(Tổ Quốc) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 31/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trước đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường, Quốc hội đã nghe trình bày các Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao cho Đà Nẵng
Thảo luận tại Tổ 13 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang, các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với việc Quốc hội xem xét, sửa đổi nghị quyết liên quan đến quy định một số chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An và thành phố Đà Nẵng nhằm điều chỉnh và triển khai thi hành những chính sách mới, đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương này để tiếp tục đóng góp vào phát triển chung kinh tế - xã hội của đất nước.
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn khẳng định hai Tờ trình của Chính phủ đều có cơ sở chính trị và cơ sở thực tiễn chặt chẽ. Hồ sơ của các dự thảo Nghị quyết cơ bản đáp ứng quy định tại Điều 64 và Điều 13 của Luật Ban hành văn bản quy pháp luật. Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng Nghị quyết thí điểm nên cần phải xác định rõ thời điểm kết thúc.
Đối với các nhóm chính sách về phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa chỉ rõ có 21 chính sách, trong đó, có 6 chính sách hoàn toàn tương tự với các tỉnh, thành phố khác, 10 chính sách tương tự có điều chỉnh và 5 chính sách mới.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa nhấn mạnh sự quan tâm và bày tỏ nhất trí với việc thí điểm thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Đại biểu nêu rõ, khu thương mại tự do Đà Nẵng là khu chức năng có ranh giới địa lý, được thành lập để thực hiện thí điểm các cơ chế chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay chưa có khái niệm pháp lý hay cơ chế pháp lý đầy đủ để điều chỉnh về khu thương mại tự do.
Do đó việc thí điểm tại Đà Nẵng lần này một mặt góp phần phát triển Đà Nẵng, mặt khác góp phần để có cơ sở thực tiễn hoàn thiện thể chế pháp luật về khu thương mại tự do.
Bảo đảm không xâm hại về môi trường và di sản văn hóa
Thảo luận ở Tổ 2 gồm Đoàn ĐBQH TP HCM, đa số các ĐBQH thống nhất với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Việc xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng sẽ tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.
Đóng góp ý kiến về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhất trí với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng vì sẽ góp phần phát huy tiềm năng cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực khác cho thành phố. Ngoài ra, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng cũng nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng có những quy định nào thuộc thẩm quyền quyết định được thì giao cho Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện. Còn những vấn đề thuộc về đất đai, ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng từ ngân sách Nhà nước... thì nên giao cho Quốc hội quyết định.
Khi thu hút nguồn lực đầu tư vào Khu thương mại tự do Đà Nẵng, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý trong dự thảo Nghị quyết bổ sung một số nguyên tắc khi thu hút đầu tư vào Khu cần bảo đảm chủ quyền và an ninh quốc gia, tăng tính tự chủ của nền kinh tế, không làm tăng nợ công, bảo đảm không xâm hại về môi trường và di sản văn hóa.
Đóng góp ý kiến vào nội dung trên, đại biểu Trần Anh Tuấn cho rằng, việc thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng không chỉ góp phần tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cho thành phố. Mặt khác, việc thu hút đầu tư vào Khu thương mại tự do này không chỉ là thu hút đầu tư thông thường mà còn là phải có cơ chế, chính sách về chuyển giao công nghệ, quản trị, các nguyên tắc về an ninh, an toàn cho việc hoạt động của Khu.
Ngoài ra, theo đại biểu Trần Anh Tuấn, Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết cần nhấn mạnh đến việc Đà Nẵng tiết kiệm nguồn thu từ cải cách tiền lương. Trong quản lý về đầu tư, ngân sách có sự phân cấp một cách rõ ràng, không nên đổ dồn về cấp quản lý cao hơn.
Hình thành tại một đô thị kinh doanh toàn cầu, đẳng cấp quốc tế
Phát biểu thảo luận tại Tổ 3 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn nữa cho thành phố Đà Nẵng để phát triển theo Nghị quyết 43-NQ/TW, Nghị quyết 26-NQ/TW và Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị.
Đại biểu nhận thấy, thành phố Đà Nẵng có quy mô nền kinh tế nhỏ, dư địa phát triển không còn nhiều, cơ cấu kinh tế thành phố bộc lộ những điểm chưa phù hợp. Điểm nghẽn lớn nhất của thành phố hiện nay là chưa có "xung lực mới" làm động lực trong tăng trưởng và phát triển, tạo sự bức phá cho nền kinh tế. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết.
Liên quan đến thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đại biểu Lương Văn Hùng góp ý về thí điểm thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc thí điểm Khu thương mại tự do, mô hình Khu thương mại tự do, đại biểu Lương Văn Hùng nêu rõ, với thực trạng, tiềm năng, hiện nay của Đà Nẵng, tầm nhìn phát triển của thành phố theo Nghị quyết 43-NQ/TW, có thể cân nhắc lựa chọn mô hình đô thị kinh doanh tích hợp bao gồm 3 khu chức năng chính: sản xuất; hậu cần cảng - logistics; thương mại - dịch vụ.
Để đảm bảo tạo thuận lợi tối đa trong công tác quản lý, giai đoạn đầu của Khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ không có dân cư thường trú và phải có hàng rào cứng để thuận lợi trong công tác kiểm soát. Trong quá trình hoạt động, vừa triển khai thí điểm vừa hoàn thiện theo hướng mở, mềm hóa ranh giới khi thỏa mãn các điều kiện nhất định để hình thành tại đây một đô thị kinh doanh toàn cầu, đẳng cấp quốc tế.
Vì vậy, đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, cần thiết có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thí điểm Khu thương mại tự do Đà Nẵng nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao. Trong đó, áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất và các ưu đãi khác như khu kinh tế. Áp dụng đồng bộ cơ chế quản lý hải quan và các chính sách đang áp dụng đối với khu phi thuế quan.