(Tổ Quốc) - Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung...Tuy nhiên, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích vẫn còn nhiều khó khăn đòi hỏi sự chung tay giám sát của nhân dân.
- 27.06.2024 1 năm thực hiện quản lý tiền công đức: Cả nước thu 4.100 tỉ đồng
- 14.04.2023 Nhóm thanh niên dùng Google map tìm đền chùa để trộm két sắt, hòm công đức
- 28.01.2023 Quy định mới về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức
- 16.12.2022 Quản lý lỏng lẻo, cụm di tích Gia Thượng (Hà Nội) bị mất gần 6 tỷ đồng tiền công đức
Hướng tới công khai, minh bạch
Sau 1 năm thực hiện Thông tư số 04/2023/TT-BTC (Thông tư 04), Bộ Tài chính đã có báo cáo kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023. Theo đó, tổng số tiền thực thu là 4.100 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo. Đồng thời còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở di tích không báo cáo.
Trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung.
Nguồn thu công đức, tài trợ tại các di tích ngoài sử dụng cho tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội, còn đóng góp tích cực cho các hoạt động cộng đồng, gồm: Hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em mồ côi không nơi nương tựa; ủng hộ xây nhà cho hộ nghèo, làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng. Tiêu biểu là di tích Miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang: số thu công đức, tài trợ năm 2023 là 220 tỷ đồng, đã sử dụng 93 tỷ đồng (42%) để chi cho các hoạt động cộng đồng.
Việc tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức lễ hội đã tạo sức hấp dẫn đối với du khách, là nguồn tài nguyên hình thành các điểm du lịch, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng, đồng thời là điều kiện để thực hiện thu phí tham quan theo quy định tại Điều 60 Luật Di sản văn hóa. Năm 2023 có 18 địa phương thu phí tham quan tại 37 di tích, tổng số thu phí 1.015 tỷ đồng ; nguồn thu này trích 499 tỷ đồng chi phí cho công tác thu phí, còn lại 516 tỷ đồng nộp ngân sách địa phương, được sử dụng cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tu bổ các di tích trên địa bàn.
Việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích đã và đang có sự chuyển biến tích cực theo hướng công khai, minh bạch kể từ khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04 ngày 19/01/2023.
Tại các di tích tuy có sự khác nhau về loại hình, về quy mô cũng như chủ thể quản lý nhưng có điểm chung là người đại diện hoặc ban quản lý di tích đã thể hiện tinh thần trách nhiệm trong việc tiếp nhận, kiểm đếm và quản lý thu chi, bảo đảm công khai, minh bạch. Tiêu biểu là tại di tích quốc gia Đền Chợ Củi ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh: từ năm 2015-2023, địa phương thực hiện giao khoán thu tiền công đức cho hộ gia đình theo mức 2,5 tỷ đồng/năm; từ năm 2024 thực hiện quản lý theo Thông tư số 04, số thực thu trong 02 tháng đầu năm đã hơn 4,3 tỷ đồng, cao hơn mức khoán cả năm 1,7 lần.
Việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh, được nhiều người lựa chọn như một thói quen khi đến di tích, dễ nhận thấy ở một số di tích như: Đền Voi Phục và Đền Quán Thánh ở quận Ba Đình, Hà Nội; Đền Cửa Ông ở Quảng Ninh; Đền Hùng ở Phú Thọ; Đền Bảo Hà ở Lào Cai; Đền Chợ Củi ở Hà Tĩnh… Từ năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thí điểm "cúng dường" qua ví điện tử tại một số chùa ở Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Cần Thơ, được các chùa ủng hộ và đông đảo tín đồ đón nhận.
Việc lần đầu tiên thực hiện kiểm tra tổng thể về quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc, thời gian kiểm tra vào dịp sau Tết Nguyên đán năm 2024 và mùa lễ hội diễn ra trong cả nước đã giúp cho các địa phương có cơ sở thực tiễn để đánh giá toàn diện về hoạt động này.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm bằng hành động
Sau tổng kiểm tra, Bộ Tài chính nêu một số bài học rút ra trong đó có trách nhiệm của các địa phương, nhân dân và Ban quản lý di tích. Trong đó, người đại diện hoặc ban quản lý di tích cần mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch. Công đức là dựa vào niềm tin. Tổ chức, cá nhân tự nguyện công đức, tài trợ có thể không quan tâm tới mục đích sử dụng, nhưng người tiếp nhận và sử dụng số tiền đó cần phải công khai, minh bạch. Sự công khai, minh bạch sẽ làm cho niềm tin đó được bền vững, nguồn tài chính đóng góp cho di tích sẽ tốt hơn.
Trường hợp chưa mở tài khoản tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước thì cần thực hiện ngay để bảo đảm việc quản lý an toàn. Hiện nay, thanh toán không dùng tiền mặt không còn xa lạ, đang trở thành thói quen của mọi người, thì việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản là bình thường, vừa văn minh vừa dễ dàng kiểm soát, không cản trở hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo.
Quản lý chặt chẽ các khoản tiền đã tiếp nhận, bao gồm tiền trong hòm công đức; đối với tiền mặt tạm thời chưa sử dụng cần gửi kịp thời vào tài khoản để bảo đảm việc quản lý an toàn, hạn chế thiệt hại do hành vi trộm cắp. Trường hợp ban quản lý di tích đang giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm hoặc cho vay cần thực hiện thu hồi ngay để quản lý theo tài khoản của ban quản lý.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Xuân Đính, chuyên gia nghiên cứu về dân tộc học và lịch sử địa phương, cho biết, trước khi Thông tư 04 ra đời, cơ chế quản lý tiền công đức còn lỏng lẻo, thiếu thống nhất, mỗi nơi có cách quản lý khác nhau. Hệ lụy là nhiều nơi trục lợi tiền công đức, sử dụng vào những việc cá nhân gây bức xúc trong dư luận.
"Sau 1 năm thực hiện Thông tư số 04 và tổng kiểm tra trên toàn quốc, lần đầu tiên, các khía cạnh về quản lý thu chi tài chính trong hoạt động lễ hội, trong phục dựng, tu bổ di tích được quy định thành văn bản pháp luật, tương đối cụ thể, với từng loại hội, loại di tích, loại tài chính, là cơ sở để hướng tới sự công khai, dân chủ trong việc quản lý nguồn thu - chi trong các di tích, trong hội, tránh tình trạng nhập nhèm"- PGS. TS Bùi Xuân Đính chia sẻ.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính, ngoài quản lý đầu vào bằng công khai, kê khai, thì phải quản lý cả đầu ra của tiền công đức. Các khoản tiền công đức, đóng góp thường được các cơ sở thờ tự, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng sử dụng vào năm mục đích chính như nuôi bộ máy hành chính, để tu sửa, nâng cấp kiến trúc, mua trang thiết bị, vật tư, đồ tế lễ. Tiền công đức cũng dùng để tổ chức các hội nghị, hội thảo và tài trợ, giúp đỡ những đồng bào nghèo đói, lũ lụt và một số hoạt động khác.
PGS. TS Bùi Xuân Đính cho rằng, hoạt động công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa gắn liền với đời sống tinh thần của người Việt Nam, là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Để Thông tư 04 đạt hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền, cộng đồng. Vì vậy, mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phải nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình và thể hiện bằng những hành động cụ thể.
Công đức, tài trợ cho tu bổ, tôn tạo di tích và hoạt động lễ hội là nét văn hóa mang ý nghĩa đẹp. Để sự đóng góp đó được trọn vẹn ý nghĩa, phát huy hiệu quả và đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, mỗi người dân, khi trao tiền công đức, tài trợ hãy thực hiện bằng cách trao trực tiếp cho người đại diện di tích tại bàn ghi công đức, đặt vào hòm công đức hoặc chuyển vào tài khoản của cơ sở di tích. Không đặt tiền lên ban thờ, trên mâm lễ, không gài tiền vào tay tượng, giá chuông, khe cửa… vì như vậy sẽ làm mất đi nét đẹp vốn có của hoạt động công đức, tài trợ./.