• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn biến bất ngờ từ Hàn Quốc và Đức: "Tín hiệu gì" cho các nước đang dỡ bỏ phong toả hậu COVID-19?

Thế giới 10/05/2020 09:23

(Tổ Quốc) - Bùng phát dịch mới và nỗi e sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai nhấn mạnh những nguy cơ mà các chính quyền phải đối mặt khi cố gắng tái mở cửa nền kinh tế.

AP đăng tải, hôm thứ 7 (9/5), thủ đô Seoul, Hàn Quốc đã phải đóng cửa hơn 2.100 quán bar và các tụ điểm ban đêm khác sau khi phát hiện một ổ dịch COVID-19 mới. Cùng lúc, Đức cũng đang nỗ lực tìm cách kiềm chế loạt ca nhiễm mới bùng phát tại một số lò mổ; còn Italy lo ngại người dân đang trở nên thiếu cảnh giác trong dịp cuối tuần đầu tiên sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng.

Bùng phát dịch mới và nỗi e sợ về làn sóng lây nhiễm thứ hai nhấn mạnh những nguy cơ mà các chính quyền phải đối mặt khi cố gắng tái mở cửa nền kinh tế.

Trên thế giới, Mỹ và các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 đang phải "vật lộn" tìm cách giảm tải các hạn chế lên kinh doanh và hoạt động công cộng mà không khiến virus bùng phát trở lại.

Diễn biến bất ngờ từ Hàn Quốc và Đức: "Tín hiệu gì" cho các nước đang dỡ bỏ phong toả hậu COVID-19? - Ảnh 1.

Diễu binh trong lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2 tại thủ đô Minsk, Belarus (ảnh: getty)

Tại Belarus – quốc gia từ chối áp dụng phong tỏa bất chấp số ca dương tính với virus tăng cao, hàng chục nghìn người đã tham dự buổi lễ kỷ niệm ngày chiến thắng Phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2. Hầu như không có ai trong số họ đeo khẩu trang. Đối lập lại, buổi lễ kỷ niệm tại Nga được tinh giảm tới tối đa khi hủy bỏ màn diễu binh, diễu hành hoành tráng trên Quảng trường Đỏ.

Cả Đức và Hàn Quốc đều tiến hành xét nghiệm COVID-19 ở quy mô lớn, theo dấu người nhiễm và từng được ca ngợi vì có thể giữ tỷ lệ tử vong vì virus ở mức thấp. Tuy nhiên, ngay cả tại 2 quốc gia này, chính quyền vẫn gặp khó khăn khi tìm cách cân bằng giữa cứu sống sinh mạng và "cứu vớt" việc làm.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm mới giảm là lý do để chính phủ "mạnh dạn" nới lỏng các hạn chế. Tuy nhiên, Seoul đã phải đóng cửa một loạt vũ trường và quán bar sau khi hàng chục ca nhiễm mới được phát hiện là có mối quan hệ với những người đi vũ trường vào cuối tuần trước.

Nhiều bệnh nhân có liên hệ với một người đàn ông 29 tuổi từng tới 3 câu lạc bộ đêm trước khi được xác định dương tính với COVID-19. Thị trưởng Seoul Park Won-soon cho hay, các nhân viên y tế đang tìm cách liên hệ với khoảng 1.940 người từng có mặt tại 3 câu lạc bộ trên và những địa điểm lân cận. Theo ông Park, những điều tích cực mà Hàn Quốc từng đạt được trong cuộc chiến chống virus giờ đây đang bị đe dọa "bởi một số người bất cẩn".

Diễn biến bất ngờ từ Hàn Quốc và Đức: "Tín hiệu gì" cho các nước đang dỡ bỏ phong toả hậu COVID-19? - Ảnh 2.

Người dân tại thủ đô Rome, Italy dần quay trở lại cuộc sống bình thường sau khi các lệnh hạn chế được nới lỏng (ảnh: getty)

Tại Đức, các ổ dịch bùng phát tại 3 lò mổ được coi là một bài kiểm tra cho chiến lược mà chính phủ Đức đang thực hiện nhằm đối phó với sự tái trỗi dậy của virus sau khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Tại một lò mổ ở Coesfeld, ít nhất 180 công nhân bị dương tính với virus.

Liên đoàn NGG đại diện cho các công nhân ngành công nghiệp thực phẩm của Đức nhận định, dịch bệnh bùng phát là kết quả của một "hệ thống yếu kém". Ông Freddy Adjan, một quan chức cấp cao của NGG nói, trong nhiều năm qua, ngành công nghiệp thịt Đức đã dựa vào "các nhà thầu phụ không minh bạch" để bóc lột công nhân.

Tương tự, giới chức Mỹ cũng đang chứng kiến một làn sóng lây nhiễm thứ hai – chỉ hơn 2 tuần sau khi các bang bắt đầu dần dần tái mở cửa, với Georgia đang "dẫn đầu".

Trong khi đó, các chính phủ đang phải đối mặt với những áp lực mới về cách xử lý cuộc khủng hoảng.


Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho biết, châu Âu phải thừa nhận rằng, họ "không chuẩn bị tốt" cho dịch bệnh bùng phát. Còn tại Mỹ, những email mà AP có được chỉ ra, quyết định "làm ngơ" các khuyến cáo chi tiết liên quan tới tái mở cửa kinh tế của những chuyên gia kiểm soát dịch bệnh - đến từ các cấp cao nhất trong Nhà Trắng.

Là một trong những nước bị thiệt hại nặng nề nhất vì COVID-19, Italy cũng bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, có những người dân đã đi quá xa so với những gì chính quyền mong đợi. Thị trưởng Milan Giuseppe Sala cảnh báo, một "nhóm người điên rồ" đang đưa quá trình phục hồi kinh tế của thành phố vào nguy hiểm, đồng thời đe dọa đóng cửa quận Navigli – một khu vực thu hút đông giới trẻ tại Milan.

Còn tại Rome, người làm kinh doanh gặp khó khăn về những gì được phép và không được phép sau khi nới lỏng hạn chế.

Ông Carlo Alberto, chủ một quán bar cho hay, kể từ khi tái mở cửa, quán của ông bị đe dọa sẽ phải nộp phạt cho cảnh sát bởi vì đám đông khách hàng tụ tập trước cửa. "Tôi có phải nói họ rời đi không? Cần phải có cảnh sát ở đây để làm vậy", ông Alberto chia sẻ. "Quy định không rõ ràng, chỉ thị không rõ ràng. Tôi không biết mình được phép làm những gì".

Tại Tây Ban Nha, những vùng chứng minh được rằng hệ thống bệnh viện của họ đã chuẩn bị để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ hai, có thể giảm bớt các quy định phong toả. Tuy nhiên, hai thành phố lớn nhất và cũng chịu ảnh hưởng bởi virus nặng nề nhất là Madrid và Barcelona, sẽ vẫn bị phong toả.

"Đại dịch đang tiến triển theo xu thế tích cực, nhưng vẫn có nguy cơ về bùng phát dịch bệnh dẫn tới hậu quả nghiêm trọng", ông Fernado Simon, một quan chức y tế của Tây Ban Nha cảnh báo. "Trách nhiệm cá nhân là điều không thể thiếu".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ