• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Di sản Gaddafi: Canh bạc Nga đeo đuổi tại Libya?

Thế giới 19/08/2017 17:46

(Tổ Quốc) - Chuyến thăm gần đây của Khalifa Haftar tới Nga dấy lên nhiều đồn đoán về ý định của Moscow trong việc tham gia sâu hơn vào Libya.  

Chuyến thăm gần đây của Khalifa Haftar tới Nga ngay lập tức đã dấy lên nhiều đồn đoán về ý định của Moscow về việc tham gia sâu hơn vào các vấn đề của Libya.

Về vấn đề này, cây viết Gevorg Mirzayan của RIA Novosti đã làm sáng tỏ cách Nga có thể tăng cường hợp tác với Lybia trong bối cảnh cuộc nội chiến đang diễn ra .

Khi tương lai của nhà nước Libya vẫn còn trong tình trạng “mong manh”, cộng đồng quốc tế đã đặt hy vọng vào hai người có ảnh hưởng – Thủ tướng Fayez Sarraj của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc ủng hộ - đang kiểm soát miền Tây Libya và Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA), ủng hộ chính phủ ở miền Đông Libya, Tướng Khalifa Haftar.

 Tướng Khalifa Haftar gần đây đã tới thăm Nga và có nhiều cuộc gặp quan trọng. (Nguồn: Sputnik)

Chia cắt mong manh?

Hai nhà lãnh đạo này đã đối đầu với nhau trong một thời gian dài. Tuy nhiên vào cuối tháng 7, đối thoại giữa Sarraj và Haftar đã có những bước tiến sau khi đàm phán ngừng bắn và thỏa thuận về các cuộc bầu cử trong năm tới trong lần họp mặt ở Paris.

“Phương Tây từ lâu luôn ủng hộ Sarraj.  Tuy nhiên, trong những năm gần đây, LNA đã đạt được những thành công đáng kể và kiểm soát được thêm nhiều vùng lãnh thổ [tại Libya]. Vì vậy bây giờ đã không còn phù hợp để bỏ qua Khalifa Haftar," Gevorg Mirzayan, Phó Giáo sư tại Khoa Khoa học Chính trị thuộc Đại học Tài chính của Nga, viết trong bài viết cho RIA Novosti.

Có thể thấy rõ ràng là Paris và Rome - những bên bảo trợ chính về phía châu Âu ở Libya - đã bắt đầu tìm kiếm cách hoà giải hai nhà lãnh đạo hai lực lượng đối lập tại Libya.

Cuộc họp ở Paris đã dẫn đến việc ký kết thoả thuận ngừng bắn giữa hai lực lượng, tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất ổn về việc ai sẽ là người lãnh đạo của chính phủ mới sau khi xung đột kết thúc.

Mirzayan đã viết: "Có một vài câu hỏi về thỏa thuận này," Mirzayan đã viết, "Thứ nhất, lập trường của các nhà bảo trợ châu Âu đối với Haftar còn khác biệt ... Italy muốn duy trì sự cân bằng quyền lực giữa các bên tại Libya và chỉ đồng ý để cho Haftar giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng." Về phần mình, ông Macron dường như đã sẵn sàng công nhận Haftar là nhà lãnh đạo mới của Libya, nhà nghiên cứu nhận xét.

"Điều thứ hai, vị thế chính trị của Haftar vẫn còn bấp bênh," ông Mirzayan nhận định, và nói thêm rằng vị tướng lĩnh Libya này không thể hoàn toàn dựa vào Pháp.

Ông Macron có thể từ bỏ Haftar và ủng hộ Sarraj nếu Italy và Algeria đảm bảo rằng lợi ích của Pháp sẽ được bảo vệ ở Libya, Mirzayan giải thích. Thêm một vấn đề phức tạp hơn, Haftar là người có quan điểm cứng rắn trong mắt của châu Âu, trái ngược với Sarraj, người có vẻ như "dễ tác động hơn".

Điều thứ ba, Haftar cần đẩy nhanh quá trình đàm phán về tương lai của Lybia khi hiệu lực của thỏa thuận Skhirat về dự định thành lập chính phủ đoàn kết sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Quyền lực Nga hướng đến

Giữa những tình huống này, điều khá dễ hiểu là tại sao Haftar đang tìm kiếm sự trợ giúp từ một "lực lượng thứ ba", nhà nghiên cứu này lưu ý, đề cập đến chuyến thăm Nga gần đây của ông ta.

Theo Yury Barmin, một chuyên gia của Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga (RIAC), Moscow cũng quan tâm đến việc xây dựng các cây cầu nối với Libya với hy vọng nối lại và thúc đẩy quan hệ song phương như đã từng có dưới thời nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

"Moscow có kế hoạch thực hiện các hợp đồng quân sự, dầu khí, và cơ sở hạ tầng ở Libya," ông Mirzayan trích dẫn lời ông Barmin.

Câu hỏi đặt ra là liệu Nga có thể thực hiện được kế hoạch của mình hay không.

Theo Mirzayan, rất có khả năng Nga sẽ giành được hợp đồng quân sự ở Libya khi lệnh cấm vận vũ khí của LHQ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa rõ về việc liệu Moscow có nhận được các hợp đồng năng lượng hoặc cơ sở hạ tầng hay không, chuyên gia này lưu ý.

Để hoàn thành những kế hoạch của mình, Nga cần đa dạng hóa các mối quan hệ, ông Mirzayan lập luận, giả định rằng Moscow phải xây dựng quan hệ không chỉ với Haftar mà còn với Sarraj. Chuyên gia này cũng tiết lộ, Sarraj sẽ đến thủ đô của Nga vào tháng Chín, để tổ chức các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, trước khi một thỏa thuận nào đạt được, cuộc nội chiến kéo dài ở Libya sẽ phải tới hồi kết.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến chống lại khủng bố cho tới khi chúng tôi giải phóng được toàn bộ lãnh thổ Libya", ông Haftar nói trong một cuộc họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Moscow.

Về phần mình, ông Sergei Lavrov nhấn mạnh rằng Nga đánh giá cao nỗ lực của Haftar và Sarraj để đảm bảo thực hiện các giải pháp chấp nhận được đối với việc thực hiện thỏa thuận Skhirat.

"Chúng tôi tin rằng điều quan trọng là tập trung tất cả các nỗ lực và các ý tưởng hòa giải vào mặt trận chính trị trên cơ sở các hoạt động của Liên hợp quốc", ông Lavrov cho biết.

Ngoại trưởng Nga cũng nói thêm rằng Moscow coi những hoạt động như vậy "là nhằm đóng góp xây dựng các điều kiện thuận lợi nhất cho một cuộc đối thoại giữa các bên chủ chốt ở Libya, để họ tự thỏa thuận về tương lai của đất nước họ."

(Theo Sputnik)

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ