• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn biến quan hệ Mỹ-Trung trước ngày "trọng đại" của Liên Hợp Quốc

Thế giới 20/09/2020 14:27

(Tổ Quốc) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến đều sẽ có bài phát biểu tại các phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới.

Tờ SCMP đưa tin, đại dịch COVID-19 cùng mối quan hệ căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia đóng góp nhiều nhất cho Liên Hợp Quốc (LHQ) là Mỹ và Trung Quốc, đang phủ "bóng đen" lên dịp kỷ niệm 75 năm thành lập của tổ chức quốc tế này.

Tuần này, dự kiến cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đều sẽ có bài phát biểu tại các phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Vai trò ngày càng mở rộng của Bắc Kinh trong các thể chế đa phương đối lập với sự thu hẹp của Washington, nhiều khả năng sẽ trở thành một trong những tâm điểm của kỳ họp.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra thông cáo, trong đó nhấn mạnh lập trường của Bắc Kinh về hợp tác quốc tế và các thách thức toàn cầu chủ chốt, bao gồm cả COVID-19 và biến đổi khí hậu.

"Dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ đem tới những cơ hội quan trọng. Và trong khi thế giới chiến đấu với COVID-19, điều quan trọng hơn là cần phải làm mới lại những sứ mệnh khởi nguồn của LHQ, thúc đẩy đồng thuận quốc về trong việc xây dựng một cộng đồng với một tương lai được chia sẻ cho nhân loại", văn kiện nêu rõ.

Liên Hợp Quốc trước nguy cơ trở thành "sân khấu" mới cho đối đầu Mỹ-Trung - Ảnh 1.

Cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến đều sẽ có bài phát biểu tại các phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sắp tới (ảnh: getty)

Phó giáo sư Wayne Tan từ Đại học Quốc gia Chung Hsing, Đài Loan kỳ vọng bài phát biểu của Chủ tịch Tập tại Đại hội đồng sẽ phù hợp với nội dung nêu trong thông cáo trên.

"Mặc dù văn kiện không trực tiếp đề cập tới Mỹ nhưng ngôn ngữ của nó lại ám chỉ tới Mỹ bằng cách nói về chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương và hành vi bắt nạt", ông Tan giải thích.

Văn kiện của Trung Quốc cũng kêu gọi cần có một phản ứng cụ thể mang tính toàn cầu trước COVID-19, tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển châu Phi và Đông Nam Á, đồng thời triển khai Công ước khung LHQ về Biến đổi Khí hậu và Hiệp định Paris.

"Tình cờ là tài liệu lại bao gồm những thứ ông Trump từng nói không muốn làm… Nó giống như tuyên bố với mọi người rằng, Mỹ không muốn làm những thứ này nhưng chúng tôi sẵn sàng thực hiện chúng với những nước khác", vị phó giáo sư nhận định.

Lần đầu tiên cuộc họp Đại hội đồng LHQ được tổ chức trực tuyến vì dịch bệnh. Thứ Bảy tuần trước, một nghị quyết về đối phó với COVID-19 đã được thông qua với sự đồng thuận của 169 thành viên. Mỹ và Israel là hai quốc gia duy nhất bỏ phiếu "không".

Theo Reuters, một tuyên bố nhằm đánh dấu dịp kỷ niệm có chứa cụm từ "tầm nhìn của chúng ta vì một tương lai chung" cũng đã vấp phải sự phản đối của Mỹ, Anh, Nhật Bản, Ấn Độ, Canada và Australia bởi vì họ cho rằng đấy là lời lẽ của Chủ tịch Trung Quốc. Cuối cùng, bên soạn thảo phải bỏ cụm từ đi.

Giáo sư khoa học chính trị từ Đại học Pennsylvania là Jacqué deLisle cho biết, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thúc đẩy để Trung Quốc đảm nhận một vai trò tích cực hơn trong việc định hình các quy định và thể chế quốc tế. Và điều này vô hình chung đã nhấn mạnh vào các giá trị khác xa so với Mỹ.

"Trung Quốc rất quyết tâm theo đuổi các quy phạm không giống với những gì mà Mỹ đã theo đuổi", bà deLisle nói. "Nó rất khác biệt, tập trung rất ít vào sự cởi mở quốc tế, ví dụ như ở không gian mạng hoặc các luật lệ quốc tế hoặc nhân quyền".

Một vấn đề từng vắng bóng trong chương trình nghị sự của LHQ trong những năm gần đây nhưng hiện tại lại đang nhận được nhiều sự chú ý là tư cách thành viên của Đài Loan (Trung Quốc). Đài Bắc nhận được nhiều lời ngợi khen cho những nỗ lực đối phó với COVID-19. Tuy nhiên, hòn đảo không được gia nhập WTO hoặc tham dự các cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) kể từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền vào năm 2016.

Hãng AP đăng tải, ngày 16/9 vừa qua, Đại sứ Mỹ tại LHQ Kelly Craft đã gặp gỡ quan chức cấp cao của Đài Loan tại Mỹ là James KJ Lee. Theo bà Craft, họ đã thảo luận các cách thức khác nhau để giúp Đài Loan tham gia được nhiều nhất có thể vào LHQ và các tổ chức trực thuộc.

Bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington nhận xét, Đài Loan đang ngày càng được coi là một đối tác quan trọng của Mỹ với các giá trị tương tự và có thể đóng góp vào các vấn đề toàn cầu.

"Chính quyền Trump hầu như không để ý tới thái độ tức giận của Bắc Kinh trước những hành động nhằm tăng cường hợp tác với Đài Loan và ủng hộ sự tham gia của Đài Loan vào cộng đồng quốc tế", bà nói.

Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình và thề sẽ dùng vũ lực để thực hiện điều đó nếu cần thiết. Trước đây Đài Loan không tập trung vào mục tiêu gia nhập LHQ mà nhìn vào những tổ chức có ý nghĩa hơn như WHA, nơi Đài Loan từng được phép cử đại diện tham gia từ năm 2009 tới 2016.

Cơ hội tiếp theo để Đài Loan đạt được vai trò quan sát viên sẽ là vào tháng Mười một khi phiên họp của WHA được khôi phục. Bà Glaser dự đoán, cũng có khả năng là Mỹ hoặc các thành viên LHQ khác sẽ đưa vấn đề để Đài Loan tham gia WHA tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ sắp tới.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ