(Tổ Quốc) - Người giáo viên (cô giáo, thầy giáo) luôn được coi là chuẩn mực về đạo đức trong xã hội để làm gương cho thế hệ sau noi theo. Tuy nhiên, không ít vụ việc gần đây cho thấy sự xuống cấp về đạo đức trong đội ngũ giáo viên khiến xã hội đang đặt ra vấn đề quan tâm đào tạo trong đội ngũ đó như thế nào để họ thực sự trở thành tấm gương đạo đức, giáo dục thế hệ trẻ.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS Bùi Hoài Sơn- Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam để làm rõ hơn nguyên nhân cũng như giải pháp để khắc phục thực trạng sự xuống cấp trong đạo đức xã hội.
TS. Bùi Hoài Sơn
+ Thưa TS Bùi Hoài Sơn, trong thời gian gần đây, rất nhiều những vụ việc suy thoái trong đạo đức người giáo viên như: gian lận thi cử, nâng điểm cho hàng trăm học sinh ở một số tỉnh; cô giáo đưa nam sinh đi nhà nghỉ; thầy giáo sàm sỡ học sinh; thầy giáo làm học sinh lớp 8 có bầu; thầy giáo và cô giáo đi nhà nghỉ bị bắt gặp lại nói bị sốt rét; học trò đánh nhau đến mức lột hết quần áo của bạn… Dường như, đó không phải là những trường hợp hy hữu nữa. Ông có thể lý giải nguyên nhân vì sao sự suy thoái đạo đức trong giáo dục lại gia tăng như hiện nay?
+ Bây giờ, chúng ta thấy rất nhiều biểu hiện của xuống cấp trong đạo đức xã hội. Ở trong rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự xuống cấp đạo đức xã hội đó. Một trong những lý do quan trọng nhất vì xã hội chúng ta đang trong giai đoạn chuyển đổi, giá trị mới chưa hình thành, giá trị cũ lại đã mất sức sống của nó, không còn đúng trong bối cảnh hiện nay nữa.
Trong bối cảnh đó, người ta cần có những giá trị, những tấm gương, những con người để tạo ra những chuẩn mực mới, giá trị mới để con người có thể theo đuổi, giúp xã hội ổn định. Xã hội chúng ta đang trên con đường hình thành những điều đó nên nhiều khi người ta khủng hoảng, mất định hướng, không biết đi theo giá trị gì, không biết tin vào ai, không biết noi theo tấm gương nào.
Cộng với đó là có những vấn đề của sự phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế là cần thiết và tốt, nhưng mặt trái của nó là vì nhu cầu vật chất, lối sống hướng con người đến việc chỉ coi trọng lợi ích cá nhân, đi ngược lại giá trị truyền thống là đề cao lợi ích cộng đồng, xã hội.
Từ lợi ích kinh tế đó khiến con người tạo ra những dấu ấn phản văn hóa, đi ngược với giá trị mà chúng ta đã từng đề cao và dẫn đến những khủng hoảng trong xã hội.
Bên cạnh đó, tác động của quá trình toàn cầu hóa cũng khiến chúng ta được chứng kiến, trải nghiệm rất nhiều những ví dụ khác mà trước đây không có, hoặc chúng ta ít thấy, ít có hoặc không phổ biến do truyền thông chưa phát triển. Khi chúng ta thiếu bản lĩnh trong hội nhập, khi chúng ta thiếu phông văn hóa trong hội nhập thì chúng ta bị mờ mắt, hoặc không kiểm soát được với những hình thức giải trí mới, những giá trị mà chưa chắc đã phù hợp với người Việt Nam. Từ đó, có chuyện khủng hoảng các giá trị, tác động ảnh hưởng tới đạo đức con người.
Một điều tác động đến đạo đức xã hội nữa đó là thay đổi về hình thức gia đình. Từ gia đình truyền thống mở và rộng trước đây thì hiện nay chỉ có gia đình hạt nhân. Giáo dục trong gia đình hạt nhân khác với giáo dục trong gia đình truyền thống. Chúng ta chưa tạo được chuẩn mực mới trong giáo dục của gia đình hạt nhân này. Trong khi đó, gia đình hạt nhân có vấn đề, trong xã hội hiện nay, cha mẹ có ít thời gian dành cho con cái. Giáo dục trong gia đình đáng lẽ là quan trọng, nhưng giáo dục trong gia đình hạt nhân đang trông chờ vào giáo dục trong nhà trường. Dẫn đến việc người ta tập trung quan tâm, chú ý nhiều hơn đến nhà trường và nhà trường giữ vai trò quan trọng nhiều hơn trong xã hội.
Một lý do nữa đến từ các phương tiện truyền thông mới. Nó có tác động tích cực nhưng cũng có tác động tiêu cực. Nó tiếp tay cho lối sống cá nhân. Một cá nhân có thể bất chấp cộng đồng, thể hiện cái tôi một cách thái quá, nhiều khi, chính việc thể hiện cái tôi thái quá lại kích thích sự tò mò, phản ứng của một cá nhân đối với giá trị chung của cộng đồng, khuyến khích người ta đi theo cái khác lạ mà tưởng như là nó tốt với cá nhân đó nhưng lại đi ngược giá trị đạo đức xã hội.
Từ những sự hỗn độn đó, từ tác động tích cực cũng như phức tạp đó nó tạo nên sự phức tạp trong giáo dục đạo đức mà chúng ta đang chứng kiến ngày hôm nay. Thêm vào đó là những vấn đề khác liên quan đến tôn giáo, giáo dục, pháp luật, những lĩnh vực khác trong xã hội khiến chúng ta chứng kiến nhiều hơn sự xuống cấp đạo đức xã hội.
Thầy cô giáo quan có những hệ bất chính, đạo đức người giáo viên xuống cấp (ảnh kenh14)
+ Từ những câu chuyện trên, có thể thấy sự suy thoái đạo đức xã hội đã xâm nhập vào môi trường đáng lẽ phải lành mạnh là môi trường giáo dục không, thưa ông?
- Gần đây, chúng ta chứng kiến biểu hiện sự xuống cấp đạo đức nhiều hơn trong một môi trường nhận được sự quan tâm của xã hội đó là nhà trường. Về định nghĩa, nhà trường là nơi chuẩn bị cho cuộc sống của con người. Nên người ta mong đợi công dân tương lai của chúng ta như thế nào thì nhà trường đáp ứng. Cho nên, nhà trường phải là chuẩn mực cho xã hội. Kể cả cách thức dạy dỗ, đạo đức của người giáo viên, mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên... khi là chuẩn mực thì mới tạo thành chuẩn mực như chúng ta mong đợi.
Hiện nay chúng ta thấy, mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa thầy với thầy, giữa trò với nhau...đã gây ra rất nhiều bức xúc. Chúng ta mong chờ một môi trường chuẩn mực thì nó lại diễn ra những điều sai trái, lẽ ra là môi trường tốt để tạo ra người tốt thì nó lại không tốt.
Thực ra mọi hoạt động trong nhà trường là sự phản ánh của xã hội nói chung. Nếu chúng ta không thấy được cái hình ảnh của xã hội qua các hình ảnh của nhà trường thì mọi giải thích trở nên khiên cưỡng. Chúng ta cần phải thấy những yếu tố tác động của xã hội đối với nhà trường.
Thứ nhất, khâu đào tạo ra giảng viên đang rất có vấn đề. Trong đó có thể kể đến việc chúng ta không tạo ra được những con người có đủ khả năng cả năng lực đạo đức lẫn trình độ kiến thức để trở thành những hình mẫu cho các em noi theo và xã hội yên tâm về môi trường sư phạm.
Trong khá nhiều năm, điểm chuẩn vào các trường sư phạm tương đối thấp. Điều này báo hiệu rằng chúng ta khó có thể có đội ngũ giảng viên chất lượng để đào tạo ra thế hệ tương lai cho xã hội. Từ đó, chúng ta thấy, dường như chúng ta không đầu tư cho giáo dục. Chúng ta có thể nói rất nhiều, nhưng chúng ta đầu tư cho giáo dục thông qua nguồn nhân lực cụ thể như "máy cái" không được như chúng ta đã nói. Khi không có đội ngũ tốt để làm nguồn thì chắc chắn khó có thể có được đội ngũ tương lai tốt.
Thứ hai, tôi xin cắt nghĩa về những hành động của những giáo viên trong trường. Ngoài chất lượng giáo dục của họ thì những hành động của họ là phản ánh của xã hội. Xã hội phản chiếu vào trường học. Hành vi hối lộ khi xin vào giảng dạy trong trường, hành vi hối lộ khi xin cho con vào học trong trường, đều tồn tại trong môi trường giáo dục cả. Những vấn đề ở ngoài xã hội đều len lỏi vào nhà trường. Hệ lụy là, nếu chúng ta không làm tốt ở lĩnh vực này sẽ lan điều xấu sang lĩnh vực khác, ảnh hưởng đến lĩnh vực khác, không tạo ra chuẩn mực trong nhà trường....
Năm 2018 xã hội chấn động vì cuộc thi THPT quốc gia đã bị gian lận ở nhiều tỉnh thành (ảnh Vietnamnet)
+ Vậy việc xây dựng đạo đức trong nhà trường cần phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
- Xây dựng đạo đức văn hóa trong nhà trường, không phải ngày hôm nay mới cần và mới có. Rất lâu rồi chúng ta đã có Quy tắc ứng xử trong nhà trường, để chi phối những mối quan hệ trong nhà trường, nhưng dường như các quy định này không được thực hiện tốt.
Quy định có nhưng không thực hiện tốt thì tại sao? Như nhiều điều luật khác của xã hội chúng ta vậy, có nhưng không được thực hiện tốt. Các thầy cô giáo, học sinh, ra đường đều chịu sự chi phối của các quy định như không vứt rác bừa bãi, không vượt đèn đỏ... nhưng họ có thể không thực hiện quy định đó dù họ biết quy định đó. Tức là chúng ta đang nhờn luật.
Cách ứng xử ngoài xã hội như vậy nên khi vào trường họ cũng không thực hiện những quy định của nhà trường như vậy. Giống như những gì họ đã không thực hiện ở ngoài xã hội. Nhà trường và xã hội là hai mối quan hệ thông với nhau.
Tương tự như vậy, chúng ta thấy cách xử phạt trong nhà trường và xã hội cũng thế. Dù có quy định nhưng ít khi thấy xử phạt hoặc khi xử phạt thì hình thức không đủ nghiêm minh. Chế tài không đủ nghiêm khắc khiến cho người vi phạm rồi, bị phạt rồi lại cảm thấy bình thường. Hình phạt 200 nghìn đối với kẻ cưỡng hôn trong thang máy ở Hà Nội vừa qua vô tình trở thành phản cảm.
Nếu xử phạt không nghiêm thì vô hình chung sẽ kích thích những hành vi vi phạm đạo đức trong xã hội.
Môi trường giáo dục là một môi trường nhỏ trong xã hội. Nó có thể bị ô nhiễm bởi những môi trường khác. Hiện giờ nó đang bị ô nhiễm bởi những môi trường khác.
Tuy nhiên, không phải chúng ta không thể "sửa" được. Muốn xã hội tốt thì từng đơn vị phải tốt. Muốn xã hội tốt đầu tiên nhà trường phải tốt đã. Nhà trường chính là nơi dễ làm nhất để tốt. Vì nhà trường có những quy định, những mô hình quy phạm, là nơi truyền đạt lòng tốt, truyền đạt kiến thức, nó phải là nơi đầu tiên thực hiện để làm tốt lên. Còn tất cả những môi trường khác: gia đình, công sở, xã hội... cùng với nhà trường để làm tốt lên. Vì mô hình gia đình hạt nhân bây giờ dành ít thời gian cho con quá, nên gia đình mong chờ nhà trường.
Tất nhiên, bao giờ cũng cần sự phối hợp của tất cả các bên: từ gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, chính quyền, địa phương... khi có sự chung tay với mục đích phát triển văn hóa con người Việt Nam mới có giải pháp đồng bộ. Trong đó nhấn mạnh đầu tiên là vấn đề đạo đức: Tiên học lễ, hậu học văn, đó là quy định trong nhà trường mà chúng ta không làm.
Thứ hai là các hành vi lên án cái xấu, tuyên truyền tấm gương người tốt việc tốt với giải thích hấp dẫn và thuyết phục thì sẽ đạt hiệu quả tích cực. Nếu lên án cái xấu mà không chính xác, đúng, sâu, có lý thì sẽ có tác dụng ngược lại là lan tỏa cái xấu. Cái này truyền thông hiện nay đang mắc phải rất nhiều. Tuyên truyền cái tốt mà hững hờ nông cạn thì không ai người ta đọc và không lan truyền được.
Ảnh minh họa/ thanhtra.ntt.edu.vn
Thứ ba cần tăng cường vai trò của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật hướng con người tới giá trị tốt đẹp, hướng tới chân thiện mỹ. Khi con người hướng tới điều tốt đẹp thì sẽ có sức đề kháng với cái xấu.
Tiếp nữa, cần những hình mẫu, con người cụ thể để định hướng sự phát triển cho xã hội. Trước kia chúng ta có anh Lê văn Tám, Kim Đồng, Hồ Giáo...Chúng ta đã có những con người cụ thể, những hình mẫu cụ thể, nhưng bây giờ, chúng ta thiếu vắng việc xây dựng những hình mẫu lý tưởng đó, để xã hội mất định hướng, không biết trông chờ vào hình mẫu trong xã hội, tạo điều kiện cho những hình mẫu méo mó như Lệ Rơi, Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… có đất sống, đất diễn trong xã hội hôm nay. Và chính điều đó khiến khủng hoảng đạo đức xã hội thêm trầm trọng.
+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!