• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn biến Ấn Độ - Trung Quốc: Cơ hội hẹp hàn gắn căng thẳng biên giới

Thế giới 10/09/2020 16:38

(Tổ Quốc) - Giới phân tích cho rằng sẽ rất khó có được các đột phá giải tỏa căng thẳng trong các đàm phán cấp cao ở Moscow vào ngày 10/9.

Theo trang SCMP, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không tỏ ra sẵn sàng lùi bước và nói rằng cuộc đối đầu căng thẳng có thể tiếp tục kéo sang mùa đông.

Các nhà phân tích nhận định, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có quan điểm cứng rắn vấn đề tranh chấp biên giới trong cuộc họp cấp cao giữa các bộ trưởng ngoại giao. Vì vậy, bất kỳ thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng dọc biên giới Himalayas sẽ rất khó thông qua.

Diễn biến Ấn Độ - Trung Quốc: Cơ hội hẹp hàn gắn căng thẳng biên giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Mặc dù các cuộc đàm phán như vậy được cho là nhân tố quan trọng giải quyết các rủi ro xung đột nhưng các căng thẳng và xung đột được cho sẽ không dễ dàng dịu đi sớm.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và lãnh đạo đồng cấp Ấn Độ - Subrahmanyam Jaishankar sẽ có cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên bên lề hội nghị Tổ chức hợp tác Thượng Hải tại Moscow vào ngày 10/9 kể từ khi căng thẳng quân sự diễn ra hồi đầu tháng Năm. Cuộc họp giữa các bộ trưởng quốc phòng các nước diễn ra vào thứ Sáu tuần trước dường như đang rơi vào bế tắc. Theo nhà nghiên cứu Zhao Gancheng thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, sự việc gần đây nhất, trong đó có hai bên cáo buộc lẫn nhau về việc xả súng gần hồ Pangong ở Ladakh đã khiến hai nước tự cảm thấy căng thẳng leo thang và buộc phải cố gắng hạ nhiệt tình hình.

"Cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với vấn đề căng thẳng biên giới lâu dài của Trung Quốc và Ấn Độ. Bất chấp các khó khăn và tồn tại giữa hai nước, đây là cơ hội hẹp cho hai bên tìm kiếm giải pháp chính trị trong hòa bình", ông nói.

Bà Yun Sun – nghiên cứu cấp cao tại trung tâm Stimson ở Washington cũng nói rằng hai bên đã sử dụng các đàm phán quân sự và ngoại giao để "tối đa hóa những gì mà hai nước xem là lợi ích quốc gia". Tuy nhiên, diễn biến xấu đi trong quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, đặc biệt sau cuộc xung đột chết người hồi tháng Sáu, sẽ rất ít người mong đợi bất kỳ đột phá nào trong cuộc họp ở Moscow.

"Cảm giác bất bình của Ấn Độ đẩy lên đỉnh điểm căng thẳng khi nhận thức rằng Trung Quốc bác bỏ trở lại hiện trạng giống như trước tháng Năm. Tôi không cho rằng vấn đề sẽ nhanh chóng giải quyết ", bà Yun Sun nhấn mạnh.

Ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và một số lượng không xác định của quân binh Trung Quốc đã thiệt mạng trong xung đột biên giới hồi tháng Sáu tại Thung lũng Galwan, Ladakh. Từ sau đó, Ấn Độ đã áp dụng lệnh cấm sử dụng các ứng dụng của Trung Quốc và cấm đầu tư Trung Quốc vào nước này. New Delhi cũng đã tham gia vào nhóm an ninh bốn nước với Australia, Nhật Bản do Mỹ dẫn đầu nhằm đối phó với các thách thức từ Bắc Kinh. Trung Quốc gọi sự tham gia của bốn nước này là"chiến tuyến chống Trung Quốc".

Ông Zhao nói rằng, ngoài các căng thẳng ở biên giới, Trung Quốc ắt hẳn sẽ tìm cách ngăn cản New Delhi đứng về phía Washington trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường ngày càng gia tăng.

"Trung Quốc không muốn có bất kỳ đối thủ nào đứng trước ngưỡng cửa của mình và Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ cố gắng thuyết phục các lãnh đạo đồng cấp về mong muốn của Bắc Kinh vẫn là một đối tác đáng tin cậy để phát triển", ông Zhao nhấn mạnh.

Tuy nhiên, giới phân tích không hề lạc quan về tín hiệu cải thiện trong quan hệ song phương, đồng thời nói rằng hai nước dường như rất khó thu hẹp khoảng cách lớn như mong đợi.

Bắc Kinh lặp lại lời kêu gọi New Delhi gạt bỏ các bất bình và khác biệt trong quá khứ về vấn đề biên giới nhằm tránh các thiệt hại không thể khắc phục trong mối quan hệ chung, ông Jaishankar đưa ra gợi ý. Hãng thông tấn Press Trust of India trích dẫn lời nhà phân tích Jaishankar nhấn mạnh "quan điểm hòa bình và yên tĩnh ở biên giới là nền tảng cho quan hệ". Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ lâu đã "hoàn toàn tin tưởng hướng giải quyết tình hình phải xác định trong lĩnh vực ngoại giao". Tuy nhiên, ông Shashi Asthana, một vị tướng nghỉ hưu của Ấn Độ cho rằng, trong khi quan hệ cá nhân có thể hữu ích nhưng không thể lấn át lợi ích và tình cảm quốc gia.

"Trong khi cả hai bên không hề muốn xung đột thì hướng giải quyết sẽ ngày càng trở nên khó khăn bởi vì không bên nào muốn tỏ ra yếu thế", ông nói.

Không bên nào tỏ ra sẵn sàng lùi bước và có thể dẫn đến leo thang xung đột vũ trang nếu không có đột phá trong các đàm phán, giới phân tích cho biết đồng thời nói rằng các căng thẳng có thể leo thang đỉnh điểm ở dãy Himalaya trong mùa đông tới.

"Nếu quá trình rút quân có thể kiểm chứng của Trung Quốc không xảy ra thì chúng tôi lo ngại về diễn biến căng thẳng có thể diễn ra vào mùa đông và Ấn Độ chắc chắn sẽ chuẩn bị cho điều đó", ông Asthana nói, đồng thời cảnh bảo rằng có thể xảy ra sự cố giữa hai bên.

Bà Yun Sun tại Trung tâm Stimson lưu ý rằng xung đột biên giới đẫm máu vào năm 1962 đã diễn ra trong điều kiện khắc nghiệt từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11.

"Cả hai bên đang có những bất bình sâu sắc chưa thể giải quyết thông qua các cuộc gặp gỡ ngoại giao. Tình hình thậm chí có thể xấu hơn trước khi cả hai bên nhận ra giá trị chiến lược đứng ngoài cuộc với các chi phí bỏ ra", bà Sun nói.

"Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn liên minh chống lại Trung Quốc nhưng không có nghĩa là sẽ nhượng bộ lãnh thổ để đạt được mục tiêu đề ra", bà Sun nhấn mạnh.

"Vì vậy, tôi cho rằng có thể Trung Quốc đang muốn hàn gắn các mối quan hệ nhưng không thể đưa ra nhượng bộ quan trọng mà Ấn Độ yêu cầu", bà nói.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ