• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đẩy mạnh hướng Nga, EU loay hoay tìm đòn đối phó Mỹ

Thế giới 24/05/2018 08:20

(Tổ Quốc) - Một mặt thận trọng xem xét biện pháp đối phó với các quyết định bất ngờ của Mỹ; mặt khác, châu Âu nỗ lực “phá băng” quan hệ với Moscow.

Nga đang nổi lên như một đồng minh chiến lược với Liên minh châu Âu khi khối này tìm cách đối phó với các chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump, cũng như việc Mỹ đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động toàn diện chung 2015 (JCPOA), hay còn được gọi là thoả thuận hạt nhân Iran.

Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố nghỉ dưỡng Sochi (Nga), có thể được coi là một tín hiệu tích cực, giúp “phá băng” mối quan hệ giữa Moscow và EU sau những lệnh trừng phạt của khối này lên Nga vì đã sáp nhập Crimea vào lãnh thổ.

“Chúng tôi đã thảo luận về tình huống khó khăn khi Mỹ rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran. Đức, Anh, Pháp và tất các nước trong Liên minh châu Âu đều ủng hộ hiệp định này, và chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nó trong tương lai,” bà Merkel phát biểu trong cuộc họp báo chung với ông Putin.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Sochi, hai nhà lãnh đạo Nga và Đức không chỉ tái khẳng định cam kết với JCPOA, mà còn cùng đưa ra những tín hiệu về quyết tâm biến dự án đường ống vận chuyển khí gas Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) thành hiện thực, cũng như mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước.

“Moscow và Berlin ngày càng có nhiều lý do để hàn gắn,” cây bút bình luận của hãng tin Sputnik Natalia Dembinskaya nhận định. “Vấn đề chính là những hệ quả gây ra bởi hàng loạt các lệnh trừng phạt ngăn cản các hoạt động kinh doanh. Đó là lý do tại sao quan hệ kinh tế song phương được đặt lên hàng đầu”.

Đức là một trong những đối tác thương mại và kinh tế quan trọng nhất của Nga – chỉ đứng sau Trung Quốc. Còn Nga là nhà cung cấp của 1/3 lượng khí gas tự nhiên và dầu mỏ mà Đức sử dụng mỗi năm. Năm ngoái, lần đầu tiên kể từ năm 2014, giá trị thương mại giữa hai nước đã tăng gần 25%.

Quan hệ Nga và EU sẽ trở nên tươi đẹp như bó hồng mà Tổng thống Putin tặng Thủ tướng Merkel tại TP Sochi?

“Hãy yên nghỉ Liên minh Xuyên Đại Tây Dương”

Bên cạnh quyết định hồi tháng Ba, đưa ra thêm các mức thuế lên sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, những lệnh trừng phạt chống Nga của Mỹ đã ảnh hưởng đến cả giới doanh nghiệp châu Âu nói chung và Đức nói riêng. Một lệnh trừng phạt khác của Washington vào tháng Tư vừa rồi áp dụng lên một số cá nhân và tổ chức có ảnh hưởng lớn của Nga, như nhà sản xuất ô tô GAZ và tập đoàn nhôm Rusal – đã có những tác động đặc biệt tiêu cực cho người Đức do những quan hệ hợp tác chặt chẽ của họ với các doanh nghiệp Nga.

Tuy nhiên, ngày 23/4, Bộ Tài chính Mỹ đã gia hạn giai đoạn “nới lỏng” (wind-down period) cho các tài sản của CEO tập đoàn Rusal, doanh nhân Oleg Deripaska. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết, lệnh cấm sẽ có hiệu lực nếu ông Deripaska (cũng được nêu tên trong danh sách trừng phạt của Tổng thống Trump) không từ bỏ quyền kiểm soát với Rusal. Kể từ đó, số phận của một trong những tập đoàn sản xuất nhôm lớn nhất trên thế giới, đã rơi vào tình trạng vô cùng “mờ mịt”.

Quyết định hôm 8/5 của ông Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran và khôi phục lại các lệnh trừng phạt chống Tehran – chủ yếu là trong lĩnh vực dầu khí, được nhìn nhận là “giọt nước tràn ly” dành cho EU.

“Phương Tây như chúng ta từng biết, giờ đã không còn tồn tại. Mối quan hệ của chúng ta với nước Mỹ hiện tại không thể gọi là một tình bạn, và khó có thể được tính là đối tác,” tác giả Klaus Brinkbaumer viết trong một bài báo xuất bản ngày 11/5 trên tờ Der Spiegel.

Cùng ngày, James Traub, một học giả tại Trung tâm Hợp tác Quốc tế lưu ý, mặc dù “mối quan hệ hợp tác với Mỹ đã trải qua một quá trình lâu dài và thành công – châu Âu đã sẵn sàng để bắt đầu lại”. Nhận định của Traub được đưa ra trong một bài báo có tựa đề “Hãy yên nghỉ, liên minh Xuyên Thái Bình Dương, 1945 – 2018”.

Mong muốn bất ngờ của Bulgaria?

Trong khi Nga và Đức tiếp tục tiến hành dự án Nord Stream 2 với sự đảm bảo của Tổng thống Putin rằng, đường ống mới sẽ không đồng nghĩa với vận chuyển khí gas qua Ukraine bị dừng lại; Bulgaria lại bày tỏ mong muốn về một đường ống khí gas tự nhiên xuất phát từ Nga và đi qua quốc gia này.

“Về nguồn cung cấp từ Nga, Bulgaria cần dừng việc vận chuyển khí gas qua Biển Đen. Hãy gọi đó là [đường ống] ‘Bulgarian Stream’”, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev chia sẻ với tờ Kommersant hôm thứ Hai (21/5).

Trong khi chính quyền Bulgaria đang có kế hoạch dựa vào đường ống Turkish Stream – hiện vẫn trong quá trình xây dựng, ông Radev cho rằng, ý tưởng “Bulgarian Stream” được hình thành từ nhận thức thông thường, tính hiệu quả năng lượng và an ninh, đồng thời nó cũng không khác biệt với những kỳ vọng của Berlin đối với Nord Stream 2.

Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn đang thận trọng cân nhắc “những quyết định cụ thể” nhằm đối phó với chính sách kinh tế của ông Trump. Ngày 17/5, Chủ tich Uỷ ban châu Âu Jean Claude Juncker tuyên bố, Brussels đang “khởi xướng một tiến trình để kích hoạt ‘quy chế ngăn chặn’ (blocking statute) từ năm 1996”.

Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire lại đề xuất ba biện pháp để giải quyết các thách thức hiện tại bao gồm: kích hoạt “quy chế ngăn chặn”; rút khỏi SWIFT (Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế) hiện do Mỹ kiểm soát; và thiết lập “một cơ chế tài chính độc lập cho phép các công ty châu Âu được làm việc tự do ở bất kỳ nơi đâu thông qua Ngân hàng đầu tư châu Âu.

Cũng trong tuần này, các nhà ngoại giao của Đức, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc sẽ nhóm họp tại Vienna để thảo luận về tương lai của thoả thuận hạt nhân Iran, mà không có sự tham dự của Mỹ. Bốn quốc gia chính đã khẳng định sẽ tiếp tục làm theo các điều khoản của JPCOA và bảo toàn thoả thuận. Về phần mình, Tehran cũng xác nhận, nếu P4+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, cộng thêm Đức) vẫn cam kết với JPCOA, nước này cũng sẽ tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ như trước đó.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ