(Tổ Quốc) - Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3 với chủ đề “Xây dựng cấu trúc khu vực” đã khai mạc tối ngày 27/8 tại Hà Nội.
Thu hút sự tham gia của gần 300 lãnh đạo, quan chức, học giả và doanh nghiệp trong nước và quốc tế, hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3 tập trung thảo luận về các vấn đề kinh tế, thương mại, an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương và các vùng lân cận trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; về cấu trúc khu vực đang định hình và đề xuất các nội dung hợp tác trên cơ sở tôn trọng các quy chuẩn của luật pháp quốc tế, không loại trừ ai và giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Sự kiện này do Quỹ India Foundation, Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Viện Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế Bangladesh (BIISS) và Học viện Ngoại giao Việt Nam đồng tổ chức.
Phiên khai mạc có bài phát biểu của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thủ tướng Srilanka Ranil Wickremesinghe; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế và Dân số Nepal Upendra Yadav; Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan.
Năm nhà lãnh đạo có bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3. |
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định, với sự dịch chuyển về phía đông của nền kinh tế thế giới, không còn gì nghi ngờ nữa, Ấn Độ Dương nằm ở vị trí trung tâm của các đối thủ châu Á. Tầm quan trọng về kinh tế của Ấn Độ Dương và vai trò của nó trong việc thúc đẩy phát triển là một điều đã được khẳng định. Ngày nay, Ấn Độ Dương đang là vùng biển bận rộn nhất thế giới và là điểm đến của nhiều nước ngoài khu vực. Ấn Độ Dương cũng là một điểm đến về thương mại và năng lượng – nơi một nửa thương mại, 1/3 lưu thông và 1/3 nguồn dầu mỏ thế giới đi qua. Đây là một vùng biển mà tầm quan trọng của nó sẽ vượt qua đường biên giới địa lí.
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Sushma Swaraj khẳng định Hà Nội là một địa điểm phù hợp cho việc tổ chức hội thảo Ấn Độ Dương lần thứ 3. |
Trong bối cảnh này, tôi muốn nhấn mạnh, chúng tôi coi ASEAN là trung tâm của cấu trúc hàng hải khu vực và điều này đã được nhấn mạnh bởi các lãnh đạo chúng ta trong cuộc họp cấp cao ASEAN - Ấn Độ năm nay, theo bà Sushma Swaraj.
Đồng tình với nhận định này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã chia sẻ một số suy nghĩ từ góc nhìn Việt Nam về vấn đề xây dựng cấu trúc an ninh khu vực để đảm bảo hoà bình, an ninh và thịnh vượng, bao gồm: cấu trúc khu vực phải có tính bao trùm; cấu trúc khu vực phải dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm cả tự do hàng hải và dòng chảy thương mại liên tục, bên cạnh các quy định khác; vai trò trung tâm của ASEAN là điểm mấu chốt của bất kỳ cấu trúc khu vực nào và các sáng kiến hợp tác và kết nối cần được triển khai trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, tạo điều kiện xây dựng lòng tin và thúc đẩy các bên cùng có lợi.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo. |
Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan cũng nhấn mạnh, chúng ta cần một cấu trúc khu vực mở và bao trùm – đây là hai từ khoá của chúng ta ở đây. Chúng tôi cũng muốn có trao đổi và quan hệ thực chất, đồng thời cũng có sự đan xen với nhau và đan xen với toàn thế giới.
Còn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân số Nepal Upendra Yadav đề cập đến những thách thức của khu vực Ấn Độ Dương. Dù hội tụ những nền kinh tế phát triển nhanh bậc nhất, nhưng Ấn Độ Dương lại là một trong những khu vực phức tạp nhất thế giới với những thách thức đa dạng, bao gồm tội phạm xuyên quốc gia, an ninh, an toàn hàng hải, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường…
Kết thúc phiên khai mạc, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương là định mệnh của thế kỷ 21, đồng thời, đây chính là thời điểm quan trọng của khu vực để hướng đến biển và đây cũng là cơ hội để Châu Á thúc đẩy mô hình của mình.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe phát biểu tại Hội thảo. |
Ngày 28/8, Hội thảo tiếp tục với các phiên thảo luận cấp Bộ trưởng và quan chức cấp cao.