(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, bão Francine đã suy yếu vào ngày 12/9 sau khi đổ bộ vào bang Louisiana với cường độ bão cấp 2 khiến hàng trăm nghìn khách hàng rơi vào tình trạng mất điện, gây ra hiện tượng triều cường ở các cộng đồng ven biển và lo ngại về lũ lụt ở thành phố New Orleans cũng như nhiều nơi khác.
Sau bão, các đội cứu hộ đã khôi phục mạng lưới điện ở các khu dân cư và hiện đang tiếp tục dọn dẹp đường sá và nhà ở.
"Người dân ở bang Louisiana đã kiên cường vượt qua bão và giữ tinh thần khắc phục hậu quả bão lũ. Chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với những thời điểm khó khăn và tình huống thử thách, nhưng đó cũng là lúc chúng ta phải sẵn sàng chống chọi để vượt qua", Thống đốc bang Louisiana Jeff Landry nói.
Vào thời gian xảy ra cơn bão, 450.000 hộ gia đình ở Louisiana đã không có điện. Nhiều hộ gia đình mất điện bởi những mảnh vỡ rơi xuống. Có thời điểm, khoảng 500 người đã phải ở các nơi trú ẩn khẩn cấp, các quan chức cho biết.
Ông Deanne Criswell, Quản trị viên của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang, người đã tham dự cuộc họp báo của thống đốc, cho biết việc đầu tư tài chính kịp thời đã đạt hiệu quả do bão gây ra, từ khắc phục nhanh chóng tình trạng mất điện đến giải cứu người dân bị mắc kẹt.
Bão Francine đã tấn công bờ biển Louisiana vào tối ngày 12/9 với sức gió 100 dặm/giờ (155 km/giờ), gây ảnh hưởng nghiêm trọng vào vùng ven biển mong manh vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau một loạt các cơn bão tàn khốc vào năm 2020 và 2021.
Sau đó, bão tiếp tục đổ bộ vào thành phố New Orleans, mang theo những trận mưa như trút nước. Thành phố thức giấc trong tình trạng mất điện trên diện rộng và những con phố phủ đầy mảnh vỡ.
Sau khi đổ bộ, bão Francine ở cấp 2 đã nhanh chóng suy yếu với sức gió vùng gần tâm bão là 85 km/h. Do ảnh hưởng của mưa bão, các trường học và cơ quan chính phủ tại bang Louisiana dự kiến đóng cửa cho đến hết ngày 13/9 để đảm bảo an toàn. Lệnh giới nghiêm đã được ban bố ở nhiều khu vực.
Người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Dù bão Francine đã nhanh chóng suy yếu nhưng các hình ảnh từ hiện trường cho thấy nhiều ngôi nhà bị hư hại, đường sá ngập lụt và người dân đang cố gắng ứng phó với tình hình khẩn cấp.
Hình ảnh ghi lại cho thấy nước lũ gần như đã nhấn chìm một chiếc xe bán tải trong đường hầm ở New Orleans, khiến tài xế bị kẹt bên trong. Một y tá phòng cấp cứu 39 tuổi sống gần đó đã cầm lấy một chiếc búa, lội xuống nước cao ngang thắt lưng, đập vỡ cửa sổ và kéo tài xế bị mắc kẹt ra ngoài. Toàn bộ sự việc đã được đoàn làm phim WDSU ghi lại trên truyền hình trực tiếp.
"Lúc đó, tôi chỉ suy nghĩ đưa anh ấy ra khỏi đó", y tá Miles Crawford chia sẻ.
Tài xế nói rằng nước đã ngập đến đầu tài xế và đang dâng lên. Y tá Crawford đã bảo người đàn ông di chuyển đến phía sau cabin xe tải, điều này giúp anh ta có nhiều không gian hơn để giải thoát.
Theo Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ, cảnh báo lũ lụt có hiệu lực đối với khoảng 8 triệu người dân trên khắp các khu vực của Tennessee, Alabama, Mississippi và Georgia. Lượng mưa lớn lên tới 15 cm sẽ tiếp tục diễn ra ở một số vùng của các bang Mississippi, Arkansas, Tennessee và Georgia, 25 cm ở một số vùng của hai bang Alabama và Florida. Lũ quét đe dọa các thành phố xa xôi như Jackson (bang Mississippi), Birmingham (bang Alabama) và Memphis (bang Tennessee).
Ở những nơi khác, các cảnh quay tin tức từ các cộng đồng ven biển sau khi bão Francine đổ bộ cho thấy sóng từ các hồ, sông và vùng nước Vịnh đập vào đê chắn sóng. Nước tràn vào các đường phố trong những trận mưa như trút nước. Cây cối cong queo trong gió.
Những ngôi nhà ở phía nam Louisiana đã tránh được cơn bão dữ dội nhất nhờ hệ thống đê và cửa xả lũ vững chắc. Mặc dù vậy, những con sóng trắng xóa hình thành và đập vào ngôi nhà cũng khiến bà Debra Matherne lo sợ.
"Ngôi nhà rung chuyển nhưng không bị hư hại gì nghiêm trọng, và chỉ bị thổi bay lưới chắn bên ngoài", bà Matherne, 66 tuổi, cho biết.
Ở những nơi khác, cảnh sát địa phương đã giúp sơ tán hàng chục người, bao gồm nhiều trẻ nhỏ, bị mắc kẹt do nước dâng cao trước khi bão đổ bộ tại Thibodaux.
Ở thành phố Morgan City, người dân đã gom những cành cây nằm rải rác khắp sân, nơi nước dâng gần đến cửa nhà họ. Pamela Miller, 54 tuổi, bước ra ngoài để khảo sát thiệt hại sau khi một cây lớn đổ xuống mái nhà của bà.
"Đó là một tiếng động thực sự lớn, ví như một cú giật. May mắn là cây không xuyên qua mái nhà", bà Miller nói.
Louisiana là vùng trũng và đây là một trong những địa phương của Mỹ từng gánh chịu hậu quả nặng nề của cơn bão Katrina hồi tháng 8/2005 khi cơn bão này đổ bộ vào thành phố New Orleans. Tổng cộng, cơn bão này đã cướp đi sinh mạng của trên 1.300 người tại Mỹ./.