(Tổ Quốc) - Tuyên bố chung về hạt nhân của nhóm P5 là một tín hiệu tích cực giữa tình thế căng thẳng hiện tại. Tuy còn nhiều điều cần bàn về hiệu quả thực sự của nó, nhưng đây có thể xem là điểm nhấn vượt lên lịch sử xung đột về hạt nhân.
Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp – 5 trong số các cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới – ngày 3/1 đã cam kết cùng hướng tới "một thế giới không có vũ khí hạt nhân". Trong tuyên bố chung, các nước này khẳng định: "Không thể giành chiến thắng và không được phép tiến hành một cuộc chiến hạt nhân. Vì việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng khẳng định rằng vũ khí hạt nhân - chừng nào chúng còn tồn tại – chúng chỉ phục vụ mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và ngăn chặn chiến tranh."
Tuyên bố của 5 cường quốc trên, còn được gọi là nhóm P5 vì đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng kêu gọi tất cả các quốc gia tạo ra một môi trường an ninh "có lợi hơn cho tiến trình giải trừ quân bị với mục tiêu cuối cùng là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, đảm bảo an ninh cho tất cả mọi người".
Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, Nga là bên khởi xướng việc đưa ra tuyên bố này với ý định cộng hưởng tác động cùng Hội nghị đánh giá lại Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT) của Liên hợp quốc dự kiến tổ chức tại New York tuần này nhưng đã bị hoãn vì dịch Covid-19.
Tạm gạt bỏ căng thẳng Tây - Đông
Trước tiên, có thể nói rằng đây là một tuyên bố chung hiếm hoi tạm gạt bỏ được căng thẳng Tây – Đông và vượt lên sự căng thẳng đang ở mức cao hiếm thấy giữa các cường quốc trên thế giới. Tại châu Âu, sự hiện diện quân đội quy mô lớn của Nga dọc theo biên giới với Ukraine đang gây nên sự cảnh giác cao độ cho Mỹ, Anh và Pháp. Tại châu Á, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington cùng các đồng minh ở Thái Bình Dương.
Trong khi đó, tại chảo lửa Trung Đông, giữa bối cảnh cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và các cường quốc đang chưa đạt được nhiều tín hiệu tích cực, Israel – một đồng minh của Mỹ và là đối thủ không đội trời chung của Tehran – tuyên bố có thể sử dụng vũ lực để hạn chế sự phát triển hạt nhân của Iran mà không cần thông báo cho Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc đưa ra được một tuyên bố chung là một tín hiệu tích cực đáng kể. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông tin cho hãng thông tấn Nga (TASS) rằng: Tuyên bố trên "đã được đàm phán thông qua các kênh ngoại giao" và "phản ánh toàn diện lập trường của các bên và các nhà lãnh đạo". Hiểu được tầm quan trọng và tác động của tuyên bố chung này, các cường quốc hạt nhân quyết định không trì hoãn việc công bố nó, TASS cho biết.
Tuyên bố này cũng thể hiện lập trường xuyên suốt của các cường quốc hạt nhân này từ thế kỷ 20 đến nay. Từ sau thảm hoạt hạt nhân tại Hiroshima và Nagasaki tại Nhật Bản năm 1945, dù thế giới vẫn xảy ra nhiều cuộc chiến và xung đột và các cường quốc vẫn liên tục tăng cường kho hạt nhân của họ, loại vũ khí này chưa từng được sử dụng thêm một lần nào nữa. Một số nội dung của tuyên bố mới nhất này, bao gồm cam kết hướng tới một thế giới phi hạt nhân, tương đồng với một tuyên bố trước của 5 quốc gia này tại một hội nghị vào tháng 12 ở Paris, sự kiện đặt nền tảng cho quá trình đánh giá lại NPT.
Sâu xa hơn, tuyên bố không thể thắng trong một cuộc chiến hạt nhân lần này giống với ngôn ngữ được Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà đồng cấp Nga Vladimir Putin sử dụng sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6/2021 và của Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev sử dụng sau hội nghị thượng đỉnh năm 1985 đều tại Thụy Sĩ.
Không thể thành hiện thực khi chưa tháo bỏ nghi kỵ
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa tuyên bố này còn là một chặng đường dài chưa nhìn thấy điểm cuối. Song song với việc đưa ra văn bản chung, giữa các cường quốc hạt nhân còn tồn tại sự nghi kỵ rất lớn. Trước hết là sự thiếu tin cậy rõ rệt Đông – Tây. Ngay sau khi tuyên bố chung được đưa ra, Trung Quốc ngày 4/1 cho biết họ sẽ tiếp tục "hiện đại hóa" kho vũ khí hạt nhân, đồng thời kêu gọi hai cường quốc hàng đầu là Mỹ và Nga giảm kho dự trữ hạt nhân của hai nước này. Tuyên bố của Bắc Kinh là nhằm đáp trả lại nhiều chỉ trích của phương Tây về tiến trình phát triển hạt nhân của Trung Quốc.
Phương Tây đang ngày càng lo ngại quá trình hiện đại hóa quân sự nhanh chóng của Trung Quốc, đặc biệt là sau khi các lực lượng vũ trang Trung Quốc năm ngoái tuyên bố đã phát triển được một loại tên lửa siêu thanh có thể bay với tốc độ gấp 5 lần âm thanh. Mỹ cũng cho biết Trung Quốc đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của nước này với 700 đầu đạn vào năm 2027 và có thể lên tới 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Thêm vào đó, giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ cũng đang tồn tại rất nhiều bất đồng, đặc biệt là về phát triển hạt nhân và quân sự. Là hai cường quốc từ thế kỷ 20 đến nay, hạt nhân luôn là một phần không thể thiếu trong bất kỳ kế hoạch, chương trình quốc phòng nào của hai nước này. Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA), Nga được cho là nước có kho dự trữ đầu đạn hạt nhân lớn nhất thế giới, với 6.255 đầu đạn. Theo sát phía sau là Mỹ với 5.550 đầu đạn. Và trong khi kịch bản dàn quân của hai nước này ở bất cứ nơi nào trên thế giới đều dấy lên sự báo động cao độ cho phía bên kia, thì việc triệt tiêu hạt nhân trước, của bất kỳ nước nào, đều rất khó xảy ra.
Trong bối cảnh không hề có sự tin cậy lẫn nhau giữa các ông lớn này, việc đưa tuyên bố chung của họ vào thực tế còn một chặng đường rất dài. Thực tế lịch sử xuyên suốt từ thế kỷ 20 tới nay đã chứng minh điều đó.