(Tổ Quốc) - Tuyên bố ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên nhận được các ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia.
Liên quan tới tuyên bố ngừng thử hạt nhân của Triều Tiên, một số chuyên gia đánh giá, Bình Nhưỡng đang đưa ra những tín hiệu lạc quan, tuy nhiên lại chưa làm được nhiều điều để chứng tỏ nó. Ngoài ra, họ cũng cho rằng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang tỏ ra là một người dễ nói chuyện trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Hàn Quốc vào ngày 27/4 sắp tới, và cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tương lai gần.
Hôm thứ Bảy (21/4), ông Kim Jong-un tuyên bố, Triều Tiên không cần phải thử nghiệm năng lực hạt nhân nữa, và nước này sẽ xoá bỏ một khu thử hạt nhân ở phía bắc.
“Phát biểu trên mang những ý nghĩa không rõ ràng,” Chang-Hoon Shin, một học giả cấp cao của Viện Nghiên cứu chiến lược hải dương Hàn Quốc nói. Ông phân tích, khu thử hạt nhân tại Punggye-ri, tỉnh Bắc Hamyong gần như sẽ bị đóng cửa bởi những tác động môi trường tới thiên nhiên xung quanh. Khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ sáu hồi tháng Chín năm ngoái, vụ nổ đã gây ra những chấn động có cường độ lên tới 6,3 độ richter.
“Có thể nói là khu Punggye-ri không còn sử dụng được nữa, vì vậy tôi nghĩ Triều Tiên có thể tận dụng tình huống này để tuyên bố đóng cửa những khu thử nghiệm trong quá khứ, nhưng điều này không mang ý nghĩa gì cả,” ông Shin nói với kênh CNN.
Theo ông, để chứng tỏ sự nghiêm túc của mình, Bình Nhưỡng nên tái gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT); hoặc tuân theo các thông lệ quốc tế trong Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện. Và dường như không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên muốn làm vậy.
Catherine Dill, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm James Martin tại Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury nhận xét, những gì ông Kim thông báo chỉ có tác dụng củng cố viễn cảnh về một cuộc gặp mặt giữa Triều Tiên và Mỹ.
“Tôi cho rằng, nó chắc chắn gia tăng cơ hội diễn ra một cuộc gặp thượng đỉnh Trump – Kim, tuy nhiên nhiên nó sẽ làm phức tạp hoá bức tranh về lâu dài,” bà Dill đánh giá.
“Nếu xem xét kỹ có thể thấy, Triều Tiên đang đi trên một ranh giới rất mờ nhạt, và đó cũng chính là những gì đang được thừa nhận ở thời điểm này: việc dừng thử nghiệm, không tự động dẫn đến kết quả là từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa. Chỉ riêng việc xác nhận dừng thử nghiệm cũng đã khá phức tạp, và xác nhận giải giáp hạt nhân sẽ mất nhiều năm thương lượng và thực thi”.
Giám đốc Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson, Abraham Denmark cũng đồng tình với những ý kiến trên. “Điều này không trói buộc Triều Tiên vào bất kỳ thứ gì. Trước đó, họ từng cam kết không thử nghiệm hạt nhân – gần nhất là năm 2012 – và nó chỉ kéo dài chừng một tuần. Vì vậy, tuyên bố của Triều Tiên là một điều tốt, nhưng tôi sẽ không mở sâm-panh ăn mừng vào thời điểm này,” ông Denmark tỏ ra thận trọng.
Năm 2012, Bình Nhưỡng từng đồng ý dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân nhằm đổi lấy viện trợ thực phẩm từ Mỹ. Tuy nhiên, thoả thuận đã bị đổ vỡ với việc Triều Tiên phóng một tên lửa vào quỹ đạo, chỉ vài tháng sau khi thoả thuận được ký kết. Triều Tiên khăng khăng rằng, tên lửa trên mang theo vệ tinh vào quỹ đạo, trong khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật khẳng định, đó là một vụ thử nghiệm tên lửa hạt đạn đạo tầm xa.
Tuyên bố dừng thử hạt nhân của Triều Tiên không mang nhiều ý nghĩa? |
Thiếu những biện pháp cụ thể
Ông Shin chỉ ra, nếu Triều Tiên tự tin và năng lực vũ khí của mình và muốn tham gia câu lạc bộ các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, vậy nước này cần phải tuân theo các thông lệ như các cường quốc hạt nhân khác đã làm.
“Các biện pháp và quy định cụ thể cần phải được đưa ra cho Bình Nhưỡng,” ông chia sẻ với CNN. Theo ông, một trong các biện pháp đó có thể là quay trở lại Cơ quan Năng lượng Hạt nhân Quốc tế (IAEA). “Tôi nghĩ, việc tham gia lại các tổ chức như vậy, là tiêu chuẩn tối thiểu cho để xác định họ thực sự muốn giải giáp hạt nhân”.
Triều Tiên đã rời khỏi NPT vào tháng 1/2013, và tuyên bố cam kết giới hạn các hoạt động hạt nhân của mình vì “các mục đích hoà bình. Trước đó, năm 1993, nước này cũng từng đe doạ rút khỏi Hiệp ước, tuy nhiên lại huỷ bỏ quyết định để đàm phán với Mỹ.
Với việc lựa chọn tập trung vào các cuộc thương lượng trực tiếp với Mỹ, ông Shin cho rằng, Triều Tiên muốn bỏ qua một số quá trình xác nhận cần phải tuân theo.
“Nếu bạn nhìn vào các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an, chúng luôn yêu cầu Triều Tiên phải quay trở lại IAEA và NPT. Triều Tiên biết rõ, và đang cố gắng tránh xa tình huống này. Họ muốn thảo luận giải giáp hạt nhân trực tiếp với Mỹ hơn là tuân theo các thông lệ quốc tế,” ông Shin phân tích. “Nếu Triều Tiên có thể khiến Mỹ dỡ bỏ trừng phạt trước, thì các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc sẽ không còn ý nghĩa”.
Chưa đủ và khó dự đoán
Tuyên bố của Triều Tiên được đưa ra sau một loạt các hoạt động ngoại giao, bao gồm cả chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong vai trò một nguyên thủ quốc gia của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump đã có phản ứng tích cực trước tin tức từ Bình Nhưỡng. Người đứng đầu nước Mỹ gọi đó là “một tin tức rất tốt cho Triều Tiên và cả thế giới”, đồng thời bày tỏ sự mong đợi đến cuộc gặp gỡ lịch sử với ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên, một đồng minh của Mỹ trong khu vực là Nhật Bản, lại tỏ ra khá hồ nghi.
“Điều duy nhất quan trọng, đó là liệu nó có dẫn tới việc xác nhận hoàn toàn và từ bỏ hạt nhân và tên lửa,” Tổng thống Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước các phóng viên. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ vấn đề này”.
Bộ trưởng Quốc phòng của ông Abe thậm chí còn thẳng thắn hơn khi cho rằng, tuyên bố của Triều Tiên là “chưa đủ”.
Phát biểu tại Washington, Bộ trưởng Itsunori Onodera cho biết, Nhật Bản không thoả mãn với động thái từ Bình Nhưỡng, bởi vì “việc xoá bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn, cũng như vũ khí hạt nhân đã không được đề cập tới”.
Ông Itsunori cũng nói thêm, Nhật Bản sẽ vẫn tiếp tục chính sách “gây sức ép tối đa” cho đến khi “Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí huỷ diệt hàng loạt và tên lửa hạt nhân”.
Theo CNN, Nhật Bản e ngại rằng, ông Trump sẽ hài lòng với một cam kết từ Triều Tiên đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng lại bỏ qua các vũ khí tầm ngắn và tầm trung có thể tấn công Nhật Bản.
“Cho tới nay, giới chức Nhà Trắng đã nói, Mỹ sẽ không đưa ra bất kỳ điều gì cho đến khi Triều Tiên hoàn toàn giải giáp hạt nhân, nó đang đặt ra một giới hạn rất cứng rắn trong thương lượng,” ông Denmark nói.
“Nhưng như chúng ta đã thấy trong quá khứ, ngài Tổng thống không cần phải tuân theo lời khuyên của các cố vấn; vì vậy, không thể biết điều gì sẽ xảy ra khi ông Trump vào phòng và ngồi xuống với nhà lãnh đạo Kim. Ngay cả khi họ đạt được một thoả thuận, Tổng thống Mỹ đã chứng minh thiên hướng rút ra khỏi các hiệp định của mình, do đó, việc gắn bó với một hiệp định sẽ rất khó khăn,” chuyên gia này cảnh báo.