(Tổ Quốc) - Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vào chiều 6/11, Đại biểu Quốc hội đã nêu thực trạng hàng hóa ở Việt Nam bị cài cắm bản đồ “đường lưỡi bò” trái phép.
- 06.11.2019 Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận có tình trạng "đội lốt" hàng Việt để xuất khẩu
- 06.11.2019 Thứ trưởng Bộ Công Thương: Rút giấy phép kinh doanh ô tô nếu doanh nghiệp không khắc phục vi phạm đường lưỡi bò
- 05.11.2019 Các Bộ tổng lực rà soát các nội dung liên quan tới bản đồ "đường lưỡi bò"
- 05.11.2019 Giảng dạy giáo trình in hình "đường lưỡi bò", Bộ GDĐT yêu cầu trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ khẩn trương làm rõ sai phạm
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay, có một thực trạng, Trung Quốc cố tình cài cắm hình ảnh "đường lưỡi bò" trái phép vào nhiều mặt hàng tại Việt Nam như quả địa cầu, màn hình xe ô tô.
Có thể thấy rằng, Trung Quốc đang chuyển hướng tuyên truyền những hình ảnh trái phép này vào hàng hóa ở Việt Nam. Nguy hiểm hơn, nhiều sản phẩm đã bán được ra ngoài thị trường mới phát hiện.
Đại biểu Hòa đặt câu hỏi, Bộ trưởng đã có giải pháp gì để rà soát về vấn đề này nhằm tránh những tuyên truyền sai trái vào người dân đặc biệt là thế hệ trẻ của Việt Nam. Trách nhiệm Bộ trưởng trong vấn đề này như thế nào?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đây là hiện tượng mới xuất hiện mặc dù đã có nhiều sản phẩm tương tự liên quan bị cài cắm "đường lưỡi bò" trái phép.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, các sản phẩm ô tô nhập khẩu có bản đồ "đường lưỡi bò" trái phép là vi phạm đến chủ quyền an ninh quốc gia.
Chính vì vậy, ngay sau khi phát hiện, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan tổ chức rà soát, kiểm tra.
Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô có "đường lưỡi bò" trái phép thì Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp thu hồi toàn bộ.
Đồng thời, quyết định tạm thời cho dừng giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô và kinh doanh tại Việt Nam cho đến khi thực hiện xong các yêu cầu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, để xảy ra tình trạng này thực tế đã có một lỗ hổng pháp lý mà các bộ, ngành cần phối hợp rà soát để không tái diễn hiện tượng này trong tương lai./.