(Tổ Quốc) - Sự việc đang gây xôn xao dư luận mới đây khi bà Dương Thị Du – thủ quỹ Tiểu ban di tích cụm Gia Thượng ra công an trình báo bị lừa mất số tiền 5,6 tỷ đồng. Đây là số tiền do nhân dân địa phương và thập phương công đức nhiều năm nay.
- 03.06.2021 Góp ý dự thảo Thông tư quản lý tiền công đức
- 30.03.2020 Bộ Tài chính lấy ý kiến về quản lý tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội
- 16.03.2018 Có hay không chuyện mất tiền công đức ở chùa Tây Thiên?
- 18.01.2013 Mùa lễ hội 2012: gần 300 tỷ đồng tiền công đức
- 22.03.2012 Tiền công đức phải quay lại phục vụ tôn giáo tín ngưỡng
Một thủ quỹ đứng tên toàn bộ tiền công đức
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Lê Thị Hạnh – 83 tuổi, một thành viên trong Tiểu Ban quản lý cụm di tích Gia Thượng (gọi tắt là Tiểu Ban quản lý- BQL) cho biết, vừa qua bà Dương Thị Du, sinh năm 1953 (hộ khẩu thường trú tại: Tổ 20 Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP. Hà Nội) là thủ quỹ Đền Rừng, kiêm Tổ phó Tổ dân phố số 20 đã ra trình báo Công an phường Ngọc Thụy về việc bị lừa 5,6 tỷ đồng. Trong đơn trình báo, bà Du nói bị một đối tượng giả danh đại tá công an gọi điện đến đe dọa khiến bà sợ hãi. Theo đó, bà Du đã ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền trong các sổ tiết kiệm, vốn là tiền công đức của cụm di tích Gia Thượng trị giá 5,6 tỷ đồng rồi chuyển vào tài khoản cá nhân, dẫn đến bị lừa toàn bộ số tiền này.
Ông Lê Đình Hải, sinh năm 1957, là Tổ trưởng tổ dân phố 20 kiêm Trưởng tiểu Ban quản lý cụm di tích Gia Thượng (trong đó có Đền Rừng) xác nhận với phóng viên việc 5,6 tỷ đồng tiền công đức bị Thủ quỹ Du báo mất.
Chia sẻ với chúng tôi về việc kiểm kê tiền công đức, bà Lê Thị Hạnh cho biết: "Hàng tháng, Tiểu ban quản lý gồm 6 người đều thực hiện mở hòm công đức, kiểm được bao nhiêu tiền sẽ lập biên bản và đưa thủ quỹ mang đi gửi. Chúng tôi không biết phải có nhiều người cùng đi gửi mà chỉ có một mình thủ quỹ Du mang đi gửi. Khi thủ quỹ thông báo là bị lừa hết số tiền công đức, chúng tôi chưa rõ nguyên nhân như thế nào, cơ quan chức năng vẫn đang điều tra".
"Bây giờ số tiền không còn nữa, còn không biết mất hay không chúng tôi chưa được biết. Chúng tôi mong muốn công an vào cuộc tìm nhanh, sự thật như thế nào để trả lời cho người dân địa phương"- bà Lê Thị Hạnh cho biết thêm.
Sự quản lý lỏng lẻo ở đây là, trong Tiểu Ban quản lý cụm di tích Gia Thượng có Trưởng tiểu ban quản lý, có quản lý Đền, kế toán, thủ quỹ quản lý việc thu chi nhưng khi mang một số tiền lớn như vậy gửi ngân hàng thì lại chỉ một mình bà Dương Thị Du đứng tên tất cả các sổ tiết kiệm.
Sau sự việc này, ông Lê Đình Hải thừa nhận đây là thiếu sót của tiểu BQL cụm di tích Gia Thượng cũng như của BQL Đền Rừng.
Ông Lê Đình Hải chia sẻ thêm: "Ngay sau đó lãnh đạo 4 tổ dân phố thuộc Gia Thượng và BQL đã họp để xác định số tiền hiện nay bà Du cầm là bao nhiêu? Trong 5,6 tỷ bà Du làm mất thì có 5.466.000.000 đồng là của Đền Rừng, tiền công đức của Đình là hơn 500 triệu. Còn một sổ tiết kiệm 80 triệu chưa rút, trái phiếu trị giá 120 triệu và tiền mặt hơn 150 triệu thì bà Du đã nộp trả lại cho Tiểu BQL, đồng thời bị yêu cầu tạm dừng vai trò thủ quỹ để chờ kết luận điều tra".
"Cuộc họp cũng xác định, hiện nay vẫn chưa biết có đúng bà Du bị mất 5,6 tỷ đồng là do bị lừa đảo hay không nhưng tiền công đức bị mất là sự thật. Vì thế, bà Du sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên cho Tiểu BQL"- ông Lê Đình Hải nói.
Sự việc gây thất thoát tiền công đức gây nhiều sự bức xúc trong người dân ở đây. Không đồng tình với cách quản lý tiền công đức dẫn đến bị mất quá dễ dàng, ngày 18/11 bà Lê Thị Bạch Liên, 82 tuổi (thường trú tại Tổ 17 Gia Thượng, đã đại diện người dân làm đơn gửi lên Công an phường Ngọc Thụy và quận Long Biên đề nghị điều tra làm rõ, tại sao tiền công đức của Đền lại được một cá nhân đứng tên và rút ra dễ dàng như vậy mà BQL không hề hay biết cho đến khi chính bà Du trình báo?
Là một thầy đồng từng có nhiều đóng góp cho Đền Rừng từ khi Đền còn rất đơn sơ và ít người biết, cho đến khi Đền đã trở nên khang trang hơn, bà vẫn phát tâm công đức. Vì thế, để xảy ra câu chuyện hiện nay, bà Trần Đức Thịnh không khỏi bức xúc: "Qua chuyện này chúng tôi đề nghị cải tổ lại cách thức quản lý Đền, quản lý tiền công đức của Đền Rừng, chứ để như hiện nay là rất lỏng lẻo, sơ hở và không đúng với quy trình quản lý, giám sát. Đây là tiền của dân đóng góp, nếu không có cách thức quản lý minh bạch và giám sát chéo thì người dân làm sao tham gia đóng góp cũng như tin tưởng tiền mình công quả được sử dụng đúng mục đích? Đền Rừng là di tích lịch sử văn hóa tâm linh lâu đời, không chỉ của làng Gia Thượng mà cao hơn là của thành phố, của cả nước nói chung thì cách thức quản lý phải là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo chứ không thể ai muốn làm cũng được".
Siết chặt quản lý
Xác nhận với chúng tôi, ông Hoàng Văn Lực – Chủ tịch phường Ngọc Thuỵ, quận Long Biên cho biết: "Hiện phường đang tiến hành kiểm tra vụ việc để xem xét trách nhiệm của những người liên quan. Thẩm quyền của phường đến đâu chúng tôi xử lý theo trách nhiệm đến đó.
Trước đó chúng tôi đã có cuộc làm việc với Tiểu ban quản lý, yêu cầu Trưởng tiểu ban là ông Lê Đình Hải có báo cáo giải trình, từ công tác quản lý, công tác điều hành, thu chi tài chính từ năm 2020 đến nay. Giải trình cả việc gửi tiền ngân hàng thế nào, rút tiền ra sao.
Ngày 14/12, chúng tôi đã gửi văn bản đến Tiểu ban quản lý yêu cầu có báo cáo giải trình kèm theo các hồ sơ minh chứng. Sau khi có báo cáo và hồ sơ của Tiểu ban quản lý, trên cơ sở đó chúng tôi sẽ lập đoàn kiểm tra quá trình thu chi ở Tiểu ban quản lý. Bước tiếp theo sẽ phối hợp với Công an phường Ngọc Thụy điều tra về việc mất tiền như thế nào? Từ đó mới có thể xác định lỗi vi phạm của tập thể, của cá nhân đến đâu để có hình thức xử lý về mặt chính quyền. Về mặt pháp luật, có khởi tố hay không thì cơ quan công an sẽ xem xét ra quyết định.
Trước mắt, phường sẽ có đánh giá sơ bộ về sự việc ở Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng. Sau đó nếu thấy đủ cơ sở, chúng tôi sẽ có quyết định tạm đình chỉ hoặc không cho tham gia Tiểu ban quản lý với cá nhân liên quan, chứ không phải toàn Tiểu ban"- ông Hoàng Văn Lực cho biết.
Liên quan đến số tiền công đức khá lớn gần 5,5 tỷ đồng lại dễ dàng để một cá nhân đứng tên, ông Hoàng Văn Lực thừa nhận đây là kết quả của quá trình quản lý lỏng lẻo ở Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng.
"Việc để cho một cá nhân đứng tên gửi tiền công đức ở ngân hàng là không đúng quy định về quản lý nhà nước. Nếu Tiểu ban quản lý cho phép vận hành như vậy thì sẽ xem xét trách nhiệm của cả Tiểu ban chứ không riêng gì cá nhân, trong đó Trưởng ban là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Một người không biết nhưng không thể cả Tiểu ban không biết. Tiền tập thể tại sao lại đưa một cá nhân nắm giữ? Tôi nói với ông Trưởng tiểu ban Lê Đình Hải rằng: Trong trường hợp không xảy ra chuyện mất tiền như vừa qua, nhỡ người đứng tên có vấn đề gì thì làm sao chứng minh đây là tiền của Tiểu ban quản lý? Đây là sai sót rất nghiêm trọng. Tới đây, sau khi làm việc và xác định trách nhiệm cụ thể, trên cơ sở đó sẽ ra quyết định khiển trách, cảnh cáo cả Tiểu ban quản lý di tích. Nếu cần thiết sẽ thay nhân sự ở Tiểu ban quản lý cụm di tích Gia Thượng"- ông Hoàng Văn Lực khẳng định.
Chủ tịch phường Ngọc Thụy cho biết thêm: "Tôi mới về nhận nhiệm vụ ở UBND phường được mấy tháng, cũng đã vào cuộc để kiểm tra và thấy cách quản lý ở Tiểu ban quản lý và các di tích trên địa bàn có nơi còn chưa được bài bản, chặt chẽ. Trên cơ sở đó chúng tôi đang chấn chỉnh lại tất cả ở đình, đền, chùa, di tích trên địa bàn".