• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐBQH Dương Trung Quốc: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nghèo hơn tôi”

Thời sự 24/10/2018 07:31

(Tổ Quốc) - Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc: “Tôi chia sẻ rất thật bằng cảm xúc của mình rằng, khi khi tôi đọc lý lịch, tài sản của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tôi đã nói đùa với mọi người rằng “ông còn nghèo hơn tôi”.

ĐBQH Dương Trung Quốc: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn nghèo hơn tôi”  - Ảnh 1.

ĐBQH Dương Trung Quốc (Nguồn: Soha)

-Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chính thức đảm nhận trọng trách Chủ tịch nước và cũng đã chia sẻ rất nhiều trước Quốc hội sau khi tuyên thệ. Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa. Ở vai trò là một đại biểu Quốc hội, xin ông chia sẻ về điều này?

+ Về cơ chế thì lần đầu tiên chúng ta làm chuyện này cho dù chúng ta có nhắc đến câu chuyện xa xưa Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước.

Nhưng lần này khắc hẳn, không mang tính chất biểu tượng nữa mà mang tính chất thực thi, quyền lực và trách nhiệm thực sự.

Vì thế, sự kiện này trước hết phù hợp với xu thế. Tôi nhắc lại, cách đây 13 năm là vào tháng 11/2005, khi ông Hồ Cẩm Đào (Trung Quốc) sang Việt Nam ở vị thế cả hai cương vị một nhân vật - đó là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước. Khi đó tôi chứng kiến các nhà lãnh đạo Việt Nam chúng ta phải hai người đi cùng để tương xứng thì tôi đã phát biểu với Quốc hội là tại sao chúng ta không xử lý theo cách thức này? Nước Lào họ nhỏ hơn mình, Trung Quốc họ lớn hơn mình... đều làm được thì chúng ta lẽ gì không làm được?

Khi đó, vị ấy có giải thích với tôi rằng thực ra không phải không bàn đến việc này mà thứ nhất là chúng ta vẫn đặt trên nguyên tắc cao nhất là lãnh đạo tập thể. Thứ hai, các vị lão thành cách mạng thì e ngại về sự tập trung quyền lực có thể dẫn đến rủi ro.

Chuyện đó cho đến ngày hôm nay thì trở thành hiện thực, mặc dù chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói rất rõ rằng "đây chưa phải là nhất thể hoá, là giải pháp mang tính chất tình huống khi chúng ta khuyết vị trí Chủ tịch nước".

Tôi nghĩ rằng điều này đi theo đúng xu thế cho dù chưa hoàn toàn. Tôi mong rằng đây là thử nghiệm tốt để sau này chúng ta sẽ mạnh dạn "nhất thể hoá". Vì sao? Nhất thể hoá thấy bề ngoài là tập trung quyền lực nhưng đồng thời cũng tập trung trách nhiệm. Chúng ta đang bàn rất nhiều về câu chuyện quyền lực, tuy nhiên, chúng ta phát huy được dân chủ, phát huy được sức mạnh của tổ chức mà ở đây có tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước. Tôi nghĩ cũng như các nước khác, mọi quyền lực đều có thể kiểm soát được chứ chúng ta không e ngại chuyện đó.

Mặt khác, chúng ta thấy mặt tích cực ngay, đó là giảm thiểu đầu mối, hạn chế quan liêu, giảm thể cả đội ngũ mà chúng ta đang rất vất vả thu gọn, nhất là tinh giản biên chế. Vì thế tôi cho rằng đây là xu thế chung, là tích cực.

"Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng là người cầm cờ cho công cuộc phòng chống tham nhũng nên việc đảm nhận cả hai vai trò Tổng Bí thư và Chủ tịch nước sẽ tạo xu thế phát triển tích cực hơn cho lĩnh vực này."

ĐBQH Dương Trung Quốc

Và tôi hy vọng rằng, lần này Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước – thì bên cạnh vinh danh cũng phải nói rằng trách nhiệm rất nặng. Đi cùng với đó, chúng ta phải có cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo điều kiện để phát huy vai trò của người lãnh đạo cao nhất, đúng nghĩa là nguyên thủ quốc gia. Bên cạnh đó phải có thiết chế để giám sát quyền lực ấy, trong đó có vai trò của người dân. Tôi cho rằng, dần dần đến lúc nào đó, việc này trở thành định chế thì sẽ ổn định sự phát triển của thể chế chính trị chúng ta cần.

-Như ông vừa nói, vai trò, trách nhiệm đặt lên vai của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ rất lớn?

+ Chúng ta thấy rằng, một người sẽ làm việc bằng hai. Ngày xưa là hai người và bây giờ là một người. Vẫn từng ấy công việc. Thì việc kết hợp như vậy sẽ thuận lợi hơn, tránh đi sự phải nhiều đầu mối, cho dù ở trên cao nhất còn có tổ chức Đảng.

Tôi cho rằng, điều này sẽ tạo ra xu thế mà nó sẽ phù hợp với mục tiêu của chúng ta: tinh giản biên chế, tăng cường trách nhiệm, tăng cường dân chủ. Dân chủ là công cụ tốt nhất để đảm bảo cho những thiết chế chính trị như thế có thể vận hành phù hợp với lợi ích chung của xã hội, của quốc gia.

-Tổng Bí thư đảm nhận vai trò Chủ tịch nước – như nhiều ý kiến chia sẻ đây là "ý Đảng, lòng dân". Người dân từ nay càng hy vọng hơn vào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là những quyết liệt của ông trong cuộc chiến chống tham nhũng. Còn ông, ông đặt niềm tin như thế nào vào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước?

+ Người dân sẽ quan sát xem ở một cương vị mới quan trọng, con người cụ thể ấy làm gì? Nếu Tổng Bí thư, Chủ tịch nước làm cho đất nước phát triển tốt hơn thì đây sẽ là sự vinh danh và ngược lại.

Tôi nhìn sự việc là một thử thách mới hơn là vinh quang mới đối với người được gánh trách nhiệm đó.

Về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng là người cầm cờ cho công cuộc phòng chống tham nhũng nên việc đảm nhận cả hai vai trò Tổng Bí thư và Chủ tịch nước sẽ tạo xu thế phát triển tích cực hơn cho lĩnh vực này.

Hơn nữa, tôi cũng chia sẻ rất thật bằng cảm xúc của tôi là khi tôi đọc lý lịch, tài sản của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tôi đã nói đùa với mọi người rằng "ông còn nghèo hơn tôi".

-Xin cảm ơn ông!

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ