• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điện đàm giữa hai ông Putin-Tập Cận Bình: Quan hệ Nga-Trung không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi trật tự thế giới

Thế giới 06/01/2023 10:26

(Tổ Quốc) - Vào hôm 30/12/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc đàm thoại trực tuyến.

Ông Putin nhấn mạnh, quan hệ Nga - Trung Quốc đang ở trong tình trạng tốt nhất từ trước tới nay và là hình mẫu hợp tác giữa các cường quốc trong thế kỷ 21, mà các lệnh trừng phạt hay đe doạ của phương Tây đều không thể ngăn cản được.

Bằng chứng nổi bật về điều này là trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, sự tăng trưởng kỷ lục trong thương mại giữa hai nước và quan hệ đối tác chiến lược giữa Moscow và Bắc Kinh ngày càng phát triển.

Tổng thống Putin đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm chính thức Nga vào đầu năm 2023.

Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường và mở rộng hợp tác chiến lược với Nga trong bối cảnh tình hình thế giới căng thẳng. Ông Tập gọi ông Putin là "người bạn thân thiết".

Trước cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo, ngày 21/12/2022, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp cựu Tổng thống, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev thăm Bắc Kinh.

Có thể nói, năm 2022 là một năm đầy ắp các sự kiện trong việc phát triển mạnh mẽ quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế và quân sự.

Nga-Trung Quốc phối hợp chặt chẽ với nhau trên trường quốc tế

Điện đàm Putin-Tập Cận Bình: Quan hệ Nga-Trung không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi trật tự thế giới - Ảnh 1.

Hai ông Putin-Tập Cận Bình hội đàm trực tuyến. Ảnh: Xinhua


Tháng 2/2022, Mỹ và các nước phương Tây tẩy chay Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh, Tổng thống Nga Putin đến thăm chính thức Trung Quốc và tham gia lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn này.

Tại Bắc Kinh, ngày 4/2/2022, ông  Putin và ông Tập đã ký "Tuyên bố về Quan hệ Quốc tế bước vào Kỷ nguyên Mới và Phát triển Bền vững Toàn cầu", nêu rõ quan điểm chung về trật tự thế giới mới trong tương lai, đặt nền móng cho việc phối hợp hành động của hai nước nhằm tạo ra một trật tự toàn cầu công bằng và bình đẳng.

Moscow và Bắc Kinh cũng phối hợp chặt chẽ với nhau trên trường quốc tế, trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), BRICS, G20, với thông điệp tạo ra một trật tự thế giới công bằng dựa trên luật pháp quốc tế. Nga và Trung Quốc chia sẻ quan điểm giống nhau về sự biến đổi đang diễn ra trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu.

Khi Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ ngày 24/2/2022, Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về sự cần thiết phải ngừng tấn công Ukraine. Đồng thời, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ - Đại sứ Zhang Jun - kêu gọi LHQ đưa ra phản ứng hợp lý cho cuộc xung đột, không đổ thêm dầu vào lửa.

Ngay sau đó, ngày 7/3, trong một cuộc họp báo, đánh giá về cuộc khủng hoảng Ukraine, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, tình hình có bối cảnh lịch sử sâu sắc của nó.

Ông Vương - nay là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc - cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc hai bên bước vào đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt để giải quyết bất đồng. 

Tháng 9/2022, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Samarkand trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết duy trì "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung Quốc".

Tháng 12, Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất, cựu Tổng thống, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev đã thăm Bắc Kinh. Cuộc gặp gỡ của ông với Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tình hữu nghị giữa hai nước.

Năm 2022 kết thúc bằng cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước. Tổng thống V. Putin đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Moscow và nêu rõ hợp tác giữa hai nước tiếp tục tăng cường, bất chấp tình hình phức tạp trên thế giới, đồng thời khẳng định quan hệ đối tác giữa Nga và Trung Quốc là nhân tố ổn định trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Trong khi Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp bao vây, cấm vận toàn diện và khốc liệt chưa từng có đối với Nga,  Bắc Kinh tuyên bố tiếp tục quan hệ thương mại bình thường với Moscow.

Giao dịch thương mại Nga-Trung tăng đáng kể

Điện đàm Putin-Tập Cận Bình: Quan hệ Nga-Trung không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi trật tự thế giới - Ảnh 2.

Kim ngạch thương mại 2 nước tăng 30% trong 11 tháng năm 2021. Ảnh: Reuters


Mặc dù hết sức khó khăn, quan hệ buôn bán giữa Nga và Trung Quốc đã tăng đáng kể. Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko cho biết, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng 30% trong 11 tháng năm 2022 đã đạt 170 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ và Việt Nam trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc.

Ông cũng cho biết, tháng 6/2022, một cây cầu lớn đành cho ô tô bắc qua sông Amur đã được khánh thành nối thành phố Blagoveshchensk của Nga và Hắc Hà của Trung Quốc. Đến tháng 11, cầu đường sắt Nizhneleninskoye-Đồng Giang cũng đã được khánh thành.

Các dự án này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống hậu cần xuyên biên giới giữa Nga và Trung Quốc, mà còn thể hiện mong muốn hợp tác lâu dài giữa hai nước.

Tổng thống Putin cho biết, trong tình hình quốc tế không thuận lợi, các biện pháp cấm vận của Mỹ và phương Tây, tốc độ tăng trưởng thương mại giữa Nga và Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục 25%. Với nhịp độ này, hai nước sẽ có thể đạt được mục tiêu đề ra 200 tỷ USD vào năm 2024 trước thời hạn.

Nga đứng thứ hai về cung cấp khí đốt tự nhiên qua đường ống và thứ tư về khí đốt hoá lỏng (LNG) cho Trung Quốc.

Đến ngày 1/12/2022, 13,8 tỷ m3 khí đốt đã được bơm cho Trung Quốc theo đường ống phía đông và riêng tháng 12/2022, khối lượng cung cấp khi đốt cho Trung Quốc đã vượt 18% so với hợp đồng đã ký. Từ tháng 1 đến tháng 11/2022, kim ngạch trao đổi thương mại trong phạm vi này tăng 36%.

Tăng cường hợp tác quân sự

Điện đàm Putin-Tập Cận Bình: Quan hệ Nga-Trung không thể thiếu trong quá trình chuyển đổi trật tự thế giới - Ảnh 3.

Nga-Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự. Ảnh: CGTN


Hợp tác quân sự chiếm một vị trí quan trọng trong toàn bộ phạm vi hợp tác Nga - Trung Quốc. Trong bối cảnh Mỹ và phương Tây tăng cường gây sức ép đối với Nga và Trung Quốc, việc hợp tác giữa hai quân đội mang ý nghĩa đăc biệt.

Từ ngày 1-7/9/2022, một cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc mang tên "Vostok-2022" đã được tổ chức tại Quân khu phía Đông của Nga và các vùng biển và ven biển của Biển Okhotsk và Biển Nhật Bản.

Đây là cuộc tập trận lớn nhất giữa hai nước từ trước tới nay bới sự tham gia của hơn 50.000 binh sỹ, hơn 5.000 vũ khí và thiết bị quân sự, bao gồm 140 máy bay, 60 tàu chiến, thuyền và tàu hỗ trợ.

Tiếp theo đó, từ ngày 21-27/12/2022 trên Biển Hoa Đông, cách bờ biển đảo Đài Loan chỉ chừng 350 km, Nga và Trung Quốc cũng đã tổ chức cuộc tập trận lớn thứ hai trong năm mang tên Chiến dịch Joint Sea 2022.

Tham gia cuộc tập trận này, Moscow đã huy động tuần dương hạm có trang bị tên lửa dẫn đường, soái hạm lớn nhất của Nga Shaposhnikov và nhiều tàu hộ tống, máy bay trực thăng của Hạm Đội Thái Bình Dương. Bắc Kinh huy động 1 tàu ngầm, nhiều tàu tuần tra chống tàu ngầm, tàu khu trục, nhiều chiến đấu cơ hiện đại và máy bay trực thăng tham gia.

Các nhà phán tích quân sự cho rằng, đây là một thông điệp nhắm vào liên minh quân sự Mỹ-Australia-Anh (AUKUS), đồng thời nhắm vào Đài Loan khi Mỹ tăng cường ủng hộ hòn đảo này. Đây cũng là một tín hiệu mạnh mẽ nhắm tới Nhật Bản sau khi Tokyo vừa điều chỉnh chiến lược phòng thủ và an ninh quốc gia và tăng đáng kể ngân sách quân sự.

Có thể nói, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Nga và Trung Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Moscow và Bắc Kinh là một nhân tố quan trọng không thể thiếu được trong quá trình chuyển đổi trật tự thế giới.

* Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai

NỔI BẬT TRANG CHỦ