục tiêu xây dựng quân đội Trung Quốc được Đại hội 19 của ĐCS Trung Quốc đề ra, nhấn mạnh xây dựng "quân đội tầm cỡ thế giới": Mục tiêu chiến lược của xây dựng quân đội và quốc phòng Trung Quốc trong thời đại mới là đến năm 2020, về cơ bản thực hiện cơ giới hóa, đạt được tiến triển lớn trong việc xây dựng tin học hóa, năng lực chiến lược được nâng lên. Để phù hợp với tiến trình hiện đại hóa quốc gia, sẽ thúc đẩy toàn diện hiện đại hóa lý luận quân sự, hiện đại hóa hình thái tổ chức quân sự, hiện đại hóa nhân viên quân sự, hiện đại hóa trang bị vũ khí, cố gắng đến năm 2035 về cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội, đến giữa thế kỷ này xây dựng quân đội nhân dân thành một quân đội tầm cỡ thế giới.
Bảo vệ các lợi ích cốt lõi
Sách Trắng xác định các mục tiêu của quân đội Trung Quốc trước hết là bảo vệ các "lợi ích cốt lõi", như kiềm chế lực lượng ủng hộ "Đài Loan độc lập", trấn áp các lực lượng ly khai như "Tây Tạng độc lập" và Đông Turkestan, duy trì sức mạnh ở Biển Đông.
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc. chinamil.com.cn
Sách Trắng nhấn mạnh: Giải quyết vấn đề Đài Loan, thực hiện thống nhất hoàn toàn đất nước là lợi ích cơ bản; không cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực, bảo lưu sự lựa chọn áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết, nhằm vào sự can thiệp của các thế lực bên ngoài và số ít các lực lượng ủng hộ "Đài Loan độc lập" cũng như các hoạt động ly khai của chúng, tuyệt đối không nhằm vào đồng bào Đài Loan. Nếu bất cứ ai muốn tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, quân đội Trung Quốc kiên quyết đánh bại bằng mọi giá, bảo vệ sự thống nhất quốc gia.
Sách Trắng biện hộ cho chính sách bá quyền ở Biển Đông khi tuyên bố Trung Quốc kiên định bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ. Các quần đảo ở Nam Hải, quần đảo Điếu Ngư và các đảo phụ thuộc là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc. Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các đảo đá ở Nam Hải, triển khai các lực lượng mang tính phòng ngự cần thiết.
Đồng thời, Sách Trắng nêu lên nhiệm vụ mới bảo vệ lợi ích Trung Quốc ở nước ngoài; lập ra các cơ chế quy định và điều lệ như "Điều lệ hành động hộ tống trên biển".
Mục tiêu Sách Trắng là xoa dịu mối quan ngại của dư luận quốc tế về "mối đe dọa Trung Quốc". Nhưng các hành động của Trung Quốc tại Biển Đông trong những năm qua khiến dư luận nghi ngờ những lời hay ý đẹp ("kiên trì không tranh bá, không bành trướng, không tìm kiếm phạm vi ảnh hưởng", theo đuổi truyền thống văn hóa "dĩ hòa vi quý").
Từ thực tiễn, người ta cần xem xét Trung Quốc hành động, không nghe theo những điều Trung Quốc nói./.