• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Đề nghị tháo gỡ ngay các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và xã hội

Thời sự 09/12/2024 16:34

(Tổ Quốc) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo vừa được Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến sẽ thông qua vào Kỳ họp thứ 9. Sau khi được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu nhằm rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) bày tỏ quan tâm đến nội dung về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được quy định tại dự thảo Luật, đặc biệt về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người chuyển tải quảng cáo…

Đề nghị tháo gỡ ngay các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và xã hội - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông)

Đại biểu cho biết, khoản 8 Điều 2 của dự thảo Luật quy định: “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người trực tiếp quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hoạt động của mình trên mạng xã hội, trong sản phẩm quảng cáo hoặc thông qua hình thức mặc, treo, gắn, dán, vẽ hoặc các hình thức tương tự”.

Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu rà soát, điều chỉnh, bổ sung khái niệm “người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì quy định về người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên mạng xã hội” là phạm vi còn nhỏ hẹp, chưa đầy đủ. Trên thực tế có thể thấy, quảng cáo hiện nay nổi bật 2 xu hướng là quảng cáo trên truyền hình và quảng cáo trên internet.

Đối với quảng cáo trên truyền hình, nữ đại biểu cho biết, nhiều năm qua, truyền hình đã trở thành phương tiện thông tin không thể thiếu trong mỗi gia đình, trở thành một loại hình tương tác hai chiều với phạm vi tác động rất rộng và khả năng hội tụ công chúng một cách đông đảo.

Chính vì thế, đây là hình thức mà các nhà sản xuất, doanh nghiệp quảng cáo quan tâm, lựa chọn đầu tiên trong chiến lược quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng. Khái niệm tại dự thảo Luật hiện chưa đề cập phạm vi “trên truyền hình” này.

Đối với hình thức quảng cáo trên internet, quảng cáo thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, Instagram,.…hiện đang phát triển rất mạnh ở nước ta. Điều đó có nghĩa là quảng cáo trên internet có sự tương tác cao, tạo cơ hội cho các nhà quảng cáo nhắm chính xác vào khách hàng của mình, tiến hành quảng cáo theo đúng sở thích và thị hiếu của người dân. Xét về tính chất, đặc điểm thì mạng xã hội là một trong những ứng dụng được sử dụng trên nền tảng internet.

Do đó, đại biểu cho rằng, sử dụng khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có hoạt động “trên internet” sẽ khái quát hơn. Việc mở rộng phạm vi “trên mạng xã hội” thành “trên internet” cũng phù hợp với định nghĩa tại khoản 1 Điều 23 dự thảo Luật: “Hoạt động quảng cáo trên mạng bao gồm: Quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến, thiết bị quảng cáo, sử dụng phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối, các thiết bị viễn thông khác có kết nối mạng viễn thông, mạng internet”…

Đặc biệt đại biểu đề nghị xem xét lại tiêu đề của Điều 15a về “Quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo” vì các nội dung quy định tại Điều 15a là nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo chứ không nhắc đến quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quyền và lợi ích hợp pháp của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo như: Quyền được doanh nghiệp, nhà sản xuất thuê làm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm quảng cáo…

Tại khoản 2 Điều 15a quy định người chuyển tải sản phẩm quảng cáo: “Chịu trách nhiệm liên đới trong trường hợp nội dung quảng cáo không bảo đảm các yêu cầu theo quy định tại Luật này”.

Về nội dung này, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét lại tính hợp lý và khả thi, bởi người chuyển tải sản phẩm quảng cáo được thuê với mức thù lao như ngày công lao động thông thường để mặc trang phục, đi diễu hành nhằm gây sự chú ý, từ đó đạt được mục đích quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất, kinh doanh, thì những người này không đủ chuyên môn và trình độ, điều kiện để kiểm tra sản phẩm quảng cáo.

Đề nghị tháo gỡ ngay hoặc trong thời hạn 12 giờ đối với các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến người, quyền lợi người tiêu dùng và xã hội

Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá nội dung dự thảo Luật và các Báo cáo đã được chuẩn bị rất công phu, chi tiết. Quan tâm đến nội dung quy định về quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa đặc biệt, đại biểu bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải đảm bảo quản lý đối với các sản phẩm, dịch vụ đặc biệt như: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…

Đề nghị tháo gỡ ngay các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng và xã hội - Ảnh 2.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần cân nhắc việc liệt kê chi tiết các sản phẩm đặc biệt trong dự thảo Luật, vì các sản phẩm này thường xuyên biến động và có yếu tố chuyên môn cao. Thay vào đó, nên đưa ra cách thức quy định linh hoạt để có thể điều chỉnh khi cần thiết.

Liên quan đến nội dung về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo, dự thảo Luật đang đề xuất nâng diện tích công trình quảng cáo từ 20m2 lên 40m2 để giảm thủ tục hành chính. Về nội dung này, đại biểu đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng, vì các công trình quảng cáo lớn có thể tiềm ẩn nguy cơ về mất an toàn, đặc biệt là kết cấu khung kim loại gắn với công trình xây dựng cao tầng.

Đại biểu cho rằng, việc xử lý quảng cáo vi phạm một cách nhanh chóng, nhằm ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực đến người tiêu dùng và xã hội là rất quan trọng. Vì tốc độ lan truyền internet hiện nay rất nhanh và rất rộng.

“Do đó, tôi đề xuất xem xét bổ sung quy định về thời hạn xử lý quảng cáo vi phạm là phải tháo gỡ ngay hoặc là 12 giờ đối với các quảng cáo có nội dung ảnh hưởng nghiêm trọng đến người, quyền lợi người tiêu dùng và xã hội. Ví dụ như quảng cáo có tính chất kích động bạo lực, gian lận, lừa đảo, quảng cáo các sản phẩm cấm …”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần phải bổ sung thêm chế tài cụ thể như thông báo công khai hoặc phạt thật nặng với những tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng thời hạn hoặc có vi phạm nhiều lần./.

Thế Công - Xuân Trường

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ