• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới: Bài 2: Gìn giữ, bồi đắp giá trị của Mo Mường

Văn hoá 10/08/2022 07:00

(Tổ Quốc) - Cùng với thời gian, mo Mường đã góp phần hình thành nên cốt cách, tâm hồn của người Mường và những vùng đất có người Mường sinh sống, cũng như bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong suốt hành trình lịch sử ngàn năm qua. Để gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường, việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh Mo Mường vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp là cần thiết.

Gìn giữ và bồi đắp Mo Mường

Theo nghệ nhân Bùi Hồng Nhi, Mo Mường được tổ tiên truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác và được sáng tạo không ngừng cùng tiến trình phát triển của đất nước. Quá trình diễn xướng Mo của người Mường là phương tiện giao tiếp bày tỏ lòng tôn kính đối với lực lượng siêu nhiên và tổ tiên, đồng thời là phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên, vũ trụ, tri thức, tập quán xã hội người Mường; qua đó góp phần tích cực trong giáo dục, hình thành nhân cách con người và gìn giữ phong tục, tập quán.

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới: Bài 2: Gìn giữ, bồi đắp giá trị của Mo Mường - Ảnh 1.

Thầy Mo làm lễ tại Hội Khai hạ Mường Bi (ảnh báo Hòa Bình)

"Mo trong tang lễ của dân tộc Mường đã có từ hàng ngàn đời, từ khi có nghi lễ tang ma đến nay vẫn được được dân tộc Mường nói chung và đồng bào Mường gìn giữ, bồi đắp. Mo Mường được tổ tiên truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời được sáng tạo không ngừng cùng với tiến trình phát triển của đất nước"- Nghệ nhân Bùi Hồng Nhi cho biết.

Quá trình diễn xướng Mo của người Mường là phương tiện giao tiếp, bày tỏ lòng tôn kính đối với các lực lượng siêu nhiên và tổ tiên con người, là phương tiện để truyền đạt tư tưởng triết lý về thiên nhiên, vũ trụ của người Mường về tri thức và tập quán xã hội. Mo Mường đã góp phần gìn giữ phong tục, tập quán trong đời sống tinh thần của đồng bào Mường. Mo Mường đã góp phần tích cực trong việc giáo dục hình thành nhân cách con người. Tuy vậy, dân tộc Mường không có hệ thống chữ viết nên Mo Mường được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng cách truyền dạy (truyền khẩu). Chính vì vậy, hiện nay Mo Mường có xu hướng ngày càng ít người biết, và bị hiểu lệch lạc cả về nội dung Mo cũng như nghệ thuật diễn xướng Mo trong tang lễ; đồng thời số lượng nghệ nhân Mo ngày càng giảm dần.

Để bảo tồn giá trị Mo Mường, theo nghệ nhân Bùi Hồng Nhi, cần nâng cao công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc theo tinh thần Nghị quyết TW 5 Khóa VIII "về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", để mọi người hiểu biết và tự giác thực hiện tích cực, hiệu quả và nghiêm túc. Coi trọng đạo đức lối sống cao đẹp và tôn trọng hiến pháp và pháp luật. Tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng dân cư dân tộc Mường nhận thức đúng đắn về giá trị văn hóa của Mo Mường trong nghi lễ tang ma, bao gồm Mo sử thi "Đẻ đất - Đẻ nước" và Mo Lên trời "Dẫn đường " hay quen gọi là Mo lên trời.

Bên cạnh đó cần chú trọng công tác bồi dưỡng nguồn lực. Theo nghệ nhân Bùi Hồng Nhi, không giống với các nghề truyền thống khác, thầy Mo được truyền nghề từ đời này sang đời khác (đời cố truyền đời ông, đời ông truyền đời cha, đời cha truyền đời con) gọi "Nổ Xân Sư" còn gọi là "Nổ Mo Mường", những người học theo (không có nổ) thì gọi là đạo tràng (Ông Mo phụ). Do vậy muốn có những người làm Mo tốt trước hết phải bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện chính ngay thế hệ thầy Mo hiện tại để họ có đầy đủ kiến thức về văn hóa, lý luận chính trị, tư tưởng cách mạng và tư duy khoa học. Có như vậy mới đáp ứng được mục đích, yêu cầu của Thầy Mo hiện nay.

Nghệ nhân Bùi Hồng Nhi cho rằng, để làm được điều đó trước mắt cần tập trung vào công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, nâng cao nhận thức tư tưởng, lý luận chính trị, nêu cao vai trò, trách nhiệm của Ông Mo để góp phần gìn giữ và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống dân tộc.

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới: Bài 2: Gìn giữ, bồi đắp giá trị của Mo Mường - Ảnh 2.

Để bảo tồn Mo Mường, cần chú trọng công tác bồi dưỡng nhân lực- các ông Mo

Đẩy mạnh quảng bá

Trong thời gian gần đây, tỉnh Hòa Bình đẩy mạnh việc quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương, trong đó có Mo Mường để phục vụ phát triển du lịch. Người ta đã tiến hành biểu diễn Mo trên sân khấu trong một số lễ hội như tại lễ hội Khai hạ Mường Bi. Việc làm này góp phần bảo tồn và quảng bá Mo Mường Hòa Bình nhưng đôi khi Mo được phục dựng trên sân khấu quá vội vàng, mang tính trình diễn, khiến người xem không thấy được niềm cộng cảm thiêng liêng của những người sống trước sự ra đi vĩnh viễn của mỗi cá nhân trong cộng đồng được biểu hiện trong quá trình thực hành Mo. Việc sân khấu hóa Mo, đưa vào Mo một số nội dung có tính chất hiện đại và trình diễn Mo bằng các thiết bị âm thanh, ánh sáng đã làm nhạt đi tính biểu tượng, tính thiêng của nghi lễ Mo truyền thống.

Bên cạnh đó là xu hướng phục hồi một số hủ tục và thương mại hóa trong quá trình tổ chức thực hành Mo Mường. Hiện nay, theo quy định của pháp luật Nhà nước và quy định của các địa phương ở Hòa Bình, tang lễ thường chỉ được tiến hành một đêm Mo. Tuy nhiên, một số gia đình khá giả, con cái thành đạt vẫn mời ông Mo về làm Mo cho cha (mẹ) trong hai đến ba đêm. Nhiều gia đình tổ chức Mo cho cha (mẹ) lúc qua đời khá hoành tráng. Họ giết nhiều trâu, bò, lợn để cúng cơm, mời họ hàng và người dân trong bản Mường ăn uống. Việc làm này một phần xuất phát từ tâm lý muốn tỏ lòng hiếu kính với cha (mẹ) nhưng cũng một phần do tâm lý "chơi trội" để lấy thể diện với cộng đồng.

Những chuyển biến trong đời sống kinh tế đất nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng đã tác động không nhỏ đến sự biến đổi của Mo Mường Hòa Bình.

Bà Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết: Mo Mường đến nay đã được xác định là di sản văn hóa phi vật thể "đang sống" và là biểu đạt sống do tổ tiên ông cha truyền lại cho con cháu. Vì thế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của Mo Mường rất quan trọng. Các tỉnh, thành phố tham gia xây dựng hồ sơ cần tiến hành khảo sát, kiểm kê chính xác về những hoạt động thực hành Mo Mường, số nghệ nhân Mo Mường để từ đó có phương thức bảo tồn, phát huy một cách khoa học, bền vững.

Để Mo Mường trở thành Di sản văn hóa thế giới: Bài 2: Gìn giữ, bồi đắp giá trị của Mo Mường - Ảnh 3.

Thầy Mo thực hiện nghi thức trong lễ cúng

Đồng thời, cần tập hợp nghệ nhân, tiến tới vận động thành lập các câu lạc bộ về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Mo Mường tại địa bàn các xã, huyện; nghiên cứu chính sách đãi ngộ đối với các nghệ nhân nắm giữ di sản Mo Mường, xem xét lập hồ sơ công nhận nghệ nhân ưu tú theo quy định. Bên cạnh đó, giải pháp quan trọng là phải tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa của Mo Mường để nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội; lựa chọn, đưa một số nội dung trình diễn văn hóa Mo Mường vào các chương trình, sự kiện của tỉnh nhằm quảng bá sâu rộng về di sản văn hóa Mo Mường.

Cũng theo bà Bùi Thị Niềm, hiện tỉnh Hòa Bình có các câu lạc bộ thực hành mo Mường ở huyện Tân Lạc và huyện Lạc Sơn. Ngành giáo dục tỉnh đang triển khai phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng đề án đưa mo Mường tích hợp giảng dạy trong các trường học góp phần gìn giữ, phổ biến di sản mo Mường cho học sinh, giúp các em hiểu thêm những giá trị nhân văn trong mo Mường, về phong tục, truyền thống đạo lý tốt đẹp của con người Hòa Bình, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan khẳng định, Mo Mường có một vị trí, chức năng xã hội đặc biệt mà các hình thức tín ngưỡng khác không có, không thể thực hành được, đó là chức năng thực hành nghi lễ tang ma. Vậy nghiên cứu Mo Mường phải lấy Mo tang lễ làm điểm tựa, làm trọng tâm nghiên cứu. Từ đấy sẽ thấy được sự lan tỏa của nó sang các hình thức thực hành các nghi lễ Mo Mường khác như: Mo mát nhà, Mo mừng thọ, Mo cầu phúc...

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ