(Tổ Quốc) - Những người nghệ sĩ, những người làm điện ảnh hôm nay vẫn làm nghề bằng cái tâm và tình yêu đối với nghề nghiệp mà họ theo đuổi. Đó là nhận định của diễn viên, MC Quyền Linh về thế hệ những đạo diễn, diễn viên, nhà sản xuất phim điện ảnh, truyền hình Việt Nam hiện nay.
Trước thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI- ngày hội của những người làm điện ảnh Việt Nam, nghệ sĩ, diễn viên Quyền Linh đã chia sẻ với chúng tôi những băn khoăn trong nghề nghiệp và niềm tin vào những người làm điện ảnh trẻ.
+Thưa diễn viên Quyền Linh, là nghệ sĩ thường xuyên xuất hiện ở các Liên hoan phim, các sự kiện điện ảnh, dù ở trong Nam hay ngoài Bắc, anh có thể chia sẻ cảm xúc của mình trước thềm LHP Việt Nam lần thứ XXI sắp diễn ra tại Bà Rịa- Vùng Tàu?
- Là nghệ sĩ xuất hiện nhiều trong các chương trình xã hội, không có thời gian nhưng tôi luôn sẵn sàng tham gia các hoạt động nghề nghiệp của ngành điện ảnh. Theo tôi, đó là để thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ với ngành nghệ thuật mà mình đang đi, nên tôi luôn tự nguyện làm những điều đó.
Tôi luôn mong tất cả nghệ sĩ cũng nhiệt huyết hơn. Coi đây là ngôi nhà của mình, điện ảnh là ngôi nhà của mình, mình phải nhào vào để cùng với BTC để làm cho LHP tốt hơn, sẽ có gì đó tốt đẹp hơn. Mình cùng làm bằng nhiệt huyết để anh em nào thấy cảm giác có thể đóng góp thì họ làm theo, tự nguyện thôi và tôi tự nguyện làm điều đó, hy vọng rằng điện ảnh Việt Nam có những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ sau này.
+ Anh đánh giá như thế nào về thế hệ làm điện ảnh hiện nay?
- Tôi gọi họ là những anh hùng điện ảnh thời đại mới. Khi làm phim, các bạn biết rồi, đố ai biết như thế nào, lời lỗ ra sao. Có người bán nhà, hy sinh những gì họ dành dụm bấy lâu nay để làm một tác phẩm điện ảnh. Thực sự phải cảm ơn họ, họ dành tình yêu quá lớn cho điện ảnh. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà phương tiện giải trí trở nên bão hòa và điện ảnh gặp nhiều tác phẩm lớn từ nước ngoài đổ vào nên việc làm phim rất khó khăn. Nhưng sự tâm huyết của các anh em thật đáng nể.
Tôi cảm ơn họ và kêu gọi khán giả hỗ trợ điện ảnh Việt Nam. Nói như thế không phải là phim dở mình cũng đi xem mà chúng ta phải đồng hành một chút cùng anh em nghệ sĩ. Đồng hành bằng niềm tin cũng được, giúp anh em chúng tôi có nhiều khát vọng, nhiều động lực hơn nữa. Chứ giờ làm phim mà lỗ hoài thì cũng tội nghiệp cho những người làm điện ảnh trẻ.
Phải nói họ là những anh hùng điện ảnh thời @. Sẵn sàng lao vào bão dù biết có thể hy sinh nhưng vẫn lao vào với lòng đam mê và mong rằng điện ảnh Việt Nam sẽ ngày càng phát triển.
+ Có ý kiến cho rằng, phim chạy theo thị trường có phần lấn át phim nghệ thuật. Anh nhận xét về điều này như thế nào?
- Bây giờ mình làm phim ra mà không chạy theo thị trường thì ai xem. Nhưng tất nhiên chúng ta phải biết hòa hợp giữa thị trường và nghệ thuật. Không thể nào theo nghệ thuật hết, vì tiền cá nhân họ bỏ ra mà. Ngày xưa bao cấp thì có thể làm nghệ thuật 100% nhưng bây giờ tiền cá nhân tôi bỏ ra thì tôi có thể theo nghệ thuật 50%- 60% là vui rồi, còn tôi phải đáp ứng nhu cầu thị trường, làm phim ra mới có người coi. Chứ tôi làm phim mà không có ai coi thì làm để làm gì. Làm phim nghệ thuật mà ra rạp chỉ có vài người ngồi xem, thậm chí có những suất chiếu không ai xem cả, vậy thì làm nghệ thuật để làm gì. Làm nghệ thuật phải kết hợp làm thị trường, để chúng ta kéo được khán giả. Khi có khán giả rồi, người xem đông rồi anh mới nói về nghệ thuật được chứ. Đấy là cái đúng ra chúng ta cần.
+ Lâu nay chúng ta cứ mặc nhiên công nhận nhà nước làm phim nghệ thuật, tư nhân làm phim thị trường. Nhưng hiện nay, đã xóa nhòa ranh giới nhà nước và tư nhân. Vậy phải làm thế nào để có sự cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường?
- Tôi mong là các cơ quan chức năng cần hỗ trợ những nhà làm phim, đặc biệt là những nhà làm phim trẻ. Có hai cái khó hiện nay là kinh phí làm phim và phát hành phim.
Về kinh phí. Bây giờ khán giả rất thông minh, họ chỉ xem trailer đã biết phim hay phim dở, nhìn đạo diễn họ biết phim hay, phim dở. Vì vậy, phim làm giờ rất cần tiền, không thể ít tiền như ngày xưa được. Mỗi bộ phim phải là tác phẩm hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, phản ánh đúng nhu cầu của những người xem phim hiện nay là thanh niên, sinh viên… Trong thời buổi hiện nay, ai cũng tất bật mưu sinh, ai cũng lo cơm áo gạo tiền, điện nước vậy thì ai đi xem phim. Thế hệ trẻ xem nhiều nhất, vậy thì phải làm phim cho giới trẻ thôi. Vấn đề là chúng ta đừng chạy theo thị trường quá mức, đáp ứng bằng mọi giá. Tôi biết những người làm điện ảnh trẻ hiện nay họ không chạy theo thị trường bằng mọi giá đâu, họ vẫn làm bằng cái tâm, bằng lòng yêu nghề. Họ bỏ vài chục tỉ để làm bộ phim, không đơn giản một chút nào cả. Nhiều người đánh đổi cả gia tài để làm phim.
Thêm một điều nữa là làm phim xong chiếu ở đâu, hệ thống chiếu không có. Anh em làm điện ảnh vô cùng trăn trở điều này. Các rạp chiếu, hệ thống chiếu phim của chúng ta bây giờ do các tập đoàn nước ngoài quản lý hết, để phim Việt vào chiếu rất khó khăn. Làm phim khó rồi, để phát hành được lại càng khó hơn nữa. Khó vô cùng.
Theo tôi, giải pháp là các cơ quan chức năng phải hỗ trợ một số điểm chiếu của nhà nước để chúng ta phát hành phim Việt. Xưa các trung tâm chiếu phim đều của nhà nước, giờ tư nhân hết. Mình không trách tư nhân được, họ bỏ tiền ra thì phải phát hành phim để thu lại thôi, cơ chế thị trường, không trách các rạp chiếu phim nhưng thực sự các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước cần hỗ trợ các điểm chiếu, để hỗ trợ những người làm điện ảnh Việt Nam, đem giá trị cho điện ảnh nước nhà. Giờ không có điểm chiếu, các nhà làm phim trẻ chơi vơi giữa dòng đời. Làm phim mấy chục tỉ ra, đăng ký chiếu được mấy ngày, lại thích cho giờ nào thì cho, hoặc chiếu được 1 vài ngày lại đuổi. Bỏ chục tỉ làm phim chỉ được 4 phần họ lấy 6. Đau khổ lắm!
Trăn trở nhiều, nhưng đó là hai điều cụ thể nhất mong muốn sự hỗ trợ của nhà nước với tư nhân. Tư nhân có đầu óc kinh tế thị trường, kết hợp với nhà nước để đưa giá trị truyền thống vào tác phẩm điện ảnh, từ đó sẽ có những tác phẩm điện ảnh vừa thu hút khán giả, vừa mang giá trị văn hóa Việt. Thực tế đã chứng minh điều đó qua những bộ phim kết hợp thành công giữa nhà nước và tư nhân… Và tôi tin, qua LHP này, sẽ có những tác phẩm như thế!
+ Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!