Đây là sản phẩm khá công phu của Vietnam Centre, một tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, được điều hành bởi những người trẻ Việt tại Australia với sứ mệnh quảng bá văn hóa nước nhà ra thế giới.
Nội dung cuốn sách được chia thành các chương dựa theo từng loại trang phục như áo Giao lĩnh, áo Viên lĩnh, áo Đối khâm… cùng với đó là cấu tạo của trang phục cũng như hướng dẫn cách mặc trang phục từng bước chi tiết.
Từ tháng 5/2018, Vietnam Centre bắt đầu khởi động dự án gây quỹ cộng đồng xuất bản cuốn sách “Dệt nên triều đại” về trang phục triều đình Lê Sơ, nhằm thỏa mãn sự tò mò của người yêu lịch sử về trang phục, cách ăn mặc cũng như văn hóa dân tộc của cha ông.
Lý do để nhóm bắt tay vào thực hiện dự án là do, khi nhắc đến Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ nhớ ngay tới một đất nước đã trải qua chiến tranh. Sự thực đó khiến các thành viên trong nhóm không khỏi chạnh lòng, bởi một nền văn hóa dân tộc rực rỡ có bề dày nghìn năm ở châu Á lại được định nghĩa bằng một cuộc chiến xảy ra cách nay chưa lâu. Trăn trở đó đã thôi thúc các thành viên Vietnam Centre mày mò và tìm cách quảng bá nền văn hóa lâu đời của Việt Nam, thông qua từng khía cạnh, bắt đầu từ ăn mặc.
Cuốn sách ra đời là một lần khẳng định trang phục truyền thống Việt Nam không chỉ bao gồm áo dài, mà còn có những bộ trang phục như áo Giao lĩnh, áo Viên lĩnh... là nét đặc trưng vốn có trong trang phục Việt cổ xưa.
Các hình ảnh minh họa trong cuốn sách đều được các họa sĩ trẻ phác họa, mang đậm nét văn hóa Việt, hoặc được sưu tầm từ các nguồn tài liệu tham khảo có uy tín, đảm bảo tính xác thực. Các tài liệu tham khảo tiêu biểu là những tựa sách như “Trang phục Việt Nam” của Tiến sĩ Đoàn Thị Tình, “Trang phục triều Lê Trịnh” của họa sĩ Trịnh Quang Vũ, “Ngàn năm áo mũ” của học giả Trần Quang Đức.
Bên cạnh cuốn sách, dự án còn cho ra mắt sản phẩm sách búp bê giấy do họa sĩ Eris Trần thực hiện gồm 10 bộ trang phục cổ phong giúp người đọc hình dung dễ dàng hơn về các trang phục triều đình thời Lê Sơ.
Tác phẩm được xuất bản song ngữ Việt - Anh với hy vọng không chỉ người Việt Nam, mà còn cả từ bạn bè quốc tế, những người nước ngoài yêu thích và mong muốn tìm hiểu về lịch sử Việt Nam cũng có thể tiếp cận nét đẹp văn hóa, trang phục cổ của người Việt xưa.