(Tổ Quốc) - Sẵn sàng kết thúc can thiệp quân sự, Nga tìm cách nào để có được “tim và tâm” một Syria hậu chiến?
Tháng trước, Zain Mastafa, một thợ điện ở gần thành phố Hama, phía tây Syria nhận được sự giúp đỡ ngoài dự kiến từ quân đội Nga. “Binh lính đến cùng các xe tải chở theo rất nhiều thực phẩm và họ đưa cho chúng tôi… Họ thậm chí còn mang theo cả bác sỹ…”, Mustafa cho biết.
Sự can thiệp của Moscow vào cuộc xung đột Syria nghiêng về phía Tổng thống Bashar al-Assad. Giờ đây, khi quân đội chính phủ đã giành được quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ, Nga lại bắt đầu mở rộng các chiến dịch cứu trợ nhân đạo.
“Có rất nhiều người đói ăn sống trong các ngôi nhà bị phá huỷ; bạn phải làm điều gì đó”, Yevgeny Primakov, cháu ngoại của cố Thủ tướng Nga, nhà ngoại giao, đồng thời là người sáng lập Sứ mệnh Nhân đạo Nga (RHM) – một trong những tổ chức cứu trợ nhân đạo phi chính phủ hàng đầu nước Nga hiện nay, chia sẻ. “Quân đội Nga đang dần học cách làm công việc cứu trợ. Thời kỳ Liên Xô, chúng tôi từng rất chủ động với những điều này… và giờ đây chúng tôi đang quay trở lại”.
Tờ Financial Times nhận định, với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng kết thúc can thiệp quân sự tại Syria, các nhà lập pháp tại Moscow muốn đảm bảo hoà bình bằng cách “chiếm được” con tim và tâm trí người dân nơi đây.
“Chúng ta đã nhìn thấy người Mỹ chiến thắng nhanh chóng trong các cuộc chiến tại Afghanistan hay Iraq”, một cựu Đại sứ Nga đồng thời là một chuyên gia về Trung Đông phân tích. “Nhưng họ không có được bước tiếp theo đúng đắn, vì vậy giờ đây họ buộc phải tìm cách xử lý các hệ quả”.
Một mặt, tiếp tục thúc đẩy cộng đồng quốc tế “gánh vác” cho quá trình tái thiết Syria về lâu dài, mặt khác, Moscow hiện trở thành một nhân tố chủ chốt trong các chiến dịch cứu trợ ngắn hạn. “Biến các vùng giảm leo thang thành các vùng hỗ trợ nhân đạo là một cơ hội,” Grigory Lukyanov, một chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga và xung đột tại Trường Kinh tế, Moscow – chỉ ra. Ông cũng nói thêm, các nhóm cứu trợ Nga đã “nhanh chóng được thành lập và ngày càng giành được tiếng nói”.
Đáng chú ý nhất là Quỹ Công cộng Akhmat Kadyrov, tổ chức từ thiện được đặt tên theo cha của Ramzan Kadyrov – vị chúa đất trở thành người đứng đầu Cộng hoà Chechnya. Những tranh cãi xung quanh nhân vật này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với một số nhân viên cứu trợ phương Tây. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhân đạo Nga, người Chechnya chia sẻ đức tin với đạo Hồi, sự hiện diện của các binh lính Chechnya ở cả hai phía của cuộc chiến và mối quan hệ sâu sắc giữa chính quyền Chechnya với các chính phủ Trung Đông – đã khiến nhóm này có được những đóng góp ý nghĩa.
Được chính quyền Chechnya đứng phía sau kể từ khi thành lập, và bắt đầu các chiến dịch cứu trợ tại Syria từ năm 2016, Quỹ Công cộng Akhmat Kadyrov đã tiến hành các sứ mệnh nhân đạo tại Damascus, Aleppo, Deir Ezzor và đông Ghouta. Chỉ riêng ở đông Ghouta, tổ chức này đã cung cấp thức ăn và nước uống cho hơn 100.000 thường dân trong tháng Tư và tháng Năm. “Máy bay vận chuyển của Không quân Nga đã rất chủ động trong việc phân phát hàng cứu trợ đến Syria”, ông Dzhambulat Umarov, Bộ trưởng Thông tin của Chechnya cho biết.
Quân đội Nga tham gia công tác cứu trợ nhân đạo tại Syria (ảnh: Financial Times) |
Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào quân đội Nga lại có thể đem tới rắc rối cho các nhóm cứu trợ. Theo một quan chức quốc phòng và hai chuyên gia cứu trợ Nga, ban đầu quân đội dựa trên tình báo Syria để có được các thông tin về địa điểm gửi hàng cứu trợ tới. Tuy nhiên, sau đó họ nhận thấy trong nhiều trường hợp, hàng hoá không thể tới được những nơi thực sự cần.
“Giờ đây, chúng tôi tập hợp các danh sách của riêng mình, và nói với chính quyền Syria về những điểm mà mình sẽ đến”, quan chức quốc phòng cho biết. Tuy nhiên, các tổ chức Nga thường phải phân phát đồ cứu trợ qua Lưỡi liềm Đỏ Syria – một nhóm cứu trợ được cho là rất thân cận với chính phủ Syria. “Họ [Lưỡi liềm Đỏ] đang ngày càng kiểm soát không gian nhân đạo và cố gắng để nắm quyền”, một nhân viên cứu trợ phương Tây nhận xét.
“Những đồ viện trợ Nga chủ yếu phân phối qua các kênh quân sự có một sự giới hạn. Nó không thể tiếp cận với những người không có mối quan hệ tốt với phía Nga tại Syria”, ông Lukyanov nói. “Việc cứu trợ có mục đích là cải thiện đáng kể hình ảnh của Nga tại Trung Đông và cả thế giới Arab – cho thấy Nga cũng quan tâm đến người dân”.
Moscow đã tìm cách thiết lập các mối liên hệ với các tổ chức cứu hộ quốc tế, bao gồm cả Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế (ICRC). “Điều này quan trọng đối với chúng tôi không chỉ bởi vì Nga có tham dự vào cuộc chiến mà còn do đó là một trong những đồng minh thân cận nhất với chính phủ Syria”, Magne Barth, người đứng đầu phái đoàn ICRC tại Moscow, cho biết. “Họ vừa có sự thấu hiểu, vừa có ảnh hưởng lên mọi việc”.
Kể từ tháng Tư năm ngoái, các nhóm viện trợ nhân đạo Nga, các quan chức chính phủ Nga và các nhà ngoại giao Syria, đã thảo luận xung quanh đánh giá nhu cầu và vận chuyển hàng hoá với các nhóm phương Tây, bao gồm Oxfam và Médecins Sans Frontières (MSF)… “Tôi nghĩ mọi người đều đang có một sự đấu tranh về việc quan hệ như thế nào với Nga”, một nhân viên cứu trợ tại Damascus chia sẻ. Thất bại của lực lượng đối lập trước quân đội chính phủ tại Đông Ghouta hồi tháng Tư đã là “một cú huých thay đổi nhận thức”.
Những nỗ lực trên đi kèm với không ít thách thức, điển hình như trong một cuộc thảo luận trước đó giữa MSF và Bộ Quốc phòng Nga. “MSF do dự trước đề xuất hàng viện trợ của họ cũng sẽ gắn mác quân đội Nga và chính phủ Syria”, một nguồn tin tiết lộ. “Ngoài ra, chính phủ Syria có một cái nhìn vô cùng tiêu cực về MSF đến nỗi thật khó tưởng tượng rằng họ sẽ được tiến vào Syria”.
Với những khó khăn như vậy, có thể thấy, nỗ lực của Moscow để thực sự giành được niềm tin và tình cảm thông qua công tác cứu trợ nhân đạo, vẫn còn là một con đường vô cùng chông gai.