• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Điều trị sốt xuất huyết: Người dân bình tĩnh, hợp tác và lắng nghe bác sĩ

Sức khỏe 29/07/2017 06:00

(Tổ Quốc) - Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, 100% bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết, bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, bác sĩ “gồng mình” điều trị cho hàng trăm lượt bệnh nhân tới khám mỗi ngày.

Tại Việt Nam, từ tháng 7 đến tháng 10 năm nào cũng có dịch sốt xuất huyết, tuy nhiên cứ chu kỳ 5 năm mới có một đại dịch. Thông thường, tháng 7 mới là đầu vụ dịch còn tháng 9 mới là đỉnh dịch, dịch sẽ lui dần vào tháng 10, 11. Đầu và cuối vụ dịch các trường hợp nặng, tử vong rất dễ xảy ra còn vào đỉnh dịch sẽ không có mấy do người dân cảnh giác, chú ý và có sự phân tuyến rõ ràng từ các bệnh viện lớn.

Theo Ths. Vũ Minh Điền, Bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, hầu hết bệnh nhân nhập viện là điều trị sốt xuất huyết, 265 giường bệnh luân chuyển liên tục trong ngày với khoảng 50 bệnh nhân mới vào, 50 bệnh nhân cũ ra. Bệnh viện đã triển khai thêm 3 phòng khám, nâng tổng số phòng khám lên 10 phòng phục vụ đợt dịch, trung bình mỗi phòng khám tiếp 70-100 bệnh nhân một ngày, trung bình 700-800 bệnh nhân vào khám mỗi ngày.

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận hàng trăm ca sốt xuất huyết mỗi ngày

Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết gia tăng đột ngột, bệnh nhân đến khám chủ yếu trong nội thành. Vào tháng 6 chỉ có 20-50 bệnh nhân một ngày, còn giờ lên 300-400 bệnh nhân một ngày. Các bệnh viện ở khu vực Đống Đa, khoa truyền nhiễm bệnh viện Bạch Mai, Thanh Nhàn, Xanh Pôn số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám ngày càng tăng lên.

Ths. BS Chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền cho biết, bệnh nhân sốt xuất huyết trong vòng từ 7-10 ngày, trong 4 ngày đầu bệnh nhân sốt rất cao, đau đầu, mệt mỏi, nôn mửa, không ăn uống được nên rất lo lắng muốn đến nhập viện ngay.

Chính vì tâm lý này, bệnh nhân ngày càng quá tải, tình trạng căng thẳng cho bác sĩ phòng khám ngày càng tăng. Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, có 100-200 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày khiến không đủ giường bệnh để phục vụ buộc phải phân tuyến. Bệnh nhân nào nặng, cần thiết phải nhập viện mới cho nhập viện còn các trường hợp có thể điều trị ngoại trú sẽ cho về tuyến cơ sở để bệnh nhân nằm giường riêng và được điều trị tốt hơn.

 Ths. BS Chuyên khoa II Nguyễn Nguyên Huyền

Đỉnh điểm, ngày 23/7, Bệnh viện tiếp nhận gần 1.000 ca, các bác sĩ tăng cường trực đêm khám đến 2 giờ sáng, có bác sĩ phải thức trắng đêm. Khi bệnh nhân vào viện và thực sự muốn nhập viện nhưng bệnh viện đã quá tải, bệnh nhân không nghiêm trọng được điều chuyển xuống tuyến dưới điều trị và nhập viện, gây ra tâm lý bức xúc cho bệnh nhân, dẫn đến sự không hợp tác, không hiểu giữa người bệnh và bác sĩ.

"Người dân trong các trường hợp này phải bình tĩnh, cố gắng hợp tác và lắng nghe lời giải thích từ bác sĩ, nếu có thể điều trị ngoại trú thì về bệnh viện gần nhà để được theo dõi điều trị tốt nhất" - BS Nguyễn Nguyên Huyền.

Cũng theo Ths. BS Nguyễn Nguyên Huyền, trong 4 ngày đầu bệnh nhân sốt rất cao nhưng chính trong giai đoạn sốt cao lại không có nguy hiểm gì, bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị nội trú tại nhà. Khi mới sốt, từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 2 hãy bình tĩnh uống hạ sốt và uống nhiều nước ở nhà, ngày thứ 2 đến bệnh viện xét nghiệm xem có đúng bị mắc sốt xuất huyết hay không. Trong 4 ngày đầu, cứ 4-6 giờ uống hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống nhiều nước và ăn đồ mềm, dễ tiêu vì có thể sau 4 ngày bệnh nhân có thể bị chảy máu chân răng.

Bệnh nhân có thể yên tâm trong 4 ngày đầu hoàn toàn không có nguy hiểm gì đến tính mạng, chỉ cần uống thuốc theo kê đơn của bác sĩ tại nhà.

Từ ngày thứ 4 trở đi, là giai đoạn hạ sốt, nhưng chính những nguy hiểm sẽ bắt nguồn từ giai đoạn hạ sốt này. Từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 của bệnh, bệnh nhân cần chú ý, nên đến bệnh viện khám xem có cần nhập viện điều trị hay không. Các biểu hiện lâm sàng ở mỗi người khác nhau, nhưng đều từ ngày thứ 4 trở đi mới phát, có thể bệnh nhân vật vã, li bì, tiểu ít, đau vùng gan, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, rong kinh, kinh sớm. Cũng trong giai đoạn này, ngày nào bệnh nhân cũng phải đến bệnh viện làm công thức máu, nếu có tình trạng giảm tiểu cầu quá mức, máu cô đặc bác sĩ sẽ cho bênh nhân nhập viện.

Trong điều trị tại nhà, bệnh nhân nên dùng thuốc hạ sốt paracetamol và uống nhiều nước, chống chỉ định với các loại thuốc chống viêm, giảm đau có thể gây giảm tiểu cầu, chảy máu dạ dày, làm bệnh nặng hơn./.

Nhật Linh

Nhật Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ