• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điểm nóng xung đột châu Phi: Nga và Trung Quốc chung hành động

Thế giới 12/01/2022 13:53

(Tổ Quốc) - Hôm thứ Ba, Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn hành động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới đối với Mali vì quyết định của các nhà lãnh đạo quân sự nước này trì hoãn cuộc bầu cử vào tháng tới cho đến năm 2026.

Đại sứ Liên hợp quốc tại Kenya Martin Kimani cho biết, sau phiên thảo luận kín về một văn bản do Pháp dự thảo, trong đó đề xuất tán thành các lệnh trừng phạt do nhóm quốc gia khu vực Tây Phi ECOWAS áp đặt đối với Mali, ông "thất vọng" vì Hội đồng bảo an không thể đồng ý về điều mà ông coi là một tuyên bố báo chí "tương đối nhẹ".

Kimani cho biết việc Hội đồng Bảo an không ủng hộ các hành động của ECOWAS đã thúc đẩy ba thành viên châu Phi của họ - Kenya, Ghana và Gabon – phải thể hiện lập trường riêng một cách công khai để ủng hộ hoàn toàn quan điểm của khối trong khu vực, "bao gồm cả việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các cơ quan quân sự ở Mali để đảm bảo một quá trình chuyển đổi nhanh chóng theo hiến pháp".

Xung đột dai dẳng buộc LHQ hành động

Mali đã phải vật lộn để ngăn chặn một cuộc nổi dậy Hồi giáo cực đoan kể từ năm 2012. Các phiến quân cực đoan đã bị buộc phải từ bỏ quyền lực ở các thành phố phía bắc của Mali với sự trợ giúp của một chiến dịch quân sự do Pháp dẫn đầu, nhưng họ đã tập hợp lại tại khu vực sa mạc và bắt đầu phát động các cuộc tấn công vào quân đội Mali và các đồng minh. Tình trạng mất an ninh ngày càng trở nên tồi tệ khi xảy ra nhiều cuộc tấn công nhằm vào dân thường và lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Điểm nóng xung đột Mali: Nga và Trung Quốc chung hành động - Ảnh 1.

Xung đột vẫn còn dai dẳng tại Mali. LHQ cũng đã phải cử lực lượng tới nước này. Ảnh: Borgenmagazine.

Vào tháng 8 năm 2020, Tổng thống Mali Boubacar Ibrahim Keita bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Tháng 6 năm ngoái, Đại tá Assimi Goita tuyên thệ nhậm chức tổng thống của chính phủ chuyển tiếp sau khi thực hiện cuộc đảo chính thứ hai trong vòng chín tháng. Chính quyền ban đầu đã đồng ý tổ chức một cuộc bầu cử mới vào cuối tháng Hai năm nay nhưng giới lãnh đạo quân đội hiện nói rằng cuộc bỏ phiếu sẽ không diễn ra cho đến năm 2026 vì tình trạng bất ổn ngày càng nghiêm trọng trên khắp đất nước. Thông báo này sẽ đưa ông Goita lên nắm quyền thêm bốn năm.

Các nhà lãnh đạo của ECOWAS vào Chủ nhật đã phản ứng lại động thái của Goita, cho rằng thời gian biểu bị trì hoãn tại Mali là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và điều đó "đơn giản là một chính phủ chuyển đổi quân sự bất hợp pháp sẽ bắt người Mali làm con tin trong 5 năm tới."

Nhóm ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, đình chỉ hầu hết các khoản viện trợ tài chính và thương mại cho Mali, đóng cửa biên giới trên bộ và trên không giữa Mali với các thành viên khác của ECOWAS và kích hoạt lực lượng dự phòng của khối, đồng thời nói rằng "họ sẽ phải sẵn sàng cho mọi tình huống xảy ra".

Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp và các thành viên Hội đồng Bảo an khác đã thể hiện sự ủng hộ các hành động của ECOWAS.

Phó đại sứ Anh James Kariuki khẳng định quyết định trì hoãn bầu cử của Mali là "đáng thất vọng sâu sắc", nói rằng "nó đặt ra câu hỏi về cam kết của các cơ quan chuyển tiếp đối với dân chủ và pháp quyền, bất chấp những đảm bảo đã được đưa ra cho các thành viên của hội đồng này trong chuyến thăm của chúng tôi đến Bamako vào tháng 10 năm ngoái".

Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cáo buộc chính phủ chuyển tiếp của Mali "thiếu ý chí chính trị rõ ràng ... để đạt được tiến bộ trong việc tổ chức bầu cử" và cho biết quá trình chuyển đổi kéo dài 5 năm "chỉ kéo dài nỗi đau của người dân".

Ba nước này cũng chỉ trích mạnh mẽ sự hiện diện của đơn vị quân sự tư nhân Nga, Tập đoàn Wagner, ở Mali.

Đại sứ Pháp Nicolas De Riviere nhắc lại sự lên án của đất nước ông đối với việc triển khai lính đánh thuê từ nhóm Wagner, và bày tỏ sự tiếc nuối rằng các nhà chức trách chuyển tiếp của Mali "đang sử dụng quỹ công vốn đã hạn chế để trả lương cho lính đánh thuê nước ngoài thay vì hỗ trợ các lực lượng quốc gia và các dịch vụ công vì lợi ích của người dân Mali".

Không vượt qua được hành động của Nga

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã nói rằng công ty này có quyền hoạt động "hợp pháp" ở quốc gia Tây Phi vì họ được chính phủ chuyển tiếp Mali mời tới. Nhà ngoại giao Nga cũng khẳng định rằng chính phủ Nga không liên quan.

Đại sứ Mali tại Liên hợp quốc Issa Konfourou, thông tin với Hội đồng Bảo an rằng không có lính đánh thuê nào trên đất Mali. Ông cho biết các huấn luyện viên Nga đang ở Mali để tham vấn và huấn luyện quân đội của nước này cách sử dụng các thiết bị quân sự mà chính phủ mua lại từ Nga.

Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia cho biết: "Sự chỉ trích xung quanh công ty Nga là một biểu hiện khác của tiêu chuẩn kép, vì rõ ràng thị trường cho các dịch vụ như vậy là do các nước phương Tây độc quyền".

Còn nhà ngoại giao Konfourou cho biết chính phủ nước này "bị sốc" trước các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính của ECOWAS và" lên án mạnh mẽ các biện pháp bất hợp pháp và không phù hợp này". Ông cho biết Goita đã yêu cầu ECOWAS "xem xét lại cách giải thích của họ về tình hình ở Mali", nước này vẫn mở cửa đối thoại với khối ECOWAS. Nhà ngoại giao này cũng "nhắc lại sự sẵn sàng không tiếc nỗ lực để đảm bảo nhanh chóng khôi phục trật tự hiến pháp ở Mali một cách an toàn và an ninh".

Các nhà ngoại giao Liên hợp quốc cho biết Nga coi tuyên bố được đề xuất lên hội đồng bảo an là không cân bằng, và ông Nebenzia có thiện cảm với chính phủ chuyển tiếp Mali.

Đại sứ Nga cho biết: "Chúng tôi hiểu và nhận thức được những khó khăn mà chính quyền Mali gặp phải khi chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử. Chúng tôi đồng tình với thực tế là nếu không khôi phục quyền kiểm soát của chính phủ ở nhiều vùng, miền của đất nước thì sẽ khó coi cuộc bỏ phiếu là chính đáng".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ