(Tổ Quốc) - Tại Hội thảo "Hàng không – Du lịch "bắt tay" liên kết phát triển bền vững", các chuyên gia cho rằng, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu những tháng gần đây khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
- 11.04.2023 Đón đà phục hồi du lịch, hàng không Trung Quốc mở đợt tuyển dụng lớn nhất 3 năm qua
- 23.02.2023 Du lịch hàng không hướng tới tự động hóa: Bắt đầu từ công nghệ nhận dạng khuôn mặt
- 18.05.2022 Đà hồi phục du lịch hàng không trở lại: Lựa chọn của khách hàng tác động đến xu hướng mới
- 06.04.2022 Nhiều tín hiệu vui cho doanh nghiệp du lịch, hàng không tại Hội chợ VITM 2022
Giá vé tăng gây bất lợi cho du lịch
5 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, là điểm sáng và đóng góp tích cực, quan trọng vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Góp phần vào sự phục hồi du lịch không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không vì số liệu thống kê cho thấy hiện nay, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm tỷ lệ rất cao so với các phương thức khác, lên đến gần 80%.
Tuy nhiên, việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu những tháng gần đây khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và phải điều chỉnh tăng giá vé máy bay. Điều này đã và đang tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.
Theo Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính, giá vé máy bay nội địa tăng cao đã gây ra những tác động bất lợi cho ngành hàng không, du lịch, các ngành kinh tế và sinh kế của người dân địa phương. Theo các cơ quan chức năng và đại diện doanh nghiệp phân tích, các yếu tố góp phần làm tăng giá vé máy bay nội địa bao gồm chi phí nhiên liệu, biến động tỷ giá, thiếu máy bay, chi phí bảo trì và cung cầu thị trường, chi phí thuê máy bay, thuế VAT, thuế nhiên liệu và các khoản phí dịch vụ mặt đất.
Còn theo các chuyên gia trong nước và kinh nghiệm quốc tế, một số nguyên nhân khác chưa được đề cập đến gồm: thị trường hàng không nội địa thiếu sức cạnh tranh, chi phí bảo trì ở nước ngoài đắt đỏ và sự hợp tác giữa ngành hàng không và du lịch chưa mạnh mẽ.
Đồng quan điểm trên, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Vietnam Airlines (VNA) Nguyễn Quang Trung cho biết, giá vé máy bay của các hãng tăng nằm trong xu hướng chung của ngành hàng không toàn cầu, do chịu tác động bởi các nguyên nhân: giá nhiên liệu tăng cao, bình quân năm 2024 tăng 34% so với năm 2019 (từ 76,7 USD/thùng lên 102,8 USD/thùng); tình hình lạm phát và mất giá đồng tiền, tại Việt Nam bình quân năm 2024 tăng 8% so với năm 2019; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney (PW) dẫn đến tình trạng khan hiếm tàu bay toàn cầu, ảnh hưởng đến giá thuê tàu bay (bình quân năm 2024 so năm 2019 tăng từ 20-30%).
Tại Việt Nam, thời gian qua, tỷ lệ giá vé cao chủ yếu rơi vào các ngày cao điểm trong dịp nghỉ lễ hoặc các khung giờ đẹp, ngày đẹp khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao. Hiện tại, hành khách vẫn có thể lựa chọn các mức giá thấp, hợp lý khi chọn lựa các chuyến bay tránh dịp cao điểm, ngày, giờ cao điểm.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Trung, việc giá vé bay bay nội địa trong một số thời điểm cao hơn bình thường chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận hành khách trong việc di chuyển nội địa. Về tổng thể, nhiều đường bay mới được các hãng hàng không mở thời gian qua đã đóng góp lớn cho việc khôi phục và du lịch quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến với việc tăng cường các đường bay quốc tế, không chỉ đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh mà còn đến các địa phương khác như Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.
Cần có thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ
Trước thực trạng đó, Trưởng Ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính đề xuất, để kéo giảm giá vé máy bay, tạo động lực phát triển cho ngành du lịch, Chính phủ cần xem xét miễn mức thuế 7% nhập khẩu xăng dầu đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức quy định hiện hành. Chính phủ cũng cần hỗ trợ Công ty Quản lý bay để giảm 50% giá dịch vụ cất hạ cánh máy bay trong 2 năm cho các hãng hàng không.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ chung cho ngành hàng không và du lịch với gói kích cầu giảm giá vé máy bay khứ hồi, hỗ trợ giá vé máy bay không quá 30USD/vé và trợ giá phòng lưu trú không quá 30USD/đêm, theo nguyên tắc không vượt quá 40% giá trị của vé và phòng cho 2 triệu vé máy bay và 5 triệu đêm lưu trú tại các điểm đến du lịch trọng điểm của Việt Nam...
Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm cho rằng, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện đúng quy định về giá vận chuyển hành khách, đồng thời khuyến khích các hãng hàng không nghiên cứu, tiết giảm chi phí, triển khai các chính sách khuyến mãi, ưu đãi giá vé cho hành khách trên các đường bay nội địa phù hợp...
Cũng theo ông Đỗ Hoàng Cẩm, Cục Hàng không Việt Nam rất quan tâm phối hợp với các cơ quan thuộc bộ, ngành liên quan, đặc biệt với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thúc đẩy và phát triển hoạt động kết nối hàng không - du lịch, tập trung tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không, hành khách đi/đến các điểm du lịch.
Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam cũng đang xem xét sớm tổ chức Hội nghị liên ngành du lịch và hàng không quảng bá, giới thiệu chương trình, địa điểm và sản phẩm, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, cách thức tổ chức vận hành, phối hợp giữa hai ngành trong phát triển kinh tế du lịch; tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho ngành hàng không - du lịch...
Về phía các doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn Du lịch - Hàng không Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng, các địa phương cần có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các hãng hàng không mở đường bay mới, đặc biệt là đường bay trực tiếp đến những điểm du lịch tiềm năng. Qua đó, giúp du khách dễ dàng tiếp cận, lên kế hoạch và di chuyển, thúc đẩy lượng khách đến tham quan. Bên cạnh đó, hãng hàng không cũng mở rộng mạng lưới và tăng doanh thu từ lượng khách du lịch.
Đặc biệt, các địa phương, doanh nghiệp du lịch và hãng hàng không cần phối hợp chặt chẽ hơn trong quảng bá về điểm đến, sản phẩm du lịch; có các chương trình kích cầu du lịch như giảm giá vé máy bay, combo du lịch trọn gói, miễn phí visa; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đảm bảo an toàn cho du khách…
Đồng quan điểm trên, Giám đốc Kinh doanh Khối du lịch nghỉ dưỡng Tập đoàn Sun Group Lương Thị Hoàng Lan chia sẻ: Để tạo môi trường kết nối địa phương - hàng không - du lịch bền vững và nhịp nhàng, tạo hiệu ứng mạnh mẽ để du lịch tăng tốc phục hồi và phát triển, cần có kế hoạch liên kết tổng thể quy mô quốc gia, trong đó cần có vai "nhạc trưởng" của cơ quan quản lý nhà nước cấp cao là Chính phủ và Cục Du lịch.
"Ngoài ra, cần có sự ngồi lại của 3 bên: địa phương, du lịch và hàng không để bàn kế hoạch hợp tác ngắn hạn và lâu dài trên cơ sở chia sẻ lợi ích và trách nhiệm giữa các bên. Không chỉ hàng không và du lịch cần đưa ra chính sách giá tốt, mà các địa phương cũng cần đưa ra những ưu đãi hợp lý (về nghỉ dưỡng, vận chuyển, nhà hàng…) để tạo điều kiện xây dựng những chương trình, combo sản phẩm nghỉ dưỡng chất lượng với mức giá ưu đãi, bao gồm cả vé máy bay, phòng khách sạn và tour du lịch. Phương án này giúp cả ba bên: Địa phương, Hàng không và Du lịch cùng có lợi, ổn định về lượng khách và đạt hiệu quả cao nhất" – bà Lương Thị Hoàng Lan nói.