• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long phát huy giá trị

Văn hoá 11/09/2022 11:24

(Tổ Quốc) - Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích văn hóa, lịch sử đặc biệt gắn với kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được hình thành và phát triển liên tục trong nhiều thế kỷ, là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích tại Việt Nam. Vì vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long sao cho xứng với tầm vóc của di sản, luôn là vấn đề được quan tâm.

Minh chứng 13 thế kỷ giao lưu văn hóa châu Á

Hoàng thành Thăng Long (số 18 phố Hoàng Diệu, thành phố Hà Nội) được các nhà nghiên cứu và khảo cổ khai quật năm 2002 trên tổng diện tích 19.000m2, là cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam và của cả Đông Nam Á tại thời điểm đó. Cuộc khai quật đã phát lộ những dấu vết của Hoàng thành Thăng Long trong tiến trình lịch sử trải dài 13 thế kỷ, xuyên suốt các triều đại Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945), với các di tích và tầng văn hóa chồng xếp lên nhau.

Để Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long phát huy giá trị - Ảnh 1.

Du khách trong nước và quốc tế tham quan những hiện vật được khai quật từ Hoàng thành Thăng Long

Tháng 8/2010, Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long–Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới. Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam khẳng định: Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho 13 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa từ khắp châu Á. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Kể từ thời điểm đầu tiên thực hiện cuộc khai quật di chỉ khảo cổ và nhất là sau khi được công nhận Di sản Văn hóa thế giới, khu di sản Hoàng thành Thăng Long luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Báo cáo tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "20 năm nghiên cứu bảo tồn và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long" diễn ra tại thủ đô Hà Nội mới đây, chỉ rõ: sau khi được UNESCO ghi danh vào năm 2010, di sản này đã phát huy trên nhiều mặt, các đợt khai quật khảo cổ liên tục hé lộ thêm nhiều bí ẩn về kinh thành Thăng Long xưa. Đáng chú ý, đến nay, 8 cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam với Ủy ban Di sản thế giới về Khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan triển khai thực hiện hiệu quả.

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội – Nguyễn Thanh Quang, Đề án Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (tỷ lệ 1/500) đã xác định quy mô của di tích là 18,353ha, gồm Khu Thành cổ Hà Nội và Khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Từ năm 2021-2025, tại di tích Hoàng thành Thăng Long có 3 dự án trọng điểm. Dự án Bảo tồn khu vực khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, xây dựng Bảo tàng trưng bày tại chỗ theo Quy hoạch Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu, trong đó bao gồm các hạng mục trưng bày, bảo quản hiện vật tại chỗ, vừa đảm bảo quản lý bảo tồn hiệu quả các di tích khảo cổ học, vừa tạo điều kiện cho công tác tham quan, trưng bày, thu hút khách du lịch.

Để Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long phát huy giá trị - Ảnh 2.

Hoàng thành Thăng Long là công trình di sản đồ sộ cả về chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa

Hoàng thành Thăng Long là công trình di sản đồ sộ cả về chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa, vì thế còn rất nhiều điều cần tiếp tục nghiên cứu, giải mã.

PGS, TS Tống Trung Tín kiến nghị: Từ giá trị to lớn của khu Di sản, giới khảo cổ học Việt Nam kiến nghị các cấp lãnh đạo có thẩm quyền tiếp tục cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh việc thực hiện các khuyến nghị của UNESCO và cam kết của Chính phủ Việt Nam và UBND Thành phố Hà Nội. Kiến nghị UNESCO, ICOMOS cho phép Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đẩy mạnh việc nghiên cứu, bảo vệ, bảo tồn, chỉnh trang toàn bộ khu Di sản, nhất là tại khu vực Trung tâm (không gian Chính điện Kính Thiên) để làm tăng thêm 3 giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

Phục dựng những lễ hội để thu hút du khách

Sau 12 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long. Song việc mỗi năm chỉ đón vài trăm nghìn lượt khách tham quan vẫn là con số quá thấp đối với di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô. Do đó, thành phố còn nhiều việc phải làm nhằm gìn giữ, góp phần lan tỏa những giá trị quý báu của Hoàng thành Thăng Long để thật sự xứng tầm di sản thế giới.

Để Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long phát huy giá trị - Ảnh 3.

Những nghi thức, lễ hội lịch sử được tái hiện trong Hoàng thành Thăng Long

Trong những năm qua, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đã được tái hiện, phục dựng và tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, cần phục dựng nhiều hơn nữa các nghi lễ, nghi thức cung đình, nhằm giới thiệu văn hóa đến du khách trong nước và quốc tế.

Văn hóa cung đình gồm các nghi lễ, lễ hội, trò chơi, trò diễn... Nghi lễ thường gắn với các lịch tiết trong năm như: Lễ Tiến xuân ngưu, Lễ tiến lịch, Tết Đoan ngọ... hay mang màu sắc tôn giáo như Lễ hội đèn Quảng Chiếu (có từ thời Lý và tồn tại đến thời Trần)... Chỉ riêng các trò chơi cung đình, theo TS. Đỗ Ngọc Yến, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội, đã có nhiều nhóm trò chơi khác nhau. Liên quan nhóm bóng (cầu) có các trò: Đá bóng (thời xưa gọi là đá cầu), đánh bóng, tung cầu, vật cầu...; liên quan các con vật có đấu hổ và voi, chọi gà; chưa kể những trò độc đáo, có tính "kịch" như: Xuân đài, tàng câu...

Văn hóa phi vật thể trong cung đình chính là nhân tố làm sống lại và giúp di sản "tỏa sáng", nhất là thu hút khách du lịch. Theo GS Lê Hồng Lý, những nghiên cứu, thử nghiệm trong khôi phục di sản văn hóa phi vật thể tại Hoàng thành Thăng Long là đáng khích lệ, nhưng so với lịch sử 13 thế kỷ của Hoàng thành Thăng Long thì còn quá khiêm tốn.

Để Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long phát huy giá trị - Ảnh 4.

Tái hiện lễ hội Vua ban quạt vào dịp Tết Đoan Ngọ thời Lê Trung Hưng tại Hoàng thành Thăng Long

"Do vậy, cần có nghiên cứu một cách hệ thống, bài bản về di sản văn hóa phi vật thể, gồm cả tư liệu lịch sử lẫn tư liệu dân gian, tư liệu của nước ngoài... Trên cơ sở đó tái hiện, phục dựng lại. Đối với những nghi lễ theo lịch tiết là những lễ, Tết thường niên, chúng ta có thể khai thác triệt để trong năm để tạo nên những sự kiện thu hút khách du lịch đến với Hoàng thành"- GS. Lê Hồng Lý nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, những ý kiến của các nhà khoa học là cơ sở để thành phố Hà Nội tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan để bảo tồn, khai thác tốt nhất giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Trong đó, thành phố sẽ chú trọng xây dựng phương án phục dựng, tái hiện các di sản kiến trúc cung điện trong thời gian tới, cũng như thực hiện nghiêm những cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với khuyến nghị của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS).

Bảo tồn và phát huy các giá trị của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được xác định là công cuộc lâu dài, phải được triển khai với sự thận trọng, đề cao tính khoa học và cần có cách thức thực hiện bài bản./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ