(Tổ Quốc) - Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Mexico, danh sách các điểm nóng bất ổn nhất trên thế giới cho thấy nhiều sự khó lường hơn trong năm nay.
Thế giới đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất trong nhiều thập kỷ. Sự gia tăng mạnh mẽ của chiến tranh trong những năm gần đây đang vượt xa khả năng của chúng ta để giải quyết hậu quả. Từ cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu đến sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố, sự thất bại chung của chúng ta trong việc giải quyết cuộc xung đột đang tạo ra những mối đe dọa khẩn cấp mới.
Cho dù chúng ta có thích hay không, toàn cầu hoá là một thực tế. Tất cả chúng ta đều được kết nối với nhau. Xung đột Syria đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng người tị nạn cũng như là một nguyên nhân thúc đẩy Brexit – với nhiều hậu quả chính trị và kinh tế sâu sắc. Các quốc gia có thể muốn tự mình giải quyết, tuy nhiên không thể có hòa bình và thịnh vượng nếu không có sự hợp tác chung của cộng đồng quốc tế.
Sau đây là một số điểm nóng xung đột năm 2017 - thể hiện nhiều xu hướng nguy cơ lớn nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biện pháp đảo ngược tình thế.
1. Syria và Iraq
Sau gần 6 năm xung đột, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn có thể tiếp tục duy trì quyền lực, tuy nhiên, ngay cả khi có sự hỗ trợ từ lực lượng bên ngoài, quân đội của ông Assad vẫn không thể kết thúc xung đột và lấy lại hoàn toàn quyền kiểm soát.
Việc chính phủ Syria tái chiếm lại khu vực phía đông Aleppo đã đánh dấu một bước ngoặt lớn sau khi mở chiến dịch tấn công dữ dội vào đây. Các nhà ngoại giao phương Tây lên tiếng chỉ trích, tuy nhiên, không đưa ra được một phản ứng cụ thể. Việc sơ tán dân thường và quân nổi dậy cuối cùng đã được tiến hành trong khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran bảo trợ cho một thỏa thuận ngừng bắn và đang hướng tới một thiến trình hòa bình. Bất chấp những thách thức đáng kể phía trước, động thái ngoại giao mới này mở ra khả năng tốt nhất để giảm xung đột ở Syria.
Xung đột Syria. (Nguồn: AP) |
Cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (IS) dường như vẫn sẽ tiếp tục, và có một yêu cầu cấp thiết là đảm bảo nhóm này sẽ không tiếp tục thúc đẩy bạo lực và bất ổn hơn nữa. Tại Syria, có hai nhóm đang cạnh tranh ảnh hưởng trong cuộc chiến chống IS là Ankara và lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) – với lập trường chính trị đối lập nhau.
Washington đã ủng hộ cả hai hành động trên trong khi cố gắng để giảm thiểu xung đột trực tiếp giữa hai bên. Chính quyền của ông Trump sắp đến nên ưu tiên việc giảm leo thang xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd tại các khu vực lãnh thổ tái chiếm lại được từ tay IS. Nếu hai bên bùng nổ bạo lực, IS sẽ là bên đầu tiên được lợi.
Tại Iraq, cuộc chiến chống IS đã đi xa hơn khả năng hiện tại của chính phủ với hàng loạt sự phá hủy cơ sở hạ tầng, phải trưng dụng các tân binh trẻ trong khi mang lại nhiều tổn thương trong xã hội Iraq. Cuộc chiến này đã chia rẽ các đảng chính trị của người Kurd và người Shiite thành nhiều phe phái đối thủ trong khi các lực lượng bán quân sự liên kết với các thế lực khu vực và sự bất bình sâu sắc đang gia tăng từ phía người Ả Rập Sunni cũng làm phức tạp thêm tình hình. Để tránh tình hình tồi tệ hơn, Baghdad và lực lượng người Kurd cần dùng sự ủng hộ song hành với việc gây áp lực để kiềm chế các nhóm bán quân sự.
Đồng thời, trong khi Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đang cạnh tranh ảnh hưởng bằng cách liên kết với các lực lượng địa phương có thể sẽ xuất hiện các lực lượng mới tìm kiếm cơ hội đạt được lợi ích thông qua kiểm soát lãnh thổ, làm phức tạp một giải pháp chính trị khi xung đột kéo dài.
Iraq, với sự hỗ trợ từ Hoa Kỳ và các đối tác khác, nên tiếp tục hoạt động quân sự và hỗ trợ hậu cần cho các lực lượng Iraq tiến quân vào Mosul và thành lập lực lượng ổn định địa phương tại các khu vực chiếm lại từ IS để đảm bảo rằng lợi ích quân sự không một lần nữa bị đánh mất.
2. Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc tấn công dịp năm mới vừa qua ở Istanbul, với tuyên bố nhận trách nhiệm từ IS – khiến ít nhất 39 người thiệt mạng- dường như là dấu hiệu của xu hướng bạo lực sẽ tiếp diễn. Bên cạnh việc đối mặt với các cuộc chiến ở Syria và Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải đối mặt với một cuộc xung đột leo thang với PKK. Sự chia rẽ về chính trị, căng thẳng kinh tế, và lực lượng liên minh yếu ớt, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với sự biến động lớn hơn.
Cuộc đảo chính thất bại đã gây chấn động lớn trong lòng Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: Reuters) |
Xung đột giữa PKK và chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục xấu đi sau khi một lệnh ngừng bắn sụp đổ tháng 7/2015. Kể từ thời điểm này, xung đột giữa hai bên đã bước vào một trong những chương đẫm máu nhất trong lịch sử ba thập kỷ, với ít nhất 2.500 tay súng, lực lượng an ninh, và thường dân thiệt mạng.
Trong khi đó sự quan ngại gia tăng của Ankara về người Kurd ở miền bắc Syria và Iraq cùng với sự nguy hiểm của IS đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên đưa quân đội tới cả hai nước này và khiến Ankara bị hút sâu hơn vào vòng xoáy Trung Đông.
Bên cạnh đó, chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang có những bước đi mở đường cho việc tăng cường quyền lực của Tổng thống cũng như việc thanh trừng sau cuộc đảo chính thất bại tháng 7/2016 – điều đang bị phương Tây và Mỹ chỉ trích mạnh mẽ.
Trong khi tiến trình đàm phán giữa EU và Ankara về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối đi kèm với thỏa thuận tị nạn đang bị trì trệ thì quan hệ Thổ - Washington cũng đang ngày càng căng thẳng về yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Thổ Nhĩ Kỳ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ.
Gần đây, Ankara cho thấy một sự xích lại gần với Moscow, và vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ tháng 12 vừa qua đã đưa hai nước lại gần nhau hơn. Tuy nhiên, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn ở trong tình trạng nguy hiểm do sự bất đồng sâu sắc về lợi ích cốt lõi ở Iraq và Syria.
3. Yemen
Cuộc chiến ở Yemen đã tạo ra một thảm họa nhân đạo và đang phá hủy một quốc gia nghèo nhất trong thế giới Ả Rập. Với hàng triệu người hiện nay trên bờ vực của nạn đói, việc thực hiện một lệnh ngừng bắn toàn diện và giải pháp chính trị đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Chiến sự đẫm máu tại Yemen. (Nguồn: AFP) |
Saudi Arabia đã can thiệp vào cuộc xung đột này tháng 3/2015 để chống lại lực lượng Houthis – được nước này cho là do Iran hậu thuẫn
Cả hai bên đang bị vướng vào vòng luẩn quẩn của các hành động khiêu khích và bạo lực leo thang trong khi gây nhiều trở ngại cho tiến trình hòa bình của Liên hợp quốc bảo trợ.
Trong tháng 11, chính phủ của Tổng thống Yemen Abed Rabbo Mansour Hadi do Saudi hậu thuẫn đã bác bỏ lộ trình Liên Hiệp Quốc đưa ra. Trong cùng tháng đó, phong trào Houthi và các đồng minh,chủ yếu là lực lượng dưới thời cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, đã thành lập một chính phủ mới. Bất chấp những thách thức, vẫn còn khả năng thuyết phục được tất cả các bên chấp nhận một lộ trình nền tảng có thể kết thúc xung đột.
Phần lớn điều này phụ thuộc vào lập trường của Saudi Arabia và sự sẵn sàng hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ và Anh, để khuyến khích Riyadh ủng hộ hoàn toàn cho các thỏa thuận chính trị. Một sự thất bại trong tiến trình này có thể mang lại nhiều mối đe dọa cho tất cả các bên liên quan với sự gia tăng các nhóm thánh chiến bạo lực như al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập và IS, hiện đang phát triển mạnh trong sự hỗn loạn của Yemen.
4. Afghanistan
Chiến tranh và bất ổn chính trị ở Afghanistan đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh quốc tế, hơn 15 năm sau khi lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu lật đổ Taliban – một hoạt động trong chiến dịch lớn hơn để đánh bại al-Qaeda.
Hiện nay, Taliban đang hồi sinh trở lại khi mạng lưới Haqqani có liên kết với Taliban đã tuyên bố chịu trách nhiệm cho nhiều vụ tấn công ở các thành phố lớn. Trong khi đó, IS cũng tuyên bố một loạt các cuộc tấn công nhắm mục tiêu người Hồi giáo Shiite – động thái đang gia tăng mối xung đột bạo lực giáo phái.
Số lượng các cuộc đụng độ vũ trang năm 2016 đã lên mức cao nhất kể từ khi Liên Hiệp Quốc bắt đầu theo dõi tình hình vào năm 2007, với số lượng lớn thương vong cho dân thường. Sự suy yếu của lực lượng an ninh Afghanistan có nguy cơ sẽ để lại khoảng trống lớn cho các nhóm khủng bố trong khu vực và xuyên quốc gia can thiệp và gây hậu quả khôn lường.
Về phía Mỹ, cuộc chiến dài hơi của Mỹ tại đây vẫn chưa được coi là một vấn đề chính sách rõ ràng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Ý định của Trump về Afghanistan vẫn còn chưa được làm rõ, mặc dù ông đã nhiều lần bày tỏ sự hoài nghi về tiến trình tái thiết Afghanistan. Nhân sự cho ghế cố vấn an ninh quốc gia của Trump là Trung tướng nghỉ hưu Michael Flynn, từng hoạt động ở Iraq và Afghanistan nhấn mạnh về "chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan" như mối đe dọa toàn cầu riêng lẻ quan trọng nhất, với những tác động đáng lo ngại ở Afghanistan và các khu vực rộng hơn nữa. Định hướng chiến lược trong thời gian phải hướng tới một giải pháp đàm phán với Taliban, điều yêu cầu sự hợp tác khu vực lớn hơn nữa, bao gồm cả Trung Quốc.
Trong khi đó, Nga, Pakistan và Trung Quốc đã thành lập một nhóm hợp tác về Afghanistan với mục đích được cho là tạo ra một "cấu trúc chống khủng bố trong khu vực." Kabul cho đến nay đã rời khỏi các cuộc tham vấn ba bên này.
Bên cạnh đó, quan hệ của Afghanistan với Pakistan từ lâu đã trở nên căng thẳng do sự hỗ trợ của Islamabad đối với Taliban và các nhóm chiến binh khác. Căng thẳng gia tăng mùa thu năm ngoái khi hàng nghìn người tị nạn Afghanistan ở Pakistan đã buộc phải chạy trốn trong bối cảnh bạo lực gia tăng.
Cùng với việc EU đã trục xuất 80.000 người tị nạn trở về Afghanistan và cuộc khủng hoảng kinh tế của nước này, Afghanistan đang phải chịu hàng loạt áp lực nặng nề.
5. Ukraine
Sau gần ba năm xung đột và khoảng 10.000 người thiệt mạng, Foreign Policy cho rằng sự can thiệp quân sự của Nga đang ảnh hưởng tới tất cả các khía cạnh đời sống chính trị ở Ukraine. Chia rẽ về xung đột và tê liệt bởi tham nhũng, Ukraine đang hướng về sự bất ổn nghiêm trọng hơn nữa.
Trong khi đó, Kiev cũng đang lo ngại việc chính quyền của ông Trump đang nghiêng về việc cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như khả năng Mỹ có thể hủy bỏ biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Thỏa thuận hòa bình Minsk tháng 2/ 2015 đang bị đình trệ - điều đưa Nga đang tiến gần đến việc đạt được hai mục tiêu trong cuộc xung đột Ukraine: thành lập các tổ chức chính trị ủng hộ Nga ở miền đông Ukraine, cũng như bình thường hóa hoạt động sáp nhập Crimea vào năm 2014.
Trong nội bộ Ukraine, sự căng thẳng cũng đang diễn ra khi nhiều nhà lãnh đạo lên nắm quyền sau biểu tình Maidan năm 2014 hiện tại cũng đang dính líu tới những bê bối tham nhũng. Sự ủng hộ của phương Tây đối với Tổng thống Petro Poroshenko hiện cũng đang giảm khi không sẵn sàng hoặc chưa thể thực hiện cải cách kinh tế và các biện pháp chống tham nhũng mạnh mẽ. Những vấn đề Poroshenko có thể sẽ hiện hữu nếu cuộc bầu cử quốc hội sớm được tổ chức vào năm 2017, trong đó các đảng thân Nga có thể sẽ giành được nhiều thắng lợi.
6. Mexico
Sự căng thẳng cao độ giữa Hoa Kỳ và Mexico dường như là không thể tránh khỏi sau khi trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố xây dựng một bức tường biên giới, trục xuất hàng triệu người nhập cư không có giấy tờ, và chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Ông Trump cũng “gắn nhãn” cho những người dân nhập cư Mexico như buôn bán ma túy, tội phạm và hiếp dâm – điều đã thu hút được sự ủng hộ từ các nhóm dân tộc chủ nghĩa trắng.
Tổng thống Mexico đang lo ngại về những thay đổi về chính sách của chính quyền Trump đối với nước này. (Nguồn: Reuters) |
Tổng thống Mexico Peña Nieto biết nước này không thể trở thành kẻ thù của người láng giềng hùng mạnh và do đó, giới tinh hoa chính trị và thương trường của Mexico được cho là đang cố thuyết phục ông Trump và các cố vấn thay đổi lập trường về nhập cư và thương mại tự do.
Nếu Mỹ theo đuổi một chính sách trục xuất lớn, điều này có nguy cơ sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh thậm chí tồi tệ hơn. Dòng người tị nạn và người di cư từ Mexico và Trung Mỹ hiện đang rời khỏi quê hương do sự gia tăng bạo lực và nạn đói nghèo.
Một cuộc khảo sát năm 2016 cho thấy bạo lực có vũ trang tại Mexico và Tam giác phía Bắc đã giết chết khoảng 34.000 người. Trong khi đó, việc tăng cường trục xuất và thực thi tuần tra biên giới sẽ chuyển hướng những người di dân không có giấy tờ sang các kênh nguy hiểm hơn – con đường của các băng nhóm tội phạm và các quan chức tham nhũng. Hoa Kỳ có thể phục vụ tốt hơn quyền lợi của mình bằng cách tăng cường quan hệ đối tác với Mexico để giải quyết các thiếu sót mang tính hệ thống - đã phát sinh bạo lực và tham nhũng.
(Theo Foreign Policy)