(Tổ Quốc) - Israel đang là điểm nóng thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, ở khía cạnh nào đó, quan hệ giữa Israel và Nga vẫn có chút đặc biệt.
Israel thúc đẩy ảnh hưởng rộng
Nhiều quốc gia muốn kết bạn với Israel vào thời điểm hiện tại. Có lẽ, điều ngạc nhiên nhất là thế giới Ả-rập đang dồn chú ý vào Israel.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp tại điện Kremlin vào 7/6/2016. Ảnh:AFP |
Tuy nhiên, nếu sự thay đổi là thực sự thì điều này cũng rất dễ hiểu. Tại một hội nghị nghiên cứu về Trung Đông, khi một nhà nghiên cứu Ả-rập đã đặt ra câu hỏi: Khi nào các quốc gia Ả rập sẽ chấp nhận Israel?
Ngay sau đó là câu trả lời súc tích: Khi họ nhận ra sự có mặt của Israel tốt hơn là việc không có Israel ở đó.
Các quan chức chính phủ Israel và nhiều nhà phân tích bày tỏ hứng thú với gợi ý thúc đẩy quan hệ với Israel sẽ thúc đẩy nhiều lợi ích cho khu vực. Chia sẻ các thách thức từ Iran và các tổ chức khủng bố, chiến lược hợp tác với Israel của một số nước dường như là một phần giải pháp trong cuộc chiến chống lại kẻ thù của họ và thiết lập lại trật tự ổn định khu vực.
Tuy nhiên, thực tế, các quốc gia Ả-rập có lý do riêng của họ nhằm thúc đẩy quan hệ với Israel trong khu vực.
Đặc biệt, Israel đã liên tục trải qua thời gian phát triển trong thập kỷ qua. Đầu tiên, cuộc cách mạng năng lượng trong khu vực đã giúp Israel trở thành một quốc gia độc lập đồng thời cũng là một nước xuất khẩu năng lượng. Trong 10 năm gần đây, thỏa thuận trị giá 15 tỷ đôla giữa các công ty Israel và Ai Cập về thương vụ khí đốt tự nhiên là một bước ngoặt thay đổi trong chính trị giữa Israel và thế giới Ả-rập. Thỏa thuận giúp Ai Cập thu lợi nhuận từ việc hóa lỏng và tái xuất khẩu khí đốt để bán cho châu Âu và châu Phi nhằm thúc đẩy triển vọng ngành năng lượng khu vực đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai nước từng là cựu thù.
Các chuyên gia cho rằng, Israel có thể sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ tương hỗ về kinh tế với Hội đồng hợp tác cùng các nước Ả rập Vùng Vịnh. Các quốc gia vùng Vịnh đã từng có báo cáo nhận được sự ủng hộ từ Israel trong cuộc chiến đối phó với khủng bố thông qua công nghệ giám sát tiên tiến và hoạt động chia sẻ tình báo. Quá trình hợp tác kỹ thuật dân sự diễn ra trong bối cảnh các quốc gia vùng Vịnh chuyển sang đa dạng hóa nền kinh tế.
Các lợi ích cũng gia tăng vào thời điểm các quốc gia Ả rập tiếp tục tăng cường hợp tác với Israel. Điều này đồng nghĩa với việc “ngó lơ” đối với vấn đề Palestine. Trong khi các chính phủ vẫn còn có các cam kết đối với Palestine thì dường như họ đang thấy ngày càng mệt mỏi đối với các vấn đề của quốc gia này. Theo các nhà quan sát, quá trình hợp tác giữa các quốc gia Ả-rập trong suốt 4 thập niên qua với Palestine dường như mang lại cho họ ít lợi ích. Bởi lẽ đó, sự mất kiên nhẫn của chính phủ Ả-rập đối với Palestine ngày càng gia tăng. Iran và các quốc gia Ả rập chỉ sử dụng Palestine giống như một công cụ nhằm đấu tranh giành quyền thống trị khu vực.
Sợi dây giữa Nga và Israel
Moscow đã liên tục bày tỏ mong muốn bảo vệ Israel trong căng thẳng vụ máy báy không người lái do Iran sản xuất được phóng từu Syria tấn công vào Israel vào tháng Hai vừa qua.
Phó đại sứ Nga tại Israel Leonid Frolov cho biết: “Trong trường hợp có bất kỳ động thái gây hấn nào đối với Israel, không chỉ riêng Mỹ mà cả Nga cũng sẽ luôn bên cạnh Israel. Israel là một quốc gia thân thiện vì thế chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ hành động khiêu khích nào đối với quốc gia này”.
Nga là đồng minh kiên định với Syria. Moscow liên tục hỗ trợ chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad trong nội chiến căng thẳng suốt 7 năm qua.
“Syria là quốc gia có chủ quyền và người Syria có quyền bảo vệ quốc gia họ”, ông Frolov nói.
Israel nhiều lần khẳng định sẽ nỗ lực ngăn chặn các ảnh hưởng của Iran tại Syria.
Liên quan đến việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga tại một số nước vào ngày 26/3, Israel đã bác bỏ các thông tin này.
Bộ Ngoại giao Israel thậm chí còn phản ứng: “Không bình luận” khi được hỏi về việc Israel có đi theo lập trường của Mỹ, Canada và 20 quốc gia châu Âu về quyết định trục xuất 100 nhà ngoại giao Nga.
Vụ đầu độc cựu điệp viên người Nga Sergey Skripal đang khiến cho thế giới nhiều căng thẳng trong thời gian gần đây. Anh liên tục đưa ra các cáo buộc Moscow có liên quan đến vụ việc này.
Cách đây 2 tuần, Israel đã lên án về vụ việc liên quan đến cái chế của cựu điệp viên người Nga. Tuy nhiên, nước này không đề cập bất kỳ liên quan gì đến Moscow.
Anh bày tỏ không hài lòng với tuyên bố này của Israel.
“Chúng tôi mong đợi các ủng hộ mạnh mẽ từ các đối tác thân thiết của chúng tôi, trong đó có Israel”, các quan chức đại sứ quán Anh tại Israel cho biết.
Một ngày sau khi Anh yêu cầu có bình luận chính thức, Israel chỉ “khiêm tốn” đưa ra tuyên bố mà không hề nhắc tới Nga.
“Israel quan tâm đặc biệt đến sự kiện diễn ra tại Anh và lên án hành động này. Chúng tôi hi vọng cộng đồng quốc tế sẽ chung tay ngăn chặn các sự kiện đáng tiếc như vậy trong tương lai”, Israel tuyên bố.