• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đẩy loạt nước vào bẫy nợ, Trung – Đài cạnh tranh ảnh hưởng

Thế giới 14/03/2018 16:38

(Tổ Quốc) - Tám quốc gia đã rơi vào khủng hoảng nợ; Sri Lanka dùng cảng chiến lược để “gán nợ”.

Tờ Thời báo tự do (Đài Loan), ngày 6/3, đưa tin, nhằm đấy mạnh triển khai cái gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI) tại 68 quốc gia bao trùm khu vực châu Á, châu Phi và châu Âu, dự kiến Trung Quốc sẽ phải chi tới gần 8.000 tỷ USD. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của phía Mỹ, chiến lược này của Trung Quốc đã khiến 8 quốc gia bao gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mongolia, Montenegro, Pakistan, Tajikistan đứng bên bờ vực khủng hoảng tài chính.

Cái cần câu móc họng

Ngày 1/3, tại Đại lễ đường nhân dân, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội đàm với Quốc vương Tupou VI của đảo quốc Tonga (Nam Thái Bình Dương) đang ở thăm Bắc Kinh.

Trong cuộc hội đàm với Quốc vương Tupou VI, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh việc viện trợ của Trung Quốc với Tonga không đơn thuần là “cung cấp thức ăn” mà chú trọng vào chất lượng viện trợ bằng việc “dạy cả cách câu cá”.

Trên thực tế, các nước Nam Thái Bình Dương giờ đây đang trở thành chiến trường tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Đài Loan thông qua con bài viện trợ kinh tế. Trước đây, từng có nhiều nước tại khu vực này có quan hệ ngoại giao với Đài Loan, tuy nhiên phần thắng đã nghiêng về phía Trung Quốc trong những năm gần đây. Trung Quốc liên tục bơm tiền vào khu vực và khiến một số quốc gia phải tính toán chọn Bắc Kinh thay vì Đài Bắc như trước đây. Từ năm 1998, Tonga đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ với Bắc Kinh. Những năm gần đây, xu hướng này tiếp tục diễn ra khi Trung Quốc tiếp tục gia tăng sức ảnh hưởng tại khu vực.

 Công nhân Trung Quốc xây dựng đường ống tại Đông Timor, biến nước này thành một tỉnh nhỏ của Trung Quốc.

Theo Viện nghiên cứu Lowy của Australia, trong thời gian từ năm 2006 đến 2016, Trung Quốc đã viện trợ cho các nước Nam Thái Bình Dương tổng cộng 17,8 tỷ USD và trở thành đối tác cung cấp viện trợ lớn thứ ba cho khu vực này, chỉ sau Australia và Mỹ. Cụ thể, Bắc Kinh đã cung cấp cho Tonga 172 triệu USD để hỗ trợ nước này xây dựng các công trình giao thông công cộng và trường học, hỗ trợ Papua New Guinea 632 triệu USD, Fiji 360 triệu USD, Vanuatu 243 triệu USD và đảo Cook 50 triệu USD. Ngược lại, nền kinh tế của các nước này cũng dần phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Đơn cử, số nợ của Tonga với Trung Quốc chiếm 64% tổng số nợ nước ngoài và chiếm tới 43% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). 

Cho vay để xây cơ sở hạ tầng không cần hiệu quả sử dụng



Sự viện trợ ồ ạt vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại Nam Thái Bình Dương mà không cần quan tâm đến nhu cầu sử dụng đang là một vấn đề đối với khu vực này. Bộ trưởng phụ trách Thái Bình Dương của Australia, bà Concetta Fierrevanti-Wells mới đây đã chỉ trích việc làm này của Bắc Kinh, nêu rõ rằng các công trình không cần thiết đang “đầy rẫy” tại khu vực này. Tuyên bố của bà Wells chứa đựng hàm ý rằng Trung Quốc chỉ đang muốn gia tăng ảnh hưởng tại khu vực chứ không thực tâm hỗ trợ phát triển kinh tế cho các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Ngoại trưởng New Zealand Winston Peters cho rằng Thái Bình Dương giờ đây đang trở thành khu vực chiến lược tranh giành giữa các nước lớn. Do đó, New Zealand sẽ cùng với Australia buộc phải xem xét lại chiến lược và củng cố ảnh hưởng truyền thống tại đây. 

 Djibouti trở thành căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài: GDP của quốc gia này phụ thuộc 91% vào Trung Quốc.

Theo truyền thông Tonga, Thủ tướng Tonga Akilisi Pōhiva trong một cuộc họp báo hồi tháng 5/2017, cũng đã lên tiếng lo ngại và cho rằng Trung Quốc trong vài năm tới sẽ tước đoạt quyền kinh doanh của nước này. Đại sứ quán Trung Quốc tại Tonga ngày 27/2 thông báo rằng 2 công dân nước này đã bị sát hại tại Tonga. Dường như thái độ chống đối Trung Quốc cũng đã bắt đầu nhen nhóm tại quốc gia này. 

Sri Lanka: Dùng cảng biển chiến lược để “gán nợ”

Nhật báo phố Wall dẫn phân tích của Trung tâm phát triển toàn cầu cho biết, với việc đẩy mạnh triển khai con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 nằm trong chiến lược “Vành đai và Con đường”, Trung Quốc không ngừng cấp vốn cho các nước dọc tuyến “Vành đai con đường” để tiến hành xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng bao gồm đường bộ, đường sắt và cảng biển. Tuy nhiên, điều này đã khiến nợ công và sự phụ thuộc của các quốc gia này vào Trung Quốc ngày càng gia tăng, cụ thể như nợ công của Djibouti vào Trung Quốc hiện chiếm tới 91% GDP của nước này.

Cựu quan chức Bộ tài chính Mỹ Scott Morris nhận định, với mức nợ công ngày càng tăng tới giới hạn không thể trả nợ sẽ buộc các quốc gia này phải chịu lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc. Báo cáo cũng nêu dẫn chứng, tháng 12/2017, do không có kinh phí 1 tỷ USD trả nợ, chính phủ Sri Lanka đã buộc phải nhượng cho doanh nghiệp của Trung Quốc quyền sử dụng cảng biển Hambantota với thời hạn lên tới 99 năm. Ban đầu mức nợ của Sri Lanka chỉ chiếm 12% GDP nhưng sau khi Trung Quốc triển khai chiến lược “Vành đai và Con đường” tỷ lệ nợ đã lên tới 17%./.

Hoài Nam

Hoài Nam

NỔI BẬT TRANG CHỦ