(Tổ Quốc) - Trong cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, người Thái được coi là dân tộc có diện mạo, bản sắc riêng độc đáo. Những phong tục tập quán của đồng bào đáng được trân trọng, gìn giữ kế thừa và phát huy.
Trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, Thái là dân tộc có lượng cư dân đông đúc và nền văn hóa mang nhiều sắc thái tiêu biểu, riêng có. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đào Ngọc Lượng – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên để hiểu hơn về phong tục tập quán của người Thái đang sinh sống trên mảnh đất lịch sử hào hùng này.
Người Thái đã tạo dựng cho mình những phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng.
PV. Ông có thể cho biết, nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phong tục đón Tết của đồng bào?
Ông Đào Ngọc Lượng: Trên mảnh đất lịch sử Điện Biên, người Thái là một trong 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, chiếm 37,99% trong tổng số trên 55 vạn dân của tỉnh. Người Thái đã tạo dựng cho mình những phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng, cộng đồng người Thái ở Điện Biên gồm hai nhóm ngành là Thái Đen và Thái Trắng.
Ngôn ngữ của người Thái thuộc hệ ngôn ngữ Thái Ka đai, chữ viết thuộc hệ thống mẫu tự Sanscrit (từ Ấn độ). Dân tộc Thái có bề dày văn hóa được ghi chép qua các bộ sử thi dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, đáng chú ý là thơ ca dân gian với những Xống chụ xôn xao (tiễn dặn người yêu); Khun Lú, Nàng Ủa. Người Thái nổi tiếng với làn điệu khắp (hát) như khắp báo xao (hát nam nữ), khắp lôồng tôồng (hát ngoài đồng), khắp ca (khi chèo thuyền). Nét đặc sắc của văn hóa dân tộc Thái được biểu đạt trong sinh hoạt hàng ngày ở: Trang phục, nhà sàn, văn hóa văn nghệ, ẩm thực, lao động sản xuất và các nghi thức, lễ hội.
Trang phục: Nổi bật trong trang phục của người Thái là bộ váy áo của phụ nữ, gồm áo ngắn (xửa cỏm) được đính hàng khuy bạc hình bướm, ve, nhện... chạy trên đường nẹp ngực áo, bó sát thân.
Áo dài: thường được những người phụ nữ Thái mặc trong các dịp hội hè, đây là loại áo thụng, thân thẳng. Phụ nữ Thái trắng mặc áo dài có trang trí hoa văn với nhiều màu sắc, còn nhóm Thái đen lại dùng áo dài nhuộm chàm, không có hoa văn.
Váy: thường màu chàm, hình ống, kèm theo là thắt lưng giúp cho cạp váy giữ chặt eo bụng. Phụ nữ Thái đen sử dụng khăn (piêu) đội đầu, phụ nữ Thái trắng dùng nón (cup) đội đầu, trang trí thêm cho bộ trang phục còn có các loại vòng cổ, vòng tay, hoa tai, xá tích đeo bên hông. Trang phục của nam giới nói chung là đơn giản, gồm áo, quần, thắt lưng khăn, đội đầu, chủ yếu là màu chàm đen. Áo có kiểu áo ngắn và kiểu áo dài, Áo ngắn may bằng vải nhuộm chàm, xẻ ngực, cổ tròn, khuy áo tết nút vải, Áo dài được may từ vải chàm đen, kiểu xẻ tà, khuy cài lệnh bên sườn, thường được mặc trong các dịp lễ hội.
Nổi bật trong trang phục của người Thái là bộ váy áo của phụ nữ. Ảnh minh họa
Nhà ở: Người Thái ở nhà sàn, với nhiều dáng vẻ khác nhau, có nhà mái khum hình mai rùa, có nhà mái phẳng, hiên và các gian hồi có lan can, có mở cửa sổ, tường nhà thưng bằng gỗ hoặc tre nứa, mái được lợp bằng tranh, cọ, ngày nay được lợp bằng ngói, tôn.... Kiến trúc của ngôi nhà sàn ngày nay có nhiều thay đổi để phù hợp với việc sử dụng thay thế các loại vật liệu xây dựng tiên tiến, bền vũng hơn, tuy nhiên mặt bằng không gian sử dụng sinh hoạt bên trong ngôi nhà hầu như vẫn giữ nguyên, mặt sàn được chia thành hai phần: một phần dành làm nơi ngủ nghỉ của các thành viên, một nửa dành cho bếp và nơi tiếp khách.
Ẩm thực: Trong ẩm thực truyền thống, người Thái nổi tiếng với các món nướng, nộm, lạp, canh, mọ và xôi. Trong các món ăn, người Thái ưa sử dụng các loại gia vị như mắc khén, ớt, tỏi, gừng... để ướp đồ ăn trước khi chế biến theo những cách riêng. Xôi là món ăn truyền thống, xôi được đồ cách thủy bằng chõ gỗ, khi chín được tãi để bay hơi nước và đưa vào ép khẩu để giữ cơm thơm dẻo lâu, cơm lam cũng là cách chế biến độc đáo được người Thái làm để đãi khách trong các dịp lễ tết. Với người Thái thì việc sử dụng các nguyên liệu từ tự nhiên luôn được quan tâm ưu tiên, mùa nào thức nấy, tất cả đều trở thành những món ăn đặc trưng và hấp dẫn: măng đắng, măng ngọt, rau dớn, nấm hương... Đặc biệt, trong văn hóa ẩm thực của người Thái không thể thiếu rượu, rượu được người Thái tự ủ men và cất nấu để dùng và đãi khách.
Trong ẩm thực truyền thống người Thái rất nổi tiếng.
Văn hóa, văn nghệ - Nghệ thuật trình diễn dân gian: Người Thái đặc biệt nổi tiếng với các điệu Xòe: Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai, Xòe Hoa bên cạnh đó là các trò chơi dân gian truyền thống như: tung còn, đẩy gậy, kéo co, tó má lẹ, cờ phại... cũng rất nổi tiếng và thu hút. Người Thái thường tổ chức biểu diễn và thi đấu trong những dịp lễ hội vui chung của bản, của mường.
Các nghi thức và lễ hội: Với quan niệm đa thần và tục thờ cúng tổ tiên, trong đời người, người Thái có rất nhiều nghi thức thờ cúng, trong chu kỳ một năm cũng có rất nhiều lễ hội quan trọng của gia đình và cộng đồng được người Thái tổ chức rất đầy đủ và trang nghiêm.
Tính theo chu kỳ đời người thì có hai việc lớn là cưới hỏi và ma chay. Cưới hỏi: Theo truyền thống thì lễ cưới chính là một sự kiện đánh dấu sự trưởng thành, tự lập và khẳng định vị trí của một thành viên trong cộng đồng xã hội. Trong đó việc ở rể và thực hiện các nghĩa vụ với bên nhà vợ của chú rể được coi trọng, tuy nhiên, tục lệ này ngày nay đã không còn được duy trì lễ đón dâu (tỏn pạư) được xem là nghi lễ quan trọng nhất của toàn bộ lễ cưới. Việc cưới hỏi của một đôi trai gái được diễn ra bình thường theo các 6 bước: bước 1 là chom pạư (tức thăm dò); bước 2 là "pay tham paự" (đi ăn hỏi); bước 3 "khắt mak pú nợ" (cắm lá trầu bé); bước 4 "khắt mak pú luông" (cứm lá trầu lớn); bước 5 "tỏn pạư" (đón dâu); bước 6 "ngái hua, păn chường khá" (tiệc đầu, nhận lễ).
Lễ cưới chính là một sự kiện đánh dấu sự trưởng thành, tự lập và khẳng định vị trí của một thành viên trong cộng đồng xã hội của người Thái.
Ma chay: Người Thái lúc già yếu, qua đời cũng được mọi người tôn kính, lòng tôn kính đó cũng được thể hiện qua nhiều nghi lễ, đặc biệt là nghi lễ ca hát đưa linh cữu người chết, nhất là người có nhiều công đức, được con cháu đầy đàn tiễn đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Nghi lễ được tổ chức rất trọng đại trong bầu không khí đau thương nhưng thấm đượm tình cảm nồng ấm. Khi một người trong bản tắt thở, người ta truyền tin cho nhau, mọi người trong bản đều ngừng tay lao động, tập trung đến nhà người quá cố để chia buồn và giúp gia chủ làm tang lễ, thanh niên trai tráng thì lên rừng chặt những cây gỗ tốt nhất về làm áo quan, phụ nữ thì nấu cơm, nấu nước thơm, dệt áo mới để làm lễ tịnh thân, thay áo mới cho người quá cố. Cả bản đến tiễn đưa linh hồn người quá cố cữu cầu mong cho linh hồn người chết sớm về cõi cực lạc của tổ tiên. Gia chủ còn phải mời một người chuyên hát những bài ca đưa linh với lời hát vừa bị thương, vừa trữ tình ca ngợi công đức của người chết. Và như vậy, các bậc cao niên trong cộng đồng người Thái thanh thản, nhẹ nhàng ra đi trong bầu không khí lễ nghi long trọng, tôn kính và nhớ thương của cả bản làng.
Lễ hội truyền thống trong năm: Một năm, người Thái có rất nhiều Lễ hội, những tháng đầu năm, sau những ngày ăn tết (kin chiêng) là đến Kin pang; những tháng tiếp theo là các nghi lễ xên bản, xên mường; tháng 7 có tết xíp xí; tháng 8, 9, 10 có mừng cơm mới.
Phong tục đón Tết của người Thái: Xưa kia, người Thái không ăn tết theo âm lịch, tuy nhiên hằng năm người Thái có tổ chức Kin Khẩu mẩu và kin Xíp xí (14/7); tổ chức Xên bản, Xên mường, trong đó có chơi các trò chơi truyền thống ném còn, tó mák lẹ, kéo co... Hết kiêng mường mới đến Xên nhà (cúng tổ tiên ma nhà), mổ lợn nhờ ông mo đến làm. Thời gian cúng một ngày từ sáng đến tối. Từ năm 1954 sau khi giải phóng Điện Biên, đất nước bình yên, người Thái cùng hòa đồng với nhân dân cả nước làm ăn sinh sống xây dựng bản mường, cùng nhau tổ chức ăn tết Âm lịch.
Ngày Tết, người Thái mổ lợn, mổ gà thờ tổ tiên ma nhà, ngoài ra còn có bánh chưng, xôi tím, xôi trắng, cá nướng, mắng đắng đầu mùa, con sóc, con rơi, nhộng ong, tất cả các sản vật đầu mùa trên rừng, trên nương, đi tìm đi kiếm về đủ để dâng lên tổ tiên ma nhà. Việc thờ cúng và chơi tết giống như người kinh.
Trên đây chỉ giới thiệu những nét đặc sắc nhất trong văn hóa truyền thống dân tộc Thái. Những phong tục tập quán đó của người Thái đáng được trân trọng, gìn giữ kế thừa và phát huy không chỉ trong cộng đồng người Thái mà trong tất cả các dân tộc khác trong thời đại ngày nay và trong tương lai.
Người Thái Điện Biên đã tạo dựng cho mình những phong tục tập quán và bản sắc văn hóa riêng.
PV. Sở VHTTDL tỉnh Điện Biên đã và đang có những chính sách gì nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Thái nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung?
Ông Đào Ngọc Lượng: Sở VHTTDL đã tham mưu cho UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định 1430/QĐ-UBND, ngày 11/11/2016 phê duyệt Đề án "Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025" và Kế hoạch số 2123/KH-UBND, ngày 31/7/2017 về việc thực hiện Đề án "Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2017 – 2020", cùng các văn bản chỉ đạo các sở, ngành và địa phương huy động mọi nguồn lực thực hiện đề án.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương hoàn thành kiểm kê Văn hóa dân tộc các dân tộc: Tày - Nùng - Mường - Thổ. Đến nay 100% các dân tộc trên địa bàn tỉnh được kiểm kê.
Có 08 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân ưu tú đợt 1, trong đợt 2 tỉnh Điện Biên có 20 hồ sơ được hội đồng cấp bộ công nhận trình Hội đồng cấp nhà nước xem xét để phong tặng nghệ nhân ưu tú.
Công tác bảo tồn tiếng nói của dân tộc ít người và chữ viết của những dân tộc có chữ viết riêng tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo chú trọng. Năm học 2017 - 2018 có 59 trường tổ chức dạy tiếng Thái và tiếng Mông (31 trường dạy tiếng Thái, 28 trường dạy tiếng Mông) tại 09 đơn vị hành chính cấp huyện (trừ thành phố Điện Biên Phủ) với tổng số 293 lớp với 6.809 học sinh tham gia. Học sinh học tiếng Mông, tiếng Thái đáp ứng kỹ năng nghe, nói, viết. Thông qua việc học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, các em được tìm hiểu thêm về phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mình, tạo điều kiện bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc.
Thành lập câu lạc bộ bảo tồn và phát triển văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên với 47 thành viên; "Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên" gồm những người yêu văn hóa dân gian dân tộc Thái.
Trước đó, năm 2013, Sở đã thực hiện thành công Đề án bảo tồn bản truyền thống dân tộc Thái, ngành Thái đen, bản Che căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Phát huy hiệu quả trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái tại bản Che Căn. Hiện nay đã có một một số mô hình du lịch cộng đồng đang được nghiên cứu đầu tư phục vụ nhu cầu du khách thăm quan trải nghiệm, thưởng thức văn hóa đặc sắc tại Che Căn.
PV. Được biết, tỉnh Điện Biên vừa có văn bản gửi Chính phủ, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO để được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ông có thể cho biết đôi nét về "Nghệ thuật Xòe Thái"?
Ông Đào Ngọc Lượng: Ngày 15/01/2019, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản số 136/UBND-KGVX về việc tán thành, đồng thuận với Quyết định 3692/QĐ-BVHTTDL, ngày 24/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng hồ sơ "Nghệ thuật xòe Thái" đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Như chúng ta đã biết, người Thái vốn nổi tiếng với Nghệ thuật Xòe, tiêu biểu phải kể đến các điệu xòe: Xòe vòng, Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai. Trong đó Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái. Nghệ thuật Xòe là kết tinh của sự sáng tạo bắt nguồn từ cuộc sống lao động sản xuất của người Thái và đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.
Xòe vòng (múa vòng): tiếng Thái gọi là Xé cống tức một hình thức múa vòng của người Thái, những người múa nắm tay nhau nên còn có tên gọi là xé khăm khen (múa cầm tay), thường múa quanh đống lửa. Nhạc cụ trong Nghệ thuật Xòe không thể thiếu chiếc trống, ngoài ra còn có chiêng, chũm chọe, tính tẩu.
Xòe khăn (múa khăn): Đối với phụ nữ Thái Trắng không đội piêu (khăn) thường sử dụng khăn lụa dài để múa còn phụ nữ Thái Đen họ sử dụng chiếc piêu đội đầu có thêu những hoa văn rất đẹp để múa. Những chiếc khăn được khoác lên mình các cô gái xòe để biến những động tác sinh hoạt hàng ngày thành những động tác múa duyên dáng, uyển chuyền. Múa khăn có động tác đứng vung khăn ra đằng trước, vung quá đầu, vung ngang ngực, vung sang bên cạnh và động tác ngồi vung khăn. Ngoài ra, múa khăn còn có động tác vung khăn quàng sau lưng, mỗi nữ cầm hai khăn dài gập đôi; khi thì một tay chống nạnh, một tay vung khăn; khi thì hai tay cùng vung khăn.
Người Thái vốn nổi tiếng với Nghệ thuật Xòe.
Xòe nón (múa nón): Múa nón Mường Lay (Điện Biên) tiếp thu những động tác múa nón Phong Thổ (Lai Châu) và sáng tạo những động tác riêng, cụ thể:
Xòe nón còn được sáng tạo kết thành đội hình như bông hoa khoe sắc vô cùng sinh động trên nền nhạc dân gian truyền thống.
Xòe quạt (múa quạt): có hai kiểu, múa một quạt và múa hai quạt. Múa một quạt thường đi đôi với khăn, người múa cầm quạt xòe ở tay phải, khăn (gập đôi) ở tay trái. Còn múa hai quạt thì cầm quạt xòe ở hai tay, quạt cũng có khi xòe khi gập. Với điệu múa này tạo ra được sự duyên dáng, uyển chuyển, linh hoạt của người biểu diễn.
Xòe sạp (múa sạp): Ban đầu Xòe sạp chỉ thực hành đối với số ít người cùng tham gia vì chỉ có hai cây tre hoặc hai cái chày để gõ. Sau đó con người dần sáng tạo sử dụng nhiều cây tre dành cho nhiều người ngồi gõ để phục vụ cho nhiều người cùng tham gia múa. Thông thường múa sạp ngày nay chuẩn bị đạo cụ cần thiết phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính khoảng 3 – 4 cm, dài 3 – 4m). Khi múa, đặt hai sạp cái cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song với khoảng cách đều nhau chừng 30 – 40cm tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sàn và một tốp múa, mỗi tốp có đội hình là những đôi trai gái, càng nhiều cặp tham gia càng khiến đội hình thêm phong phú, sinh động.
Xòe nhạc (múa nhạc): Người múa đeo chùm nhạc (từ 3 – 5 quả), đeo vào ngón giữa, có thể đeo cả hai tay nhưng thông thường đeo một tay phải. Quả nhạc nằm hướng trên mu bàn tay. Trong múa nhạc sử dụng bước chân Phong Thổ (thuộc tỉnh Lai Châu) và Mường Lay (thuộc tỉnh Điện Biên) và bước vội.
Xòe chai (múa chai): là điệu múa sử dụng đạo cụ là chiếc chai thường được giữ cân bằng trên đỉnh đầu của người múa kết hợp với những động tác uyển chuyển, khéo léo mà không bị rơi, ý nghĩa của điệu múa này là để mời rượu.
Nghệ thuật Xòe Thái là loại múa đồng diễn, múa đông người, múa tập thể. Đội hình thường gặp là vòng tròn, hai hàng dọc ngang có thêm nhảy đổi chỗ cho nhau.
Trong số những điệu Xòe của Nghệ thuật Xòe Thái, Xòe vòng là điệu Xòe không hạn chế về số người tham gia, động tác đơn giản nhịp nhàng, múa mà không cần có đạo cụ, chỉ là cái nắm tay ấm áp tình người và chân bước theo nhịp điệu xòe. Còn lại những điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai là những điệu Xòe mang tính chất biểu diễn, bắt buộc phải có nhạc cụ, đạo cụ, giới hạn người tham gia, có đội hình, có biên đạo và thường được sử dụng nhiều trên sân khấu.
Nghệ thuật Xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc.
Nghệ thuật Xòe Thái được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc, được coi đó là sân chơi cho người dân giải trí sau những ngày lao động vất vả, đồng thời Nghệ thuật Xòe được coi là phương tiện giao tiếp để kết nối mọi người xích lại gần nhau. Nghệ thuật Xòe là nét đẹp văn hóa được nhân dân các dân tộc gửi gắm những tâm tư tình cảm và lấy làm hãnh diện, tự hào về văn hóa truyền thống mà cha ông đã gây dựng và trao truyền. Nghệ thuật Xòe Thái đã mang đậm tính dân tộc sâu sắc bởi đã khẳng định được bản sắc riêng có không lẫn với dân tộc nào đồng thời có tính lan tỏa rất lớn bởi đã trở thành sản phẩm nghệ thuật chung của toàn xã hội.
Xin chân thành cảm ơn Ông!