(Tổ Quốc) - Đánh giá hoạt động thư viện là một trong những yêu cầu đặt ra cho các thư viện nhận thấy được đầy đủ những hiệu quả cũng như những hạn chế, tồn tại để không ngừng hoàn thiện dịch vụ của mình.
- 07.12.2019 Xã hội hóa hoạt động thư viện trong Luật Thư viện
- 27.11.2019 Một số điểm mới trong quy định về thư viện ngoài công lập trong Luật Thư viện
- 25.11.2019 Luật Thư viện sẽ góp phần phát triển văn hóa đọc
- 23.11.2019 Hoàn thiện Dự thảo Luật Thư viện trình Chủ tịch Quốc hội chứng thực
- 22.11.2019 Luật Thư viện được ban hành: Góp phần tạo hành lang pháp lý phát triển sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc
Thư viện được nhìn nhận là một cơ quan, tổ chức hoặc một bộ phận của cơ quan tổ chức cung cấp dịch vụ công. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thư viện được Nhà nước bảo trợ với mục đích việc hỗ trợ quyền tiếp cận thông tin và lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản của công dân, nâng cao trình độ văn minh xã hội và nâng cao tố chất khoa học và văn hóa cho công dân, truyền bá văn minh của nhân loại, gìn giữ sự tự tôn trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Chính vì thế, việc đánh giá hoạt động thư viện là một trong những yêu cầu đặt ra để các thư viện nhận thấy được đầy đủ những hiệu quả cũng như những hạn chế, tồn tại để không ngừng hoàn thiện dịch vụ của mình.
Để giúp cho việc đánh giá được thực hiện nghiêm túc Luật Thư viện được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 11 đã có một điều riêng quy định về vấn đề này. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Pháp lệnh Thư viện 2000. Theo đó, việc đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện đối với tất cả các loại thư viện nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý nhà nước về thư viện và nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện.
Khi thực hiện đánh giá hoạt động thư viện phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Khách quan, chính xác, đúng quy định; Trung thực, công khai, minh bạch, bình đẳng; Theo định kỳ hàng năm.
Tiêu chí, phương pháp, thủ tục đánh giá hoạt động thư viện được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc gia. Quy định này có điểm tương đồng với quy định của một số nước phát triển ở Châu Á. Theo Luật Thư viện Nhật Bản quy định: Thư viện phải tiến hành đánh giá tình hình điều hành thư viện đồng thời phải có biện pháp cần thiết nhằm cải thiện tình hình điều hành thư viện dựa trên kết quả đó.
Để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thư viện, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ đặt ra quy định về tiêu chuẩn cần thiết đối với việc xây dựng và điều hành thư viện công, công bố tiêu chuẩn này cho Ủy ban giáo dục và công chúng nói chung.
Luật Thư viện công cộng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng xácđịnh: Bộ Văn hóa và Du lịch, Sở Văn hóa và Du lịch các tỉnh trực thuộc Trung ương, khu tự trị có trách nhiệm xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá trình độ, chất lượng dịch vụ thư viện công cộng và tổ chức đánh giá chất lượng, mức độ phục vụ của thư viện công cộng. Việc đánh giá này phải có sự tham gia của công chúng, kết quả đánh giá phải được công bố cho công chúng và được sử dụng để tăng cường đầu tư cho thư viện hoặc khen thưởng.
Trong Luật Thư viện đã quy định rõ việc tổ chức thực hiện đánh giá hoạt động thư viện bao gồm: Thư viện tự đánh giá; Cơ quan, tổ chức thành lập thư viện đánh giá và cơ quan quản lý nhà nước về thư viện đánh giá. Đây là một quy định mở hơn so với một số nước trên thế giới. Theo Luật Thư viện Hàn Quốc: Đánh giá hoạt động thư viện thuộc về trách nhiệm của Ủy ban chính sách thông tin thư viện.
Như vậy, định kỳ hàng năm tất cả các thư viện đều phải đánh giá hoạt động theo một số tiêu chí được chọn từ tiêu chuẩn quốc gia theo sự hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thuận lợi đáng kể là ở Việt Nam hiện nay, Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành hai tiêu chuẩn quốc gia về về bộ tiêu chí đánh giá và phương pháp đánh giá hoạt động thư viện. Đó là TCVN 11774:2016 (ISO 11620:2014) Thông tin và tư liệu - Bộ chỉ số đánh giá hoạt động thư viện và TCVN 12103:2017 (ISO 16439:2014) Thông tin và tư liệu - Phương pháp và thủ tục đánh giá tác động của thư viện. Cả hai tiêu chuẩn quốc gia này đều được xây dựng trên cơ sở ISO. Điều đó sẽ giúp cho chất lượng của dịch vụ thư viện Việt Nam sẽ từng bước tiệm cận với thế giới.
Theo quy định của Luật Thư viện, việc đánh giá sẽ thực hiện theo sự hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Vì thế việc lựa chọn các tiêu chí để đánh giá sẽ khách quan, khoa học hơn. Ví dụ trước đây, đánh giá hiệu quả của hoạt động thư viện thường chỉ đo bằng một số chỉ tiêu: Lượt đến thư viện của người sử dụng, lượt sách báo, vòng quay của vốn tài liệu thì nay các tiêu chí này có thể mở rộng. Ví dụ chỉ đánh giá riêng về Lượt người sử dụng thư viện có thể xem xét một số tiêu chí sau:
Số lượt sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện (Tại thư viện; Ngoài thư viện; Trên máy tính, thiết bị điện tử và không gian mạng); Vòng quay trung bình của tài liệu trong tổng thể nguồn tài nguyên thông tin; Số lượng tài liệu không được sử dụng; Mức độ về liên thông thư viện (Mượn liên thư viện, Các hoạt động khác); Số đợt phục vụ lưu động; Mức độ sự kiện do thư viện tổ chức (Số lượng sự kiện; Số người tham dự sự kiện); Số lượng người sử dụng tham dự vào các hoạt động hướng dẫn của thư viện; Mức độ hài lòng của người sử dụng; Mức độ quay trở lại của người sử dụng; Đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của thư viện được đầu tư trọng điểm (Chia sẻ dữ liệu, tài nguyên thông tin, kết quả xử lý kỹ thuật; Biên soạn và cung cấp các sản phẩm dùng chung; Xây dựng mục lục liên hợp; Hỗ trợ mượn liên thư viện; Hướng dẫn nghiệp vụ theo sự phân công của cơ quan có thẩm quyền.
Với những quy định cụ thể về đánh giá hoạt động thư viện trong Luật Thư viện 2019 và sự hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi được thực thi nghiêm túc chắc chắn hiệu quả và chất lượng dịch vụ của các thư viện ở Việt Nam sẽ không ngừng được nâng lên và hoàn thiện.