• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

ĐH Đông Á Đà Nẵng chính thức tuyển sinh và đào tạo cử nhân dinh dưỡng từ 2018

Giáo dục 28/11/2017 06:29

(Tổ Quốc) - Việc ĐH Đông Á chính thức tuyển sinh và đào tạo cử nhân dinh dưỡng từ năm 2018 là xuất phát từ đúng nhu cầu bức thiết của thực tế xã hội.

Ngày 27/11, Trường Đại học Đông Á Đà Nẵng cùng với Viện Dinh dưỡng quốc gia và tập đoàn Ajinomoto đồng tổ chức Hội thảo “Tăng cường các hoạt động dinh dưỡng lâm sàng và nguồn nhân lực dinh dưỡng”.

Đây là hội thảo khoa học lần thứ 6 trong khuôn khổ Dự án Phát triển Hệ thống Dinh dưỡng Việt Nam (VINEP) được tổ chức từ năm 2011 đến nay, hướng tới đóng góp vào việc cải thiện sức khỏe cho toàn bộ người dân Việt Nam thông qua việc thiết lập một hệ thống dinh dưỡng quốc gia.

Hội thảo quy tụ nhiều báo cáo chuyên đề được trình bày bởi các chuyên gia dinh dưỡng đến từ Nhật Bản – đất nước có hệ thống dinh dưỡng lâm sàng tiên tiến, cùng nhiều học giả từ Sở ngành và trường đại học ở Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào các nội dung: dinh dưỡng và thực phẩm; kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thiết lập hệ thống dinh dưỡng, phát triển đào tạo dinh dưỡng và nâng cao chất lượng thực hành dinh dưỡng trong bệnh viện; hoạt động dinh dưỡng lâm sàng tại Đà Nẵng và nhu cầu nguồn nhân lực dinh dưỡng,...

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Theo GS. Yasuhiro Kido, Giám đốc đào tạo và nghiên cứu khoa học (Hội dinh dưỡng Nhật Bản) thì nguyên nhân dẫn đến tử vong hàng đầu tại Nhật Bản là ung thư (30%), bệnh tim mạch (16%), đột quỵ (10%). Tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở Nhật Bản là cao nhất tính đến năm 1980.

“Việc áp dụng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng washoku đã giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và đóng góp trong việc đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới. Đặc biệt, chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng trong bữa cơm trưa học đường còn giúp giảm tỉ lệ béo phì ở trẻ em Nhật. Từ năm 1980 đến nay, tỉ lệ béo phì trẻ em Nhật tăng rất ít, từ 2% lên 3,4% trong khi tại Mỹ, Anh, tỉ lệ béo phì trong 40 năm trở lại đây tăng từ 15% lên 33% (ở Mỹ) và từ 7% lên 25% (ở Anh)”, GS. Yasuhiro Kido cho biết và kêu gọi sớm thiết lập chính sách dinh dưỡng bởi “Không có những chính sách dinh dưỡng tốt, những người trẻ sẽ mất đi động lực làm việc”.

 GS. Yasuhiro Kido, Giám đốc đào tạo và nghiên cứu khoa học (Hội dinh dưỡng Nhật Bản): "Việc áp dụng chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng washoku đã giúp cải thiện đáng kể sức khỏe và đóng góp trong việc đưa Nhật Bản trở thành quốc gia có tuổi thọ cao nhất thế giới". Ảnh: Đức Hoàng

Dẫn ra các dữ liệu thực tế tại Đà Nẵng như tỉ lệ người lớn ≥ 45 tuổi phát hiện đái tháo đường trong các đợt khám sàng lọc hàng năm đã tăng từ 9,9% năm 2010 lên 10,9% năm 2017, tỉ lệ thừa cân – béo phì ở học sinh tiểu học quận Hải Châu – TP. Đà Nẵng đã tăng từ 11,7% năm 2007 lên 23,4% năm 2015, BS. Ngô Văn Quang – Phó Giám đốc Trung tâm CSSKSS, Sở Y tế Đà Nẵng cho rằng, ngành y tế vẫn chưa đầu tư xứng đáng cho chăm sóc dinh dưỡng. Hiện nhân lực dinh dưỡng được đào tạo bài bản tại bệnh viện tuyến quận, huyện Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng, bệnh viện tuyến thành phố cũng cần bổ sung đội ngũ bác sĩ, cử nhân được đào tạo chuyên về dinh dưỡng và tiết chế.

“Trước yêu cầu thực tế tại Việt Nam và xu hướng chung trên thế giới, việc đào tạo cử nhân dinh dưỡng trở nên cấp thiết. Đồng thời, xác định không chỉ là một trong những yếu tố tiên quyết để bảo đảm sức khỏe cho người bệnh trong quá trình điều trị thông qua chế độ dinh dưỡng phù hợp, làm tăng hiệu lực của các phương pháp điều trị khác, giảm tái phát, ngăn ngừa tiến triển của bệnh, rút ngắn thời gian điều trị và giảm chi phí chữa bệnh,... mà dinh dưỡng lâm sàng còn được xem là y học phòng bệnh, góp phần tăng cường sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân nên vai trò đội ngũ nhân lực dinh dưỡng càng trở nên quan trọng trong hệ thống dịch vụ chăm sóc dinh dưỡng”, TS.BS Vũ Thị Bắc Hà – chuyên khoa Dinh dưỡng chia sẻ.

TS.BS Bắc Hà cũng cho biết, việc Đại học Đông Á chính thức tuyển sinh và đào tạo từ năm 2018 ngành đào tạo dinh dưỡng trình độ cử nhân đại học chính quy theo quyết định số 4408/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo là xuất phát từ đúng nhu cầu bức thiết của thực tế xã hội, đón đầu trong cung ứng kịp thời nguồn nhân lực dinh dưỡng chất lượng cho các cơ sở y tế, trường học,... tại Việt Nam, mà trọng tâm là khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

TS. Hideki Matsumoto – Viện khoa học đổi mới, Tập đoàn Ajinomoto cho rằng: “Thiếu dinh dưỡng và thừa dinh dưỡng do những chia sẻ về kiến thức dinh dưỡng chưa đầy đủ đang là một vấn đề xã hội tại Việt Nam. Cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề là mang đến những thông tinh dinh dưỡng chính xác cho người dân Việt Nam”. Đây cũng là những mục tiêu mà dự án VINEP hướng tới.

Đức Hoàng

Đức Hoàng

NỔI BẬT TRANG CHỦ