(Tổ Quốc) - Những người phụ nữ dân tộc Lào bằng sự khéo léo, tỉ mỉ đã tạo ra những sấp vải dệt thổ cẩm rất bền và đẹp không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu mà còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.
Chị Lò Thị Hồng (bên trái) trong buổi giới thiệu nghề dệt truyền thống dân tộc Lào tại Thủ đô.
Bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống
Dân tộc Lào tỉnh Điện Biên có nghề dệt truyền thống từ rất lâu đời. Các sản phẩm được làm từ vải dệt như: Trang phục, vỏ đệm, vỏ gối, vỏ chăn, túi đeo, khăn... có tính thẩm mỹ, chất lượng tốt, không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình mà giờ đây còn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và khách du lịch. Vì vậy, việc bảo tồn nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào là việc truyền dạy, lưu giữ những phương pháp, kỹ thuật dệt vải,... vô cùng quan trọng.
Trong một buổi giới thiệu nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào tỉnh Điện Biên tại Thủ đô Hà Nội, chúng tôi đã gặp chị Lò thị Hồng, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên. Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết: "Không biết nghề dệt có từ bao giờ, chỉ biết rằng lúc nhận biết được, tôi đã thấy mẹ mình bên khung cửi. Lớn lên thêm một chút, tôi hiểu thêm rằng, biết thêu thùa, dệt vải được coi là một trong những phẩm chất đức hạnh của người con gái Lào nết na, và là một tiêu chí chọn vợ của các chàng trai. Vì thế, con gái dân tộc Lào ai cũng biết dệt thổ cẩm. Từ năm 12 tuổi tôi cũng đã biết cán bông giúp mẹ và biết dệt thành thạo khi ở độ tuổi trăng tròn.
Chúng tôi rất vui vì nghề dệt truyền thống của dân tộc mình hiện đang được bảo tồn và phát triển. Ở xã, chúng tôi được hỗ trợ mở lớp truyền dạy nghề. Không những thế những sản phẩm làm ra còn được chính quyền địa phương hỗ trợ tiêu thụ, chúng tôi còn bán cho khách du lịch. Hiện thu nhập chính của gia đình tôi chính bằng nghề này, chị Lò Thị Hồng chia sẻ.
Chị Lò Thị Hồng đã nhiệt tình giới thiệu cho chúng tôi về các quy trình để tạo lên một sản phẩm thổ cẩm: Đầu tiên đồng bào phải trồng cây sắn, cây dâu nuôi tằm. Trong nghề dệt truyền thống dân tộc Lào việc nuôi tằm để lấy sợi tơ tằm cũng là một công đoạn quan trọng để lấy sợi dệt vải, vừa làm chỉ thêu…
Công đoạn cán bông.
Công việc nuôi tằm thương kéo dài khoảng một tháng thì tằm bắt đầu làm kén, thời gian tằm vào kén kéo dài khoảng 03 ngày đêm, khi đã thành kén tằm, người nuôi tằm có thể lấy kén để sao lấy sợi và thường tiến hành so sợi qua một số công đoạn như: Cho kén tằm vào mẹt rồi lấy cát phủ lên (do kén tằm nhẹ nên phải phủ cát lên cho nén). Chuẩn bị nồi để đun nước sao sợi. Sau đó tiến hành sao sợi…
Công đoạn bật bông.
Trồng bông: Bông cũng là nguồn nguyên liệu không thể thiếu để làm sợi dệt vải. Bông thường được trồng vào tháng 03, 04 âm lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 08 âm lịch, sau khi thu hoạch họ tiến hành lựa chọn những hạt bông tốt và loại bỏ những hạt bông không đạt tiêu chuẩn.
Chuẩn bị khung cửi (ký tắm hú) để dệt vải: Khung cửi dệt vải truyền thống chủ yếu được làm bằng gỗ, tre thường chọn loại gỗ tốt để làm khung cửi thì mới có thể cất giữ và sử dụng lâu dài; trong bộ khung dệt gồm các chi tiết như: bàn dệt (phứm), thoi dệt (suôi), chân đạp để tách sợi luôn thoi dệt (khau nhăm), ván ngồi dệt (tắng năng)…
Chị Lò Thị Hồng cũng chỉ cho chúng tôi cách nhuộm một số mầu truyền thống. Muốn nhuộm sợi hoặc vải thành mầu đen thì phải trồng cây chàm. Cây chàm được trồng vào tháng 03, 04 âm lịch và thu hoạch vào khoảng tháng 07, 08 âm lịch. Tuy nhiên, ngày nay việc nhuộm vải, sợi thành mầu đen bằng chất liệu cây chàm đã không còn phổ biến nữa thay vào đó là các loại phẩm mầu có bán trên thị trường.
Công đoạn vê bông.
Các bước tiến hành để tạo ra những sấp vải thổ cẩm
Chị Lò Thị Hồng cho biết, để tạo ra được một sản phẩm đẹp mắt, chất lượng tốt, thuận lợi khi sử dụng, có giá trị cao thì phải trải qua các công đoạn. Bước thứ nhất là tách hạt bông (ỉu phải). Khi đã có hạt bông thì cần phải có dụng cụ tách hạt (ỉu phải) để lấy bông, người ta tách bông ra khỏi vỏ hạt bông, thường công đoạn này cũng mất nhiều thời gian.
Trong thời gian qua, tỉnh Điện biên đã hỗ trợ nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào bằng cách cử các hướng dẫn viên xuống Bản người Lào để hướng dẫn người dân thiết kế, sản xuất thành các sản phẩm phục vụ Du lịch như: khăn, túi, ví... Bên cạnh đó, Ngành tiến hành xây dựng mô hình điểm bản thành một "điểm đến" phục vụ Du lịch, khuyến khích phát triển Du lịch cộng đồng, Homstay và tăng cường quảng bá, giới thiệu về sản phẩm, về điểm du lịch - Phó Giám đốc Sở VHTTDL Điện Biên Đào Ngọc Lượng chia sẻ với phóng viên.
Bước thứ hai là bật bông (công phải). Bông đã được tách ra khỏi vỏ thì tiến hành bật bông cho tơi xốp, dụng cụ dùng để bật bông được chế tác đơn giản gồm cung bật bông (công tháp phải), lấy một cần tre nhỏ dài khoảng 01m làm gần giống như chiếc cung, dây cung bật bông thường được làm bằng sợi cây gai bện nhỏ, khi sử dụng họ sử dụng một đoạn tre nứa nhỏ để bật dây cung cho đều.
Bước thứ ba vê bông (lọ phải). Bông đã được làm tơi xốp, thì tiến hành vê bông thành các gòn bông (lọ phải) to bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 40cm, khi bông đã được vê hết thì chuyển sang bước tiếp theo.
Bước thứ tư xe sợi (phắn phải). Đây là công đoạn tách từ gòn bông để tạo thành sợi, họ sử dụng dụng cụ xe sợi để quay lấy sợi cho khỏi rối tạo thành quận chỉ sợi (náy phải).
Bước thứ năm quay sợi (pia phải). Khi đã có đủ các quận chỉ sợi thì quay sợi (pia phải) để tạo quận sợi có vòng to rồi đem quận sợi đi giặt (tốp nặm) và đun hồ để ngâm sợi và đem phơi khô; họ sử dụng 02 cây tre dài để luồn vào trong các quận sợi, một cây để treo lên giống như sào phơi quần áo, cây treo thả xuống để cho quận sợi được căng ra…
Bước thứ sáu lắp quận sợi (công quặng) và quay quận chỉ (phiến lót). Sau khi thu sợi rồi tiến hành cho từng quận vào "công quăng" có tác dụng cho sợi không bị rối, họ sẽ tách lấy một đầu dây sợi nối vào lõi chỉ và sử dụng công cụ quay cuốn thành quân chỉ sợi (phiến lót); thường phải có khoảng 30-40 quận chỉ sợi thì mới đủ để làm một sấp vải (cọn phải).
Công đoạn lắp quận sợi.
Bước thứ bảy dải sợi (khên hú). Chuông khên là dụng cụ để cho các quận chỉ sợi vào, thường là 08 hoặc 10 quận chỉ sợi rồi cầm "chuông khên" kéo sợi dải quanh cột nhà sàn và được chia theo các bậc, tầm khoảng 08-10 bậc dải sợi thì đủ để dệt một sấp vải (cọn phải).
Bước thứ tám thu sợi (củ phải). Khi đã rải đủ số sợi để dệt một sấp vải thì tiến hành thu sợi cho vào túi to để đựng rồi đem treo vào cạnh khung cửi và tiến hành luồn sợi vào khung cửi để dệt.
Bước thứ chín mắc sợi vào khung cửi (ký), dệt vải. Tiến hành luồn sợi vào khung cửi để dệt, họ luồn sợi qua lược dệt (phứm), luồn qua "khau hú". Khi đã đan xong thì tiến hành dệt vải để tạo ra các sấp vải dệt truyền thống dân tộc Lào.
Nghề dệt truyền thống dân tộc Lào chứa đựng sắc thái văn hóa riêng. Vì vậy việc bảo tồn và truyền dậy một số công đoạn trong nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào như: trồng bông, xe sợi, nhuộm mầu… là rất quan trọng để tạo ra được một sản phẩm đẹp mắt, chất lượng tốt, thuận lợi khi sử dụng, có giá trị cao. Trong quá trình bảo tồn và truyền dậy các công đoạn phải được truyền đạt một cách tỉ mỉ, rõ ràng, chị Lò Thị Hồng chia sẻ.