• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đánh giá khách quan hành trình thoát nghèo của Madagascar là kinh nghiệm phát triển tốt cho Việt Nam

Thế giới 01/09/2023 17:19

(Tổ Quốc) - Việc đánh giá thuận lợi và khó khăn trong thoát khỏi đói nghèo của Madagascar có thể là kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong việc khai thác các lợi thế và khắc phục sự yếu thế của quá trình giảm đói nghèo.

Với dân số trẻ, đa dạng sinh học rộng lớn và độc đáo, rừng rậm, đất nông nghiệp màu mỡ, tài sản du lịch độc đáo và sở hữu một trong những bờ biển dài nhất châu Phi, Madagascar có tiềm năng phát triển tuyệt vời. Nhưng hiện nay Madagascar vẫn nằm trong số những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Theo trang tin của World Bank, từ khi độc lập năm 1960 đến 2020, thu nhập bình quân đầu người của Madagascar giảm 45%. Đáng chú ý, điều này xảy ra trong một môi trường hầu như không có xung đột bạo lực nào.

Điều gì ngăn cản Madagascar phát huy hết tiềm năng?

Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới, lý do cho sự nghèo đói kéo dài ở Madagascar là do đà tăng trưởng trì trệ, thiếu cạnh tranh, thiếu minh bạch trong kinh doanh, cũng như thu nhập bình quân đầu người thấp.

Trên toàn cầu, khu vực tư nhân có vai trò hàng đầu trong việc cải thiện tăng trưởng và giảm nghèo. Tuy nhiên, khu vực tư nhân của Madagascar còn rất nhỏ, kém cạnh tranh và số vốn đầu tư thấp. Do đó, khu vực tư nhân không thể tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo. Đầu tư trung bình của khu vực tư nhân chỉ đạt 19,4% GDP trong giai đoạn 2013 đến 2019, thấp hơn nhiều so với mức của các nước lân cận.

Đánh giá khách quan hành trình thoát nghèo của Madagascar là kinh nghiệm phát triển tốt cho Việt Nam - Ảnh 1.

Khu vực tư nhân Madagascar cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy quá trình giảm nghèo. Ảnh: WB.

Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Madagascar cũng còn hạn chế: hơn 90% dân số trong độ tuổi lao động vẫn tham gia vào hoạt động nông nghiệp tự cung tự cấp và các dịch vụ phi chính thức. Việc làm trong ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp. Năng suất nông nghiệp thấp cùng với khả năng tiếp cận thị trường kém là những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ nghèo cao ở khu vực nông thôn.

Nghèo đói cao cũng là kết quả của việc quản lý yếu kém suốt nhiều thập kỷ. Đại dịch Covid-19 cũng làm trầm trọng thêm vấn đề, làm suy yếu các thể chế và tạo ra những thách thức mới đối với tính minh bạch trong quản trị.

Một trở ngại lớn khác là sự yếu kém của nguồn nhân lực. Không giống như những đứa trẻ khỏe mạnh và được giáo dục tốt hơn ở những nơi khác, trẻ em Madagascar có sức khỏe yếu hơn và không được tiếp cận giáo dục phù hợp.

Bão nhiệt đới là một mối đe dọa lớn khác đối với Madagascar, đặc biệt là ở các vùng ven biển phía đông và phía bắc. Trung bình, quốc gia này trải qua ba đến bốn cơn bão lớn hàng năm, gây chết chóc, tàn phá và làm gián đoạn hoạt động kinh tế. Thiên tai gây thiệt hại cho nền kinh tế khoảng 1% GDP mỗi năm-số tiền khổng lồ đối với một quốc gia nghèo cùng cực.

Giải pháp cho Madagascar

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Madagascar cần nhanh chóng bước vào một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ bền vững kéo dài liên tục để có thể tích lũy tài sản và xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi kinh tế. Nói một cách đơn giản, để xóa đói giảm nghèo ở Madagascar, điều cần thiết là thúc đẩy tăng trưởng. Và để đạt được điều này, cần có các cam kết mạnh mẽ để cải cách kinh tế.

Madagascar cũng cần tập hợp sự ủng hộ để tạo ra khung thể chế vững chắc cần thiết cho khu vực tư nhân năng động và cạnh tranh. Điều này sẽ đòi hỏi một nền hành chính công ổn định, đáng tin cậy và hiệu quả, có thể cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong khi thực thi các yêu cầu pháp lý hợp lý.

Hiện nước này cũng đang có những cải cách táo bạo trong lĩnh vực khai khoáng, viễn thông và năng lượng và điều này có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Những cải cách này, mang lại sự cạnh tranh và minh bạch hơn cho thị trường, cũng là cốt lõi của việc thu hút đầu tư và mở ra cơ hội việc làm cho khu vực tư nhân.

Nếu Madagascar có thể duy trì tăng trưởng bao trùm trong một thời gian dài, thông qua tích lũy nhân lực và tài sản, đồng thời tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc kinh tế, thảm họa…, thì nước này có thể thoát khỏi bẫy nghèo.

Ngân hàng Thế giới hiện đã xây dựng một khuôn khổ phát triển cho Madagascar, tập trung vào 3 nhóm nội dung chính: Cải thiện cơ hội việc làm; Cải thiện vốn và nhân lực và Tăng cường khả năng phục hồi trước các cú sốc.

Khuôn khổ này cũng đề xuất một cách tiếp cận toàn diện đối với các lộ trình giảm nghèo, kết hợp giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi kinh tế tổng thể; tạo cơ hội cho càng nhiều người nghèo càng tốt; và hướng tới những người cực nghèo chưa tiếp cận được các ưu đãi. Madagascar đang đứng trước cơ hội biến những thách thức thành cơ hội và câu hỏi là liệu họ có tận dụng được nó hay không?

Đánh giá tình hình của Madagascar và công cuộc giảm nghèo của Việt Nam

Có thể thấy sự khó khăn Madagascar gặp phải phần nào giống với một số thách thức của Việt Nam thời gian trước đây. Trong khi đã đạt được nhiều thành tích trong nỗ lực giảm nghèo thì Việt Nam vẫn đối mặt một số thách thức tương tự Madagascar như: Vẫn còn thiếu sự tham gia của người nghèo ở các cấp độ khác nhau trong các chương trình chống đói nghèo, ví dụ như trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, cũng như giám sát và đánh giá các phương pháp tiếp cận chương trình.

Bên cạnh đó, vẫn cần đầu tư dài hạn, ví dụ như cơ sở hạ tầng, dịch vụ giáo dục và y tế, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và điều kiện sống tốt hơn cho mọi người và để xóa nghèo bền vững.

Đồng thời, vẫn cần thực hiện các biện pháp can thiệp ngắn hạn (như viện trợ lương thực) để bù đắp tác động tiêu cực của hạn hán, lũ lụt và các thiên tai khác do con người gây ra. Để giúp đỡ người nghèo, cũng cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, cũng như các cơ hội tín dụng và việc làm. Các chương trình xóa nghèo phải được thiết kế cho các nhóm yếu thế được nhắm mục tiêu cụ thể, chẳng hạn như người dân tộc thiểu số, người không có đất, người nghèo thành thị, người thất nghiệp và phụ nữ.

Về tổng thể, việc thực hiện các chương trình chống đói nghèo phải được cải thiện đáng kể để sử dụng hợp lý các nguồn lực của chương trình, cho phép người nghèo tham gia thực sự và để người dân mục tiêu hưởng lợi một cách bền vững.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ