• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Đảo ngoặt” Mỹ tại Syria: hy vọng hay chấm hết cho người Kurd?

Thế giới 04/10/2018 14:15

(Tổ Quốc) - Sau những lo ngại đồng minh Mỹ rời đi, người Kurd tại Syria lại nhận thấy những mối quan tâm mới của Washington tại đây.

Những phát biểu của Tổng thống Donald Trump về ý định rút quân đội Mỹ khỏi Syria, hồi tháng Tư, đã khiến lực lượng người Kurd tại đây cảm thấy nguy cơ bị bỏ rơi bởi chính đồng minh quân sự quan trọng nhất.

Sáu tháng sau, khi trận chiến chống lại nhóm khủng bố IS đang đi tới hồi kết, các nhà lãnh đạo người Kurd tại Syria lại nhận ra những tín hiệu cho thấy, Mỹ đang một lần nữa quan tâm tới khu vực giàu dầu mỏ mà họ đang kiểm soát tại phía bắc và đông Syria.

Một loạt các chuyến công du tới Syria của các nhà ngoại giao Mỹ trong hai tháng vừa qua và thái độ sẵn sàng thảo luận về tương lai của quốc gia Trung Đông, thể hiện một sự cam kết dài hạn của Washington.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ được coi là một lá chắn giúp lực lượng người Kurd tại Syria đối phó với các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ từ phía bắc; đồng thời bảo vệ họ khỏi những cố gắng của chính quyền Tổng thống Bashar al- Assad nhằm giành lại các “vựa” dầu mỏ và lúa mỳ trong khu vực.

“Chúng tôi cảm thấy người Mỹ đang có thái độ cam kết hơn”, Aldar Xelil, một chính trị gia người Kurd nói. “Có sự lưu ý, động cơ chính trị và những dự kiến tiếp nối sau cuộc chiến chống IS. Trước đó, không hề có bất kỳ đề cập nào đến các vấn đề trên”.

Sau tuyên bố của ông Trump, chính quyền do người Kurd lãnh đạo bắt đầu tiến hành nói chuyện với Damascus. Nguyên nhân của việc này một phần là do họ e ngại đồng minh của mình sẽ rời đi sớm. Tuy nhiên, một quan chức người Kurd tiết lộ, các cuộc đàm phán đang đối mặt với bế tắc.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do nhóm vũ trang người Kurd YPG dẫn đầu, hiện kiểm soát gần ¼ Syria. Đây là phần lãnh thổ lớn nhất không nằm trong tay chính phủ Syria.

Tổng thống Assad thường chỉ trích sự có mặt của khoảng 2.000 quân lính Mỹ tại đây và từng đe doạ sử dụng vũ lực để giành lại khu vực này.

Tuy nhiên, ngay cả khi Washington giúp các tay súng người Kurd khôi phục các lãnh thổ từng bị IS kiểm soát, Mỹ vẫn phản đối các kế hoạch tự trị của các nhà lãnh đạo Kurd, đồng thời luôn tránh không đưa ra bất kỳ hứa hẹn mang tính chính trị nào.

Các thông điệp có phần thiếu nhất quán của Mỹ đã khiến người Kurd không thể không suy nghĩ. Họ lo lắng rằng, Washington sẽ đặt ưu tiên vào mối quan hệ với đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chúng tôi có quan hệ tốt với người Kurd. Đừng quên rằng, đó là lãnh thổ của họ”, ông Trump khẳng định trong một buổi họp báo tại cuộc họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước. “Chúng tôi phải giúp đỡ họ… Họ đã chiến đấu với chúng tôi. Họ đã cùng sống chết với chúng tôi”.

Sự hợp tác giữa Mỹ với các lực lượng người Kurd, đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng. Ankara coi YPG là một nhánh mở rộng của Đảng Công nhân Kurdistan (PKK) – vốn có tên trong danh sách các nhóm khủng bố tại cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

Kể từ khi cuộc xung đột Syria nổ ra vào năm 2011, các đảng phái chính trị chủ chốt của người Kurd và đồng minh, đã nhiều lần đứng ngoài các cuộc thương lượng quốc tế liên quan tới tình hình quốc gia Trung Đông.

Một xe quân sự mang cờ Mỹ tại Syria 

Ilham Ahmed, một thành viên cấp cao của Hội đồng Dân chủ Syria (SDC) cho biết, bà ủng hộ các phát biểu về việc bao gồm cả người Kurd trong các giải pháp hoà bình tương lai, và cũng như Mỹ sẽ không rời đi cho tới khi đạt được một tiến bộ trong tiến trình hoà bình của Liên Hợp Quốc về Syria.

“Tuy vậy, các kết quả vẫn là điều quan trọng nhất đối với chúng tôi… Cho tới nay chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy một kế hoạch cụ thể”, bà Ahmed nói. “Các chuyến thăm không là chưa đủ. Điều chúng tôi cần là sự đảm bảo cho khu vực, và chúng tôi được tham gia tiến trình chính trị”.

Cũng theo chính trị gia Aldar Xelil, sự thay đổi mới nhất đến từ những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản, Iran - một đồng minh của Tổng thống Assad, mở rộng ảnh hưởng. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton từng tuyên bố, quân đội Mỹ sẽ không rời Syria chừng nào Tehran còn ở lại. Ngoài ra, những cố gắng thương lượng giữa SDF và Tổng thống Assad, cũng là một yếu tố khác.

Amjad Othman, người phát ngôn của SDC cho biết, các cuộc đàm phán với chính quyền Damascus đã rơi vào “ngõ cụt” sau lần gặp gỡ đầu tiên vào tháng Bảy. Hai bên hầu như tránh đối đầu với nhau trong cuộc chiến. Ông Othman chỉ ra, Damascus “kiên quyết giữ nguyên tình hình hiện tại” và từ chối thực hiện hay đổi hiến pháp. “Nếu họ không chịu chấp nhận bất kỳ nhân nhượng nào, mọi thứ sẽ không có tác dụng”, Othman nói.

Damascus đổ lỗi cho Washington vì bế tắc trong đàm phán với người Kurd

Người Kurd tại Syria tuyên bố, họ không tìm kiếm sự độc lập, mà chỉ hy vọng đạt được một thoả thuận chính trị, giúp đảm bảo các quyền tự trị và thiểu số của mình. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem chỉ trích Washington đã phá hỏng các cuộc thương lượng.

“Người Kurd đang thảo luận về loạt các quyền, một số trong đó có thể đạt được thông qua đối thoại,” ông al-Moualem nói với kênh truyền hình Nga RT hôm Chủ nhật (30/9). “Tuy nhiên, hiểm hoạ chính là sự hiện diện của người Mỹ… đang thắp lên hy vọng cho người Kurd rằng, họ có thể tồn tại bên ngoài chính quyền hợp pháp tại Damascus, và đó là một ảo tưởng”.

Hồi tháng Tám, Washington từng công bố khoản tiền viện trợ 300 triệu USD dành cho những phần lãnh thổ Syria lấy lại được từ khủng bố IS. Tuần trước, Jim Jeffrey, một nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Syria chia sẻ với hãng tin Reuters rằng, 100 triệu USD đến từ Arab Saudi; vì vậy Washington tập hợp đội ngũ và “ổn định” công việc, bao gồm cả “chính quyền địa phương”.

Ông Jeffrey cũng được Ngoại trưởng Mike Pompeo giao nhiệm vụ giám sát vai trò chính trị của Mỹ tại Syria.

Tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis một lần nữa nhấn mạnh mối quan tâm của Mỹ tại Syria. “Các nhà ngoại giao của chúng ta đã có mặt, và tăng gấp đôi số lượng”, người đứng đầu Lầu Năm góc cho biết trong một cuộc họp báo trong khuôn khổ chuyến công du tới Paris. Theo ông, sau khi cuộc chiến [tiêu diệt IS] kết thúc, nhiệm vụ của quân đội Mỹ là đảm bảo các tay súng khủng bố không quay lại Syria.

“Như chúng ta thấy, khi các chiến dịch quân sự ít đi, các nỗ lực ngoại giao bắt đầu tăng tốc”, ông Mattis nhấn mạnh.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ