• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Để trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet

Văn hoá 15/12/2022 14:36

(Tổ Quốc) - Tình trạng trẻ nghiện game online đang khá phổ biến và đã trở thành vấn đề phức tạp. Để giải quyết vấn nạn này, cần sự đồng hành với trẻ em của cha mẹ và xã hội khi chỉ có 10% trẻ em Việt Nam có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet.

Tác hại khôn lường của game online

Theo khảo sát của Trung tâm VNCERT/CC (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ TT&TT) Việt Nam là đất nước có tỷ lệ người dùng Internet khá lớn, đứng thứ 13 thế giới, chiếm khoảng 73,2% dân số. Việt Nam đang có khoảng 24,7 triệu dân là trẻ em (chiếm gần 25% dân số), trong đó 2/3 trẻ em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet.

Theo báo cáo của Tổ chức UNICEF công bố vào ngày 03/08/2022 vừa qua, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay.

Để trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet - Ảnh 1.

82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhu cầu sử dụng internet để học tập, giải trí, giao tiếp… ngày càng tăng lên. Điều này được đánh giá là gia tăng những rủi ro đối với người sử dụng, đặc biệt là trẻ em. Khi mạng internet xuất hiện mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống của một đứa trẻ, đáp ứng tất cả các nhu cầu từ học tập, giải trí, giao lưu kết bạn… đồng nghĩa nguy cơ trẻ bị xâm hại trên mạng càng cao. Nguy hiểm rình rập, nhưng rất ít trẻ được trang bị kỹ năng an toàn thông tin, để biết cách tự bảo vệ mình trên mạng.

Số liệu của Tổ chức Y tế Thế giớ( WHO) cho biết, hiện có tới 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.

Còn theo khảo sát của tổ chức Plan International Việt Nam, chỉ có 10% trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet.

Cùng với những nguy cơ bị xâm hại trên môi trường mạng, trẻ em cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chứng "nghiện" game online.

Các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, một bộ phận giới trẻ Việt Nam bị nghiện game làm ảnh hưởng tới học hành, phát triển lành mạnh về cả về thể chất và tinh thần. Một trong những nguyên nhân của việc trẻ nghiện game đến từ sự thiếu sự quan tâm, giám sát từ phía gia đình, nhà trường.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia năm 2021, mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhân tới viện khám và điều trị các bệnh lý liên quan tới sức khỏe tâm thần, từ mất ngủ, rối loạn trí nhớ, tâm thần phân liệt cho tới trầm cảm, mà nguyên nhân chính là do nghiện chơi game. Đặc biệt, WHO năm 2019 cũng đã chính thức bổ sung chứng nghiện trò chơi điện tử vào danh sách các bệnh lý tâm thần và thuộc nhóm những rối loạn hành vi do có tính nghiện ngập cần được kiểm soát.

Tác hại của game thậm chí nguy hiểm hơn cả ma túy. Nghiện game tạo ra tư tưởng hiếu thắng, ăn thua, cay cú, những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên hết cả bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè… điều này cực kỳ nguy hiểm”. Lúc này, máy tính, điện thoại, thiết bị công nghệ đã trở thành chủ thể chủ động, còn con người lại rơi vào thế bị động và mất kiểm soát.

Chơi game, nghiện game khiến người chơi có nhiều cảm xúc bị dồn nén, ảnh hưởng tâm lý do các tình huống trong game tác động trực tiếp vào não bộ người chơi. Trò chơi game được xây dựng với nhiều tình huống mang tính chất bạo lực hoặc nặng về sex. Tác động vào trí não, người chơi cảm nhận hành vi giết chóc, bạo lực là bình thường.

Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CyberPurify – một doanh nghiệp công nghệ đang cung cấp giải pháp hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên mạng, cho hay: Việc trẻ bị nghiện game online đang là mối lo chung của nhiều bậc cha mẹ.

Bên cạnh các hệ lụy như rối loạn giấc ngủ và thị giác thì nghiện game còn gây ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe tinh thần như trẻ mất tập trung, giảm trí nhớ, ảo giác.

“Đặc biệt, nghiện game online khiến trẻ dễ bị ám thị bởi những chiến thắng “ảo”, các vật phẩm, sự hào quang và ngưỡng mộ của mọi người với nhân vật của mình. Tình trạng này có thể tạo ra tính cách hiếu thắng, thiếu kỹ năng kiểm soát cảm xúc, hành vi và dễ hình thành những quan niệm lệch lạc, không phù hợp với xã hội”, đại diện CyberPurify chia sẻ.

Dạy con cách kiểm soát

Cũng theo bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, nghiện game không khó để phòng tránh, nhưng khi trẻ đã rơi vào “vòng xoáy” game online thì phụ huynh sẽ tương đối khó khăn để giúp con cai nghiện bởi “càng bị cấm trẻ càng cố tìm mọi cách để được chơi game”.

Để trẻ em có kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet - Ảnh 2.

Hãy dạy con cách thức để con có thể kiểm soát được thời gian vào mạng và chơi game, đừng để game kiểm soát con (ảnh minh họa vitreem.baodansinh.vn)

Theo PGS. TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN, cha mẹ không thể bắt con tuyệt giao với công nghệ và Internet. Nhưng yếu tố quan trọng nhất ở đây là sự kiểm soát. Hãy dạy con cách thức để con có thể kiểm soát được thời gian vào mạng và chơi game, đừng để game kiểm soát con. Có thể đây là thời điểm để đưa ra các nguyên tắc mới trong gia đình về thời gian tối đa dùng mạng của mỗi thành viên; những khoảng thời gian không vào mạng, không dùng thiết bị công nghệ để dành cho tương tác tình cảm thực.

Bên cạnh đó, PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, yếu tố quan trọng thứ hai là “tính hữu ích”. Nếu như nghiện video game trước đây không giúp ích gì cho cá nhân trong những kỹ năng của cuộc sống thực thì bây giờ có nhiều doanh nghiệp công nghệ giáo dục đang vào cuộc, tạo ra nhiều game giáo dục có chất lượng. Cha mẹ cần tái định hướng sự hứng thú chơi game của con vào các game giáo dục; thay vì để cho con chơi game, hãy tạo môi trường và khuyến khích con tạo ra các game có ý nghĩa để kết nối tri thức với cuộc sống.

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu không được can thiệp kịp thời, nghiện game sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng với trẻ em và thanh thiếu niên. Vì vậy, cha mẹ nên có những điều chỉnh hoặc can thiệp kịp thời trong trường hợp trẻ bị phụ thuộc vào game online.

Thảo luận với con về hậu quả của nghiện game

Trẻ trong độ tuổi vị thành niên thường nhạy cảm. Do đó, cha mẹ cần khéo léo trong việc lựa chọn thời điểm cũng như lời nói để con lắng nghe, thấu hiểu và tránh phản ứng chống đối.

Ngoài ra, cha mẹ nên tìm kiếm những bài báo, tài liệu đáng tin cậy để minh chứng cho trẻ rằng, chơi game online quá độ sẽ gây ra nhiều hậu quả cho chính bản thân trẻ.

Dành nhiều thời gian ở bên cạnh con

Khi ở bên cạnh con, cha mẹ có thể kiểm soát thời gian chơi game và hiểu hơn về tâm lý và mong muốn của trẻ. Qua đó giúp trẻ cảm nhận được tình cảm của cha mẹ, cũng như học hỏi từ những thói quen tốt của người lớn.

Tham gia vào các hoạt động thể chất

Cha mẹ nên cùng con tham gia các trò chơi ngoài trời hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với lứa tuổi như đá bóng, bơi lội, đánh cầu lông, đạp xe, chạy bộ… Để con có hứng thú, cha mẹ và anh chị em trong nhà nên tham gia cùng trẻ.

Cho trẻ giúp đỡ cha mẹ làm việc nhà

Cha mẹ có thể đề nghị con phụ giúp các công việc đơn giản như chăm sóc cây cối, thú nuôi hoặc nấu nướng, rửa bát, dọn dẹp nhà cửa… Khi con hoàn thành tốt, nên khen ngợi và có thể thưởng cho con những phần quà nhỏ. Điều này sẽ khích lệ trẻ duy trì các hành vi tích cực và quên dần đi cảm giác hứng thú, phấn khích khi chơi game online.

Khuyến khích trẻ phát triển năng khiếu

Ngoài việc học trên trường, bố mẹ cũng cần khuyến khích con phát triển năng khiếu như thể dục thể thao, âm nhạc, mỹ thuật, làm đồ thủ công… Các hoạt động này giúp trẻ phát triển năng khiếu của bản thân và có khoảng thời gian giải trí, vui chơi lành mạnh thay vì chìm đắm trong các trò chơi trực tuyến.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ