• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Đẩy mạnh" phát triển tên lửa hạt nhân có thể vươn tới Mỹ, Trung Quốc lộ khoảng cách khó bắt kịp

Thế giới 06/01/2020 08:25

(Tổ Quốc) - Mẫu tên lửa hạt nhân tối tân phóng đi từ tàu ngầm JL-3 của Trung Quốc có khả năng tấn công tới đất liền Mỹ.

Tờ South China Morning Post dẫn lời một số nguồn tin quân sự cho hay, Trung Quốc đã bắt đầu tăng tốc phát triển mẫu tên lửa hạt nhân tối tân nhất phóng đi từ tàu ngầm. Đây là loại vũ khí được cho là có khả năng tấn công tới đất liền Mỹ.

Hai nguồn tin chia sẻ với tờ báo Hong Kong rằng, hải quân Trung Quốc đang thử nghiệm JL-3 hay còn gọi là tên lửa Julang ("Con sóng lớn"). Mẫu tên lửa này được đặc biệt chế tạo với mục tiêu đi kèm các tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Trung Quốc.

Tháng trước, tên lửa JL-3 đã được phóng đi từ Vịnh Bohai thuộc Hoàng Hải với đầu đạn rơi xuống khu vực tây bắc Sa mạc Gobi ở Tân Cương.

Không giống như ba vụ phóng thử trước vốn sử dụng tàu ngầm thông thường Type 032, vụ thử nghiệm mới nhất được tiến hành từ tàu ngầm hạt nhân Type 094. Nhưng kế hoạch của quân đội Trung Quốc là trang bị loại tên lửa này cho các tàu ngầm Type 096. Quá trình hiện thực hoá có thể kéo dài nhiều năm.

"Đẩy mạnh" phát triển tên lửa hạt nhân có thể vươn tới Mỹ, Trung Quốc lộ khoảng cách khó bắt kịp - Ảnh 1.

Tên lửa JL-3 từng được phóng đi từ một tàu ngầm Type 04 của Trung Quốc (ảnh: AFP)

Vụ phóng thử JL-3 được tờ The Washington Times đăng tải đầu tiên vào đêm Giáng sinh trong một bài báo có dẫn nguồn tin từ Lầu Năm góc. Theo đó, sự kiện diễn ra vào ngày 22/12 và bị các vệ tinh cũng như các nền tảng tình báo khác của Mỹ theo dõi sát sao.

Các nhà quan sát quân sự Trung Quốc nói, những vụ thử nghiệm tên lửa của Bắc Kinh là nhằm đáp trả loạt động thái của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào quốc gia châu Á – cùng với Nga và Triều Tiên – trong chiến lược đánh chặn của ông.

"Việc sản xuất tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Type 096 vẫn chưa được hoàn tất. Để có thể đẩy nhanh quá trình phát triển toàn diện tên lửa JL-3, việc thử nghiệm tên lửa và phát triển tàu ngầm đã được tiến hành riêng biệt", một nguồn tin giấu tên tiết lộ. "Về mặt lý thuyết, tầm di chuyển của tên lửa JL-3 giờ đây là hơn 10.000km, do vậy đáp ứng được mục tiêu ban đầu là tấn công vào Mỹ nếu tên lửa được phóng đi từ bờ biển Trung Quốc".

Trung Quốc đã đóng thành công 6 tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân Type 094 (hay còn thuộc lớp Jin). Bốn trong số này đã được giới thiệu trong buổi diễu binh hồi tháng tư đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày thành lập quân đội Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã tiến hành 5 cuộc thử nghiệm cho JL-2 – cũng chính là tên lửa "tiền nhiệm" của JL-3. JL-2 có thể di chuyển trong khoảng cách 7.000km và đã bắt đầu được triển khai trong hải quân Trung Quốc từ năm 2015.

"Đẩy mạnh" phát triển tên lửa hạt nhân có thể vươn tới Mỹ, Trung Quốc lộ khoảng cách khó bắt kịp - Ảnh 2.

Tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm JL-2 được trưng bày tại Bắc Kinh (ảnh: Reuters)

Một thông cáo mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ về năng lực quân sự của Trung Quốc chỉ ra, tàu ngầm JL-2 đều có thể mang theo 16 quả tên lửa JL-2. Tuy nhiên, tàu ngầm nâng cấp Type 096 sẽ có khả năng chở được 24 quả tên lửa JL-3.

Một nguồn tin quân đội khác chia sẻ với South China Morning Post rằng, sau khi JL-3 sẵn sàng được triển khai, cũng sẽ mất ít nhất 5 năm để tích hợp nó vào hệ thống vận hành của tàu ngầm Type 096.

"So sánh với các tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ hiện mang theo tên lửa đạn đạo Trident II, vẫn có một khoảng cách lớn cho Trung Quốc để bắt kịp [với Mỹ] trong công nghệ tàu ngầm", nguồn tin trên đánh giá. Ngoài ra, tàu ngầm Type 094 có thiết kế dựa trên các tàu ngầm hạt nhân lớp Delta dưới thời Liên Xô, khiến khả năng mang theo tên lửa bị giới hạn. Hải quân Nga từ lâu đã giải quyết được hạn chế này với mẫu tàu ngầm hạt nhân lớp Borei có khả năng chở 16 tên lửa Bulava.

Trung Quốc đã mất gần 10 năm để tích hợp tên lửa JL-1 với các tàu ngầm Type 092, và cần tới 7 năm nữa để thực hiện quy trình tương tự đối với tên lửa JL-2 và tàu ngầm Type 094. Quốc gia châu Á cũng đã bắt tay vào phát triển sức mạnh tên lửa của mình, bao gồm các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41, cũng chính là phiên bản phóng từ mặt đất của JL-3.

Chuyên gia quân sự Zhou Chenning nhận định, các nỗ lực của Bắc Kinh có thể được coi là một động thái đáp trả trước quyết định của Tổng thống Trump đưa Trung Quốc vào danh sách một trong "các mối đe doạ tiềm tàng" cho Mỹ trong bản "Báo cáo về năng lực hạt nhân" 2018.

"Bắc Kinh phải củng cố năng lực tấn công hạt nhân thứ hai của mình bằng cách hoàn thiện 'bộ ba hạt nhân'", ông Zhou nói và đề cập tới các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng đi từ mặt đất, các tên lửa phóng từ tàu ngầm và các vũ khí phóng từ trên không.

"Trong những năm gần đây, kể từ khi ông Trump lên nắm chính quyền, Mỹ đã khôi phục một loạt các cuộc thử nghiệm hạt nhân, bao gồm bom hạt nhân thả từ trên không B-61, các cuộc phóng thử thường xuyên của tên lửa đạn đạo Trident II D5 và động thái của quân đội Mỹ nhằm phát triển các tên lửa phóng từ mặt đất", vị chuyên gia chỉ ra. "Tất cả những hành động này đều sẽ là một nguy cơ lớn cho Trung Quốc".

Trong 5 năm tới, hải quân Mỹ đã lên kế hoạch triển khai thêm các tên lửa phóng từ tàu ngầm. Hồi tháng 10, tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin nhận được gói thầu trị giá lên tới 1,22 tỷ USD để sản xuất các tên lửa Trident II D5. 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ