• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đằng sau sự cố tàu ngầm Alrosa

Thế giới 30/12/2009 16:54

(Toquoc)-Sự cố tàu ngầm B-871 Alrosa, Hạm đội Biển Đen, thấy đôi điều về sức mạnh Hải quân Nga.


(Toquoc) - Đêm 20/11, một điều gì đó không bình thường đã xảy ra với tàu ngầm duy nhất có khả năng chiến đấu thuộc Hạm đội Biển Đen B-871 Alrosa cho thấy đôi điều về sức mạnh Hải quân Nga.

Theo giải thích của một quan chức cao cấp của Hạm đội Biển Đen, chiếc tàu ngầm Alrosa lớp Kilo bị hỏng bộ hệ thống động cơ khi đang tham gia một cuộc tập trận huấn luyện trên biển. Nó phải dừng đợt huấn luyện và kéo về cảng Novorossiisk. Đây là tàu ngầm duy nhất có khả năng chiến đấu của liên bang Nga trên Biển Đen hiện nay. Lượng choán nước của tàu ngầm Alrosa là 3950 tấn, vận tốc – khoảng 17 hải lý, tầm hoạt động – khoảng 400 dặm dưới mặt nước và 6000 dặm trên mặt nước. Tàu được trang bị ngư lôi và mìn. Ê-kíp tàu gồm 52 người.

Tàu ngầm Alrosa thuộc Hạm đội Biển Đen

Nội tình sự việc thế nào và hậu quả ra sao đến nay vẫn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, sự cố xảy ra một lần nữa thu hút sự chú ý, bởi nó liên quan đến chương trình hiện đại hoá Hạm đội Biển Đen thuộc hải quân Nga, đặc biệt là lực lượng tàu ngầm.

Hiện tại, Hạm đội Biển Đen trên danh nghĩa có hai tàu ngầm, tàu ngầm điện-diesel B-871 Alrosa thuộc dự án 877V, hạ thủy năm 1988 và đưa vào sử dụng năm 1990, và chiếc B-380 Svyatoi Knyaz Georgy, đóng vào năm 1982 và hiện đang được sửa chữa dài hạn. Trên thực tế, có thể tính là B-871 hiện tại không hề thực hiện sứ mệnh của mình (việc khắc phục sự cố kéo dài bao lâu là một vấn đề), thì Hạm đội Biển Đen đang không có bất cứ loại tàu ngầm nào hoạt động.

Thực trạng này đúng ra có thể gọi là rất nghiêm trọng. Có ba Dự án tàu ngầm diesel 677 hiện đang trong quá trình xây dựng cho Hải quân Nga. Tuy nhiên, việc đưa chiếc tàu ngầm đầu tiên Saint Peterburg thuộc dự án 677 Lada vào sử dụng lại bị hoãn do gặp phải những khó khăn nghiêm trọng. Còn 2 chiếc tàu ngầm cùng dự án là Kronstadt và Sevastopol được đóng lần lượt vào năm 2005-2006 hiện vẫn chưa hạ thủy. Dự kiến, chúng sẽ thay thế cho những tàu thuộc dự án 877 Varshavyanka đóng từ thời Liên Xô, nhưng các nhà chế tạo hiện vẫn chưa chắc liệu có thể giải quyết được những phức tạp về kỹ thuật do những thay đổi về đặc điểm tàu hay không.

Để lấp sự thiếu hụt này, Hải quân Nga đã phải tính đến việc mua tàu ngầm Đức thuộc dự án 212 do công ty Howaldtswerke-Deutsche Werft AG (HDW) chế tạo. Chúng được đưa vào vận hành từ năm 2005. Dựa trên tàu ngầm này, Đức đã chế tạo phiên bản xuất khẩu dự án 214. Hy Lạp, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Bồ Đào Nha đã đặt mua tàu này.

Tàu ngầm thuộc dự án 212 có lượng choán nước 1840 tấn, dài – 56,3m, bề rộng – 6,8m. Tàu có thể lặn sâu 600m, vận tốc – khoảng 20 hải lý, tàu có thể bơi độc lập trong 30 ngày, ê-kíp tàu gồm 27 người. Tàu được trang bị các loại vũ khí gồm ngư lôi, mìn và tên lửa tầm gần IDS. Những thứ mà Hải quân Nga đang rất cần.

Ngay cả khi Nga mua được tàu ngầm của nước ngoài cũng cho thấy một điều rõ ràng rằng cuộc khủng hoảng trong việc chế tạo tàu ngầm ở Nga, vốn luôn đi đầu thế giới, đang ngày càng hiển hiện.

Tình hình cũng không mấy khả quan với việc phát triển các hạm đội tàu trên biển. Thời gian chế tạo, đóng mới rất lâu. Trong chương trình đổi mới hải quân trị giá 60 tỷ USD có việc mua 12 chiến hạm. Chương trình này được tiến hành trong vòng 20 năm sẽ giúp nước Nga trở thành cường quốc hải quân chỉ đứng sau Mỹ. Cuối năm 2007, Hải quân Nga đã nhận được tàu chiến lớp đầu tiên trong dự án 20380 "Steregushi". Phòng thiết kế ở Zelennodolske đang nghiên cứu đóng mới tàu chiến theo dự án "Nheustrashimưi". Tổ hợp vũ khí của "Nheustrashimưi" bao gồm hệ thống tên lửa phòng không trên tầu "Tor" (SAN 9 Gauntlet), 12 ống phóng tên lửa chống tầu ngầm AFOF6000, tổ hợp tên lửa phòng không cự ly gần 100mm Kashtan và 6 ống phóng ngư lôi 53mm loại EE2 "Viga" (SSN15 Starfish) hay ngư lôi dự án 53. Tàu cũng có khả năng được trang bị trực thăng EFAF27 (Helix). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các dự án đóng tàu của Nga nếu cứ triển khai như hiện nay sẽ chậm so với kế hoạch trên dưới 10 năm, và vì vậy lực lượng chiến đấu trên biển của Nga hầu như là chẳng có gì cho tới tận những năm giữa của thập niên 20 thế kỷ này.

Nga cũng đang tính đến chuyện mua tàu quân sự lưỡng dụng Mistral của Pháp, thiết kế thêm một số chi tiết giống các loại tàu của Nga. Hiện tại, loại tàu này rất hữu dụng với Hải quân Nga bởi tàu chiến lưỡng dụng Mistral có khả năng chở cả chục máy bay trực thăng, hàng chục xe tăng và xe bọc thép. Tàu này có thể được sử dụng vừa cho các mục đích tấn công, chuyên chở vũ khí, đổ bộ, vừa làm bệnh viện di động. Ngày 23/11, một chiếc Mistral của hải quân Pháp đã cập cảng Saint Petersburg trên sông Neva, Nga mở ra hy vọng về thương vụ có một không hai này.

Các lực lượng khác như bộ binh, tăng thiết giáp, không quân đã nhận được các loại xe tăng, phương tiện vũ khí chiến đấu, chiến đấu cơ và các loại vũ khí hiện đại khác từ 10 năm trước đây. Riêng lực lượng chiến đấu trên biển vẫn bị lãng quên. Thời gian tới lực lượng này cần sự đầu tư mạnh tay và kỹ lưỡng hơn. Và như thế, Hải quân Nga cần thời gian khá dài mới có thể đuổi kịp và bắt nhịp các lực lượng khác./.

Khánh Lâm (Theo RIA Novosti)

NỔI BẬT TRANG CHỦ