• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Diễn biến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và nỗ lực hồi phục vào cuối năm 2022

Thế giới 15/07/2022 19:45

(Tổ Quốc) - Theo CNN, kinh tế Trung Quốc vừa ghi nhận kết quả kinh doanh theo quý thấp nhất trong hai năm sau nhiều tháng triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

"So với cùng kỳ năm ngoái, tổng sản phẩm quốc nội trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng 0,4% trong ba tháng tính đến ngày 20/6", Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho biết vào ngày 15/7. Con số này được đánh giá là thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng.

Diễn biến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và nỗ lực hồi phục vào cuối năm 2022 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Nytimes

Đây được xem là hoạt động kinh tế yếu nhất kể từ quý đầu tiên của năm 2020 khi Trung Quốc đang phải tăng cường chiến đấu để ngăn chặn đợt bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Trong nửa đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,5% - thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5,5% hàng năm mà chính phủ đặt ra. Vào ngày 15/7, Bắc Kinh đã thừa nhận rằng việc đạt mục tiêu theo kỳ vọng tăng trưởng GDP trong năm nay là một điều rất khó khăn.

"Chúng ta sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm", ông Fu Linghui, Phát ngôn viên của NBS cho biết. Ông Fu Linghui cũng kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục trong nửa cuối năm nay.

Các thách thức gia tăng

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc hiện phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng gia tăng để duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong bối cảnh nước này phải đối mặt với các hoạt động suy giảm do chính sách zero-Covid nghiêm ngặt ở Bắc Kinh. Trước đó, Trung Quốc đã phát động các chiến dịch mạnh tay đối với các khu vực tư nhân và điều này đã tác động đến thị trường bất động sản cũng như gây ra nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng.

Kể từ tháng Ba, chiến dịch "không khoan nhượng" của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống Covid-19 đã khiến hàng chục thành phố trên khắp cả nước, trong đó có cả Thượng Hải – trung tâm tài chính và vận chuyển của quốc gia phải đóng cửa. Hàng triệu người dân Trung Quốc được yêu cầu phải ở nhà, các cửa hàng và nhà hàng đều phải dừng hoạt động. Trong khi đó, nhiều nhà máy tạm dừng sản xuất đã tác động mạnh đến hoạt động tiêu dùng và gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Chính quyền tại các thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu mở cửa kinh tế vào đầu tháng Sáu đồng thời dỡ bỏ một số hạn chế ở những thành phố trọng điểm. Các ngành sản xuất và dịch vụ cũng có dấu hiệu cải thiện trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh tuân thủ lập trường 0-Covid đã gây ra sự không chắc chắn rất lớn cho các doanh nghiệp và làm giảm sút đi hy vọng của các nhà đầu tư. Chi tiêu tiêu dùng vẫn yếu trong khi thị trường việc làm đang chịu áp lực đáng kể, tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi thanh niên của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục mới, lên tới 19,3% trong tháng Sáu.

Trong cuộc họp báo vào tháng Sáu, ông Fu cho biết nền kinh tế Trung Quốc đã chịu tác động "bất ngờ, nghiêm trọng" từ các yếu tố bên trong và bên ngoài. Giá cả hàng hóa toàn cầu cao hơn, đặc biệt là giá thực phẩm và năng lượng đã làm gia tăng thêm lạm phát nhập khẩu. Ông Fu cũng cho rằng rủi ro lạm phát đình trệ ngày càng gia tăng trên khắp thế giới và đe dọa đến sự ổn định kinh tế của Trung Quốc.

Ông Chaoping Zhu, chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JP Morgan Asset Management nhận định kết quả của hoạt động kém trong Quý II phản ánh những cú sốc đáng kể từ đợt bùng phát của Omicron và các biện pháp nghiêm ngặt tương ứng chống Covid ở các thành phố lớn.

"Trong thời gian tới, chúng tôi kỳ vọng kinh tế đất nước sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay", ông nói đồng thời bày tỏ hy vọng rằng các hạn chế Covid-19 sẽ được nới lỏng sẽ nhanh chóng hồi phục tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, lĩnh vực bất động sản vẫn tiếp tục có nguy cơ gây rủi ro đối với tăng trưởng", ông Zhu nói.

Larry Hu, kinh tế trưởng về Trung Quốc của tập đoàn Macquarie cho rằng dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc yêu cầu phải tăng hơn 7% trong nửa cuối năm nay để kéo mức độ tăng trưởng hàng năm duy trì ở 5%.

Tín hiệu tích cực

Hiện tại, một số tín hiệu đã cho thấy các điểm sáng trong dữ liệu kinh tế Trung Quốc vào ngày 15/7.

Lĩnh vực khai thác và chế tạo ghi nhận mức tăng trưởng 0,9% so với quý 2 của năm ngoái. Và doanh số bán lẻ trong tháng 6 đã tăng 3,1% so với một năm trước nhờ doanh số bán xe tăng mạnh do nhu cầu bị dồn nén do đại dịch cũng như các chính sách hỗ trợ về xe điện. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi trong tháng 6, tăng 3,9% so với một năm trước.

Tuy nhiên, hoạt động bất động sản đang tạo ra rào cản cực lớn. Theo tính toán của Macquarie Capital căn cứ từ dữ liệu của Chính phủ, đầu tư bất động sản giảm 9,4% trong tháng 6 so với một năm trước sau khi đã giảm 7,8% vào tháng 5. Doanh số bán bất động sản theo diện tích sàn tiếp tục giảm 18% trong tháng Sáu sau khi sụt giảm 32% trong tháng Năm.

Trong vài ngày qua, hầu hết những người mua nhà ở Trung Quốc cảm thấy thất vọng khi chứng kiến động thái nhiều người mua nhà liên kết với nhau từ chối thanh toán thế chấp đối với các căn hộ đã được bán nhưng chưa hoàn thiện.

Ông Zhu từ công ty quản lý tài sản JP Morgan cho rằng số lượng nhiều nhà xây dở dang ngày càng gây ra rủi ro lớn cho sức khỏe tài chính của các ngân hàng.

"Các biện pháp quản lý quyết định và hiệu quả phải tiếp tục duy trì nhằm ngăn chặn việc tẩy chay thế chấp phát triển thành một rủi ro hệ thống vào thời gian tới", ông Zhu nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ