(Tổ Quốc) - Anh, Pháp và Đức gây bất ngờ khi ra tuyên bố chung cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công vào nhà máy dầu tại Arab Saudi.
Dư chấn của vụ tấn công vào hai cơ sở sản xuất dầu tại Arab Saudi vào ngày 14/9 vừa qua vẫn còn rất rõ trong bối cảnh các nhà lãnh đạo thế giới có mặt tại New York để tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Cùng lúc các chuyên gia điều tra quốc tế vẫn đang tìm kiếm theo yêu cầu của Riyadh về thủ phạm thực sự đứng sau vụ việc.
Hôm thứ hai (23/9), Anh, Pháp và Đức đã đưa ra một tuyên bố chung tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 mà Mỹ đã đơn phương rút khỏi vào năm ngoái. Tuy nhiên, 3 nước châu Âu cũng đề nghị Iran dừng vi phạm thỏa thuận, đồng thời gây bất ngờ khi khẳng định "không có lời giải thích hợp lý nào hơn là Iran phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công". Anh, Pháp và Đức cũng cam kết sẽ cố gắng làm giảm căng thẳng tại Trung Đông và kêu gọi Tehran "kiềm chế" các hành động gây hấn và leo thang.
Trước đó, hôm chủ nhật (22/9), trước khi lên đường tới New York, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay, London sẽ cân nhắc tham gia vào các nỗ lực quân sự do Mỹ dẫn đầu nhằm đảm bảo an ninh cho Arab Saudi sau khi các tên lửa hành trình và máy bay không người lái tấn công vào hai nhà máy của tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Saudi Aramco.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại LHQ (ảnh: AP)
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif từ chối mọi lời cáo buộc. Cũng trong ngày 23/9, ông chỉ ra, nhóm nổi dậy Houthis– từng lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhà máy dầu, "có mọi lý do để trả đũa" cho các cuộc không kích mà liên minh do Saudi dẫn đầu vẫn nhằm vào Yemen trong suốt thời gian qua.
Ông Zarif cũng nhấn mạnh, trước thềm chuyến công du tới Liên Hợp Quốc của Tổng thống Hassan Rouhani, "sẽ rất ngu ngốc nếu Iran thực hiện hành động như vậy".
Theo Ngoại trưởng Iran, cuộc tấn công "có độ chính xác cao, ảnh hưởng thấp" và không gây thương vong. Trong ngành chế xuất dầu, có những hạ tầng cơ sở sẽ tốn rất nhiều thời gian để sửa chữa. "Tại sao họ lại tấn công những địa điểm có ảnh hưởng thấp nhất?", ông Zarif đặt ra câu hỏi, đồng thời khẳng định, nếu Iran tấn công, khu lọc dầu đã bị phá hủy hoàn toàn.
Pháp trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực để tìm kiếm một giải pháp ngoai giao cho căng thẳng Mỹ - Iran. Đáng lưu ý, trước khi lên máy bay tới Mỹ, Tổng thống Emmanuel Macron từng nói, ông vẫn "cẩn trọng" về việc xác định ai phải chịu trách nhiệm cho vụ tấn công. Hiện chưa rõ tại sao ông lại bất ngờ thay đổi lập trường và đổ lỗi cho Iran.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại LHQ khi thông cáo chung còn chưa được công bố, ông Macron cho hay, ông dự kiến sẽ gặp riêng cả Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Rouhani, đồng thời tiếp tục thúc đẩy "các điều kiện cho thảo luận" và không leo thang.
Mặc dù gọi vụ việc ngày 14/9 là sự kiện "thay đổi cuộc chơi một cách rõ ràng", nhưng Tổng thống Pháp cũng nhắc lại, Paris sẵn sàng làm bên trung gian hòa giải.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Zarif đã phủ nhận bất kỳ khả năng gặp gỡ nào giữa Mỹ và Iran. Theo ông, Iran không nhận được yêu cầu gặp mặt từ Mỹ và "chúng tôi đã làm rõ ràng, chỉ một yêu cầu không đủ để giải quyết vấn đề".
Ông Zarif cho rằng, Tổng thống Trump "đã đóng cánh cửa thương lượng" bằng lệnh trừng phạt mới nhất, trong đó Washington coi ngân hàng trung ương Iran là cơ chế "khủng bố toàn cầu".
"Tôi biết Tổng thống Trump không muốn làm thế. Tôi biết ông ấy đã bị thông tin sai lệch", Ngoại trưởng Iran nói trong một cuộc họp báo tại LHQ.
Còn Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, London vẫn ủng hộ thỏa thuận hiện tại và muốn Iran tuân theo các điều khoản trong đó; nhưng đồng thời yêu cầu Washington thiết lập một thỏa thuận mới với Iran.
"Đã tới lúc tiến lên và có một thỏa thuận mới", ông Johnson nói.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng đã có mặt tại LHQ (ảnh: Reuters)
Về phần Tổng thống Trump, khi được hỏi về đề xuất của Thủ tướng Johnson, ông cho hay mình tôn trọng nhà lãnh đạo Anh và tin rằng, thỏa thuận 2015 đã bị đổ vỡ quá sớm.
Thông cáo chung Anh, Pháp Đức yêu cầu Iran dừng vi phạm các điều khoản chủ chốt trong thỏa thuận 2015, đồng thời kêu gọi một thỏa thuận mới.
"Đã tới lúc Iran chấp nhận đàm phán theo một khung làm việc lâu dài cho chương trình hạt nhân của mình cũng như các vấn đề liên quan tới an ninh khu vực, bao gồm chương trình tên lửa và các biện pháp thực hiện khác", thông cáo viết.
Đáng lưu ý, không lâu trước khi khởi hành tới LHQ ngày 23/9, trong bài phát biểu trên TV, Tổng thống Iran Rouhani tiết lộ, Tehran sẽ mời các nước Vùng Vịnh tham gia vào một liên minh cho Iran dẫn đầu để "đảm bảo an ninh khu vực". Ông Rouhani chia sẻ, kế hoạch trên cũng sẽ bao gồm hợp tác kinh tế và một sáng kiến vì hòa bình "lâu dài". Các chi tiết cụ thể sẽ được chính ông làm rõ tại LHQ.
Theo Ngoại trưởng Zarif, Sáng kiến Hòa bình Hormuz sẽ được hình thành dưới sự bảo trợ của LHQ với hai nguyên tắc cơ bản: không gây hấn và không can thiệp. Ông nhấn mạnh, sáng kiến là sự thay đổi lớn khi chấm dứt việc các nước phải "mua" an ninh từ các nước khác; thay vào đó, nó sẽ thúc đẩy khái niệm "anh có thể đạt được an ninh dựa trên người dân của chính mình và làm việc cùng các nước láng giềng".