(Tổ Quốc) - Thổ Nhĩ Kỳ đã điều tướng quân đội đến Moscow vào ngày 18/1 nhằm tìm kiếm ủng hộ cho chiến dịch không kích tại khu vực Afrin do người Kurd kiểm soát tại Syria.
Tín hiệu Thổ gần Nga Iran
Reuters dẫn tin Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, chuyến thăm Moscow của Tổng Tư lệnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Tướng Hulusi Akar, nhằm thảo luận giữa Nga và Iran – hai đồng minh chính của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad về kế hoạch cho phép các máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch không kích ở Afrin.
Mỹ đưa kế hoạch cho phép các máy bay quân sự Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chiến dịch không kích ở Afrin. Ảnh: sputnik |
Đây là một hành động ngoại giao mạnh mẽ nhất từ trước tới nay từ phía Ankara để Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện kế hoạch tấn công trực tiếp nhằm vào khu vực các tay súng người Kurd kiểm soát.
Các nhà quan sát cho rằng, động thái này đồng nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với Mỹ trong việc ủng hộ phiến quân người Kurd tại biên giới. Trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Ankara và Washington luôn bộc lộ nhiều căng thẳng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ nên tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố IS và không nên có bất kỳ hành động quân sự nào tại Afrin.
“Mỹ kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ không nên có bất kỳ hành động quân sự nào. Chúng tôi không hề muốn Thổ Nhĩ Kỳ vướng vào xung đột mà tập trung trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết.
“Chúng tôi sẽ can thiệp tại Afrin. Chúng tôi dự kiến sẽ có cuộc gặp gỡ với Nga và Iran thông qua việc sử dụng sức mạnh không quân”, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói trên CNN đồng thời bày tỏ mong muốn Nga sẽ không phản đối bất kỳ hoạt động nào ở đây.
Thổ Nhĩ Kỳ kiên quyết tăng cường hành động quân sự tại Afrin vào tuần qua trong bối cảnh Mỹ có kế hoạch triển khai 30.000 quân nhằm tăng cường an ninh biên giới do lực lượng người Kurd kiểm soát tại Afrin, phía Đông Syria.
Washington liên tục là đồng minh thân thiết với người Kurd tại Syria trong cuộc chiến chống lại phiến quân IS trong suốt 2 năm qua. Điều này khiến Ankara nhiều lần tức giận khi nước này luôn xem các Đơn vị Tự vệ Nhân dân (YPG) là một phần của Đảng Lao động người Kurd (PKK). Mâu thuẫn giữa PKK và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến giành quyền tự trị cho người Kurd đã liên tục trải qua ba thập kỷ.
An ninh biên giới
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã tuyên bố lực lượng an ninh biên giới do Mỹ hậu thuẫn giống như một tổ chức khủng bố tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh “sẽ dập tắt trước khi nó tự sản sinh ra”.
Trong những ngày gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục triển khai các xe tăng đến gần biên giới Syria từ khu vực Afrin. Tổng thống Tayyip Erdogan cũng khẳng định, quân đội Thổ Nhĩ kỳ có thể triển khai tấn công các lực lượng người Kurd ở khu vực này.
Trong suốt cuộc nội chiến trong vòng gần 7 năm qua tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một trong số các đối thủ của chính quyền Tổng thống Assad khi Ankara và Washington hợp tác hậu thuẫn lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ chính quyền Assad.
Tuy nhiên, gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ lại hợp tác với các đồng minh chính của chính quyền Assad là Iran và Nga nhằm nỗ lực giảm xung đột và tiến tới “vùng giảm leo thang” đồng thời tuyên bố người Kurd là mối đe dọa chính.
Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, Ankara sẽ tổ chức đàm phán với Nga nhằm thảo luận về Afrin, Idlib và tương lai của Syria.
Theo ông Mevlut Cavusoglu, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tính đến sự hiện diện của nhóm quan sát của Nga tại Afrin.
“Khi chúng ta tiến hành ngăn chặn thì chúng ta cần phải hợp tác đối phó với nó”, ông Cavusoglu nhấn mạnh.
Theo ông Cavusoglu, các cuộc tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ từ Afrin diễn ra mỗi ngày. Khu vực phía bắc Syria luôn bị tấn công liên tục. Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn hợp tác và nỗ lực hết mình nhằm đối phó với các hành động khiêu khích. Chúng tôi đã từng nói với Mỹ điều này”, ông Cavusoglu khẳng định đồng thời nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ không hài lòng với nỗ lực của Mỹ nhằm trấn an Ankara trong vấn đề hỗ trợ an ninh biên giới.
Ngày 17/1, Ngoại trường Mỹ Rex Tillerson cho biết đã có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo đồng cấp Cavusoglu nhằm làm rõ vấn đề này và cảnh báo tình hình đang vượt quá giới hạn.
“Chúng tôi đã bày tỏ không hài lòng về vấn đề này trong các cuộc gặp gỡ với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, Washington không đáp ứng nguyện vọng đầy đủ đối với chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục mất tín nhiệm đối với Mỹ”, ông Cavusoglu cho biết.
Lộ trình hội đàm Syria trở nên phức tạp
Theo Reuters, pháo binh Thổ Nhĩ Kỳ ngày 19/1 đã tấn công vào Afrin, Syria – điều Ankara nói là động thái mở đầu cho một chiến dịch quân sự nhằm vào các khu vực do người Kurd kiểm soát.
Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli cho biết: "Chiến dịch này trên thực tế đã được bắt đầu với hoạt động pháo kích xuyên biên giới, và chưa có lực lượng quân đội nào tiến vào Afrin.
“Hoạt động chống người Kurd của Thổ Nhĩ Kỳ tại Afrin, Syria có thể làm phức tạp cho Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Nga”, Chủ tịch Ủy ban phòng vệ Duma Nga Vladimir Shamanov cho biết.
“Đây sẽ là vấn đề phức tạp cho tiến trình bắt đầu Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Sochi. Quá trình phát triển là một chủ đề nan giải. Chính phủ Syria cho biết sẽ tăng cường các hành động ngăn chặn sự can thiệp các vấn đề nội bộ”, ông Shamanov nói.
“Thật khó để nói về điều này bởi vì đây la vấn đề không mong muốn trước thềm Đại hội đối thoại dân tộc Syria ở Sochi”, ông Shamanov nói thêm.