• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô

Văn hoá 29/09/2022 20:55

(Tổ Quốc) - Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội vừa tổ chức hội thảo "Phát huy nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô". Hội thảo nhằm tìm ra các giải pháp để xây dựng nguồn lực xã hội hóa, đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Vướng mắc trong tìm kiếm đầu tư

Thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bề vững đất nước. Nghị quyết số 09 NQ/TW ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 và nghị quyết đại hội XIII. Thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô.

NSND Trần Quốc Chiêm- Chủ tịch Hội VHNT Hà Nội nhận định: Văn học, nghệ thuật là xương sống, là nguồn lực của các ngành công nghiệp văn hóa. Điện ảnh, âm nhạc mang lại nguồn doanh thu khổng lồ. Một số ngành công nghiệp khác như văn học, nghệ thuật thị giác đóng góp doanh thu trực tiếp không nhiều nhưng lại cung cấp kịch bản văn học, hình tượng, cách diễn đạt cho công nghiệp văn hóa phát triển. "Không một đất nước nào phát triển thành công công nghiệp văn hóa chỉ nhờ ngân sách, nhân lực từ Nhà nước. Nguồn lực xã hội hóa sẽ không đầu tư cho văn hóa, văn học nghệ thuật nếu họ không được hưởng lợi, không nhìn thấy lợi ích, không được hỗ trợ, ưu đãi cho vay vốn, miễn giảm thuế, cho thuê không gian", NSND Trần Quốc Chiêm nhấn mạnh

Tại hội thảo, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp trong việc đổi mới hoạt động hội, nhằm tập hợp, tạo điều kiện cho hội viên sáng tạo, tiếp cận cái mới, tạo cảm hứng sáng tác; đồng thời nêu các giải pháp để nâng cao chất lượng sáng tác văn học, nghệ thuật…

Đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội thảo

Ông Cao Ngọc Thắng, Hội Điện ảnh Hà Nội cho rằng, khái niệm "văn hóa" trong cụm từ " công nghiệp văn hóa" được hiểu theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa đầy đủ, khái niệm "văn hóa" bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, cho nên "sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa" chỉ diễn ra trong phạm vi nhất định, ở những khâu có thể lượng hóa được, vì "lợi nhuận" mà văn hóa đem lại lớn hơn lợi nhuận của suất đầu tư, vừa đo đếm được vừa không hoàn toàn chính xác do tính lan tỏa của VHNT, theo chiều rộng và cả chiều sâu, không chỉ tức thời mà kéo dài dư âm và lắng vào tâm hồn người thưởng thức. Do đó, phát triển sự nghiệp công nghiệp văn hóa cần thiết cụ thể hóa ở những khâu cần thu hút suất đầu tư, như sản xuất, phát hành, xuất bản, biểu diễn hay xây dựng thiết chế cùng trang thiết bị kỹ thuật.

"Vướng mắc thấy rõ hiện nay của hầu hết các lĩnh vực hoạt động VHNT là sự tìm kiếm các nguồn lực đầu tư. Nguyên nhân cơ bản vẫn là chưa có sự đổi mới cách nghĩ, cách làm từ cá nhân sáng tạo cho đến các ngành, các đơn vị VHNT"- ông Cao Ngọc Thắng nhận định.

Từ đó, ông Thắng đề cập đến vấn đề sáng tạo cá nhân. Hiện nay, "nạn" thiếu bản thảo văn học, thiếu kịch bản điện ảnh, sân khấu chất lượng, đáp ứng yêu cầu nghệ thuật và thị hiếu, là có thật. Điều này không dễ khắc phục, bởi sự sáng tạo chẳng bao giờ xuất hiện ngẫu nhiên và một sớm một chiều.

Bên cạnh đó, ông Thắng chỉ ra lỗ hổng lớn trong việc xây dựng kế hoạch và lập dự án. Đây là một trong những đòi hỏi có tính nguyên tắc của cơ chế xã hội hóa. Tránh tình trạng khi có tài trợ cũng không triển khai được vì thiếu kinh nghiệm trong xây dựng kế hoạch và lập dự án.

Cũng theo ông Thắng, khái niệm "văn hóa" trong cụm từ " công nghiệp văn hóa" được hiểu theo nghĩa hẹp. Theo nghĩa đầy đủ, khái niệm "văn hóa" bao trùm tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế và xã hội, cho nên "sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa" chỉ diễn ra trong phạm vi nhất định, ở những khâu có thể lượng hóa được, vì "lợi nhuận" mà văn hóa đem lại lớn hơn lợi nhuận của suất đầu tư, vừa đo đếm được vừa không hoàn toàn chính xác do tính lan tỏa của VHNT, theo chiều rộng và cả chiều sâu, không chỉ tức thời mà kéo dài dư âm và lắng vào tâm hồn người thưởng thức. Do đó, phát triển sự nghiệp công nghiệp văn hóa cần thiết cụ thể hóa ở những khâu cần thu hút suất đầu tư, như sản xuất, phát hành, xuất bản, biểu diễn hay xây dựng thiết chế cùng trang thiết bị kỹ thuật.

Đồng quan điểm về tận dụng nguồn lực xã hội hóa, ông Trần Văn Mỹ (Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội) cho rằng, hoạt động của hội trong thời kỳ mới rất cần sự ủng hộ của công ty, các tập đoàn kinh tế. Lâu nay, các đơn vị kinh tế đều dành một khoản tiền không nhỏ để quảng bá cho các sản phẩm của mình, Hội liên hiệp cần nghiên cứu cách vận động để tận dụng nguồn lực to lớn này. "Những công trình, tác phẩm tiêu biểu hình thành từ nguồn "xã hội hóa", cần được trưng bầy tại một khu vực của đại hội Hội Liên hiệp tổ chức 5 năm một lần. Tại vị trí trang trọng của mỗi sản phẩm cần ghi rõ đơn vị tài trợ để tri ân sự đóng góp của họ"- ông Mỹ nêu.

VHNT phải tự đổi mới mình

Ông Cao Ngọc Thắng cho rằng, muốn phát huy nguồn lực xã hội hóa thì, trước hết, VHNT cần đẩy mạnh sáng tạo trong tư duy và lao động nghệ thuật, tức là cần tự hiểu chính mình khi tham gia vào cơ chế thị trường, để từ đó khai thác và tận dụng hiệu quả những kết quả mà cơ chế này đem lại. Bởi, VHNT vừa là chủ thể đồng thời là khách thể của cơ chế thị trường, vừa vận động đảm bảo yếu tố lợi nhuận vừa là nhân tố phản ánh và góp phần thúc đẩy chính sự vận động đó. Là chủ thể, bản thân VHNT phải chỉ ra được mình cần cái gì và làm thế nào để thu hút nguồn lực xã hội hóa. Là khách thể, VHNT cần tìm hiểu xã hội cần những gì ở mình và làm thế nào để đáp ứng yêu cầu và nhu cầu thưởng thức. Thực tế, cả hai vai trò này, chủ thể và khách thể, của VHNT hoàn toàn thay đổi so với thời kỳ trước đổi mới và cho đến nay, do nhiều yếu tố chi phối, VHNT chưa bước ra khỏi ranh giới của sự thay đổi này, nên hướng đi còn khá bất cập. Bởi vậy, tự đổi mới mình là điều tất yếu đầu tiên để VHNT phát huy nguồn lực xã hội hóa.

Đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô - Ảnh 2.

Sự kết nối giữa các loại hình nghệ thuật tạ sân khấu Nhà hát Múa rối Thăng Long

Đẩy mạnh sáng tạo văn học nghệ thuật trong sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô - Ảnh 3.

Để VHNT tự đổi mới, cần tạo cơ hội tiếp cận cái mới cho người sáng tạo. Ngoài các cá nhân tự tìm hiểu, rất cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý để sự tiếp xúc văn hóa có nhiều cơ hội thuận lợi.

Ông Thắng nêu ví dụ, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội sớm cho sửa chữa hội trường và trang thiết bị thành nơi chiếu phim học tập và giới thiệu tác phẩm mới của các Hội chuyên ngành. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác lý luận, phê bình, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT. Cho đến thời điểm này, công tác lý luận, phê bình còn yếu và thiếu. Ngoài ra, cần sự kết nối giữa các loại hình nghệ thuật, mà đầu mối là các Hội chuyên ngành. Hiện còn thiếu sự quy tụ cần thiết, nhất là trong các kỳ cuộc có quy mô thành phố và giao lưu với các tỉnh thành khác.

Đồng quan điểm này, theo ông Trần Văn Mỹ, không chỉ là sự kết nối với các hội chuyên ngành trong cả nước mà còn nên mở rộng giao lưu với nước ngoài. Ông Mỹ ví dụ như Hàn Quốc là nước phát triển rất nhanh. Điều đáng học tập là dù kinh tế phát triển nhưng những giá trị truyền thống của tổ tiên vẫn được người Hàn hôm nay gìn giữ chu đáo, từ ăn mặc ở đến các trò chơi truyền thống.

Ông Mỹ cho rằng, hiện nay, ở Hà Nội có Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, do Tiến sĩ sử học Sim Sang Joon làm Giám đốc. Việc Hội VHNT Hà Nội phối hợp, giao lưu văn hóa, nghệ thuật với Trung tâm sẽ đem lại cơ hội học tập, tiếp cận văn hóa đa dạng cho các Hội viên. "Chúng ta tìm hiểu Seoul và Hàn Quốc trong quá trình phát triển đất nước theo kinh tế thị trường thì việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Hàn gặp khó khăn và thuận lợi gì. Những kinh nghiệm hay và thiết thực của bạn sẽ giúp chúng ta đi nhanh hơn để đến cái đích cần phải đến"- ông Trần Văn Mỹ nhận định./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ