(Tổ Quốc) - Mỹ chắc chắn nên lên tiếng về sự gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.
Theo tờ National Interest, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vẫn giữ quan hệ với Mỹ thông qua các thương vụ mua bán vũ khí bất chấp các căng thẳng hai nước gia tăng thời gian qua.
Liệu chính quyền mới của Mỹ có tiếp tục hàn gắn quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh địa chiến lược quan trọng của Washington trong thời gian tới?
Hiện tại, hàng loạt các chính sách của Mỹ đối với các thách thức lớn của Nga, Trung Quốc, Triều Tiên hay Iran có thể tiếp tục là các vấn đề mà Mỹ phải đối mặt trong thời gian tới. Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng giúp Mỹ tháo gỡ các vấn đề thách thức nêu trên.
Theo tờ báo, chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bởi các vi phạm gần đây. Các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm hoạt động quân sự của nước này đối phó với người Kurd ở Syria hay việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan quyết tâm mua vũ khí của Nga đã khiến Mỹ chú ý. Theo tờ National Interest, các biểu hiện của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến cho các quốc gia thành viên NATO phải lưu tâm. Một số ý kiến cho rằng, thậm chí 29 thành viên NATO từng có ý muốn đẩy nước này ra khỏi liên minh cho dù không có cơ chế nào liên quan đến một thành viên NATO có thể bị trục xuất.
Mỹ chắc chắn sẽ lên tiếng và có thái độ công khai đối với Ankara. Tuy nhiên, ngay lúc này, mọi thứ nên đối mặt với thực tế. Quan hệ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải duy trì bất chấp các mâu thuẫn giữa hai nước. Các hành động của nước này tại xung đột Syria trong các năm qua cũng không quá tồi tệ đến mức phải gây áp lực nặng nề. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải chịu ảnh hưởng từ xung đột Syria nhiều hơn bất kỳ quốc gia láng giềng nào khác khi nước này liên tục phải tiếp nhận khoảng 4 triệu người tị nạn từ Syria vào Tây Âu.
Theo tờ báo, sự thân thiện của Tổng thống Erdogan với Tổng thống Putin vẫn là mối quan tâm lớn. Bất kỳ xung đột nào giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ kéo theo Mỹ - đồng minh NATO và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không phải là đối tác tự nhiên. Thực tế, hai nước tham gia nội chiến Syria hay xung đột Libya đều ở hai phía đối lập. Và vào năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ từng bắn rơi máy bay của Nga ở biên giới giáp với Syria. Đây là lần đầu tiên một quốc gia NATO bắn rơi máy bay Nga trong nửa thế kỷ. Vì vậy, mọi thứ sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu không thận trọng.
Để mọi thứ đi theo hướng tốt nhất và ít nguy hiểm hơn thì cần phải có cách giải quyết tiến bộ đối với vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ. Đây không chỉ là trở ngại đối với nỗ lực cải thiện quan hệ song phương mà còn liên quan đến các vấn đề an ninh thực tế cho nước Mỹ. Đó là lý do tại sao thay vì đối đầu với Ankara, Mỹ có thể đưa ra lựa chọn giải quyết ngoại giao. Chính quyền ông Biden nên đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập lại quan hệ có điều kiện. Vấn đề cấp bách nhất vẫn là hệ thống phòng không S-400 mà Thổ Nhĩ Kỳ mua từ Nga và sau đó là vấn đề Syria.
Theo tờ báo, hệ thống S-400 có sự liên quan của Nga trong quá trình vận hành. Điều đó có nghĩa Moscow có thể sẽ góp nhặt được các thông tin tình báo trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục muốn mua F-35 của Mỹ. Nếu không có cách giải quyết vấn đề này thì vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đối với chương trình F-35 sẽ bị đình chỉ và nước này sẽ không thể mua máy bay của Mỹ. Quốc hội Mỹ sẵn sàng thông qua các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc về quân sự và tài chính đối với Ankara liên quan đến hệ thống S-400 của Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã thử nghiệm nhưng chưa kích hoạt hoàn toàn đối với hệ thống S-400. Nếu ông Erdogan nghiêm túc về việc thiết lập lại quan hệ với Mỹ thì Ankara nên công khai cam kết không kích hoạt radar và tuyên bố sẵn sàng mua hệ thống tương thích với NATO. Đổi lại, chính quyền ông Biden cũng sẽ có tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận F-35 và Mỹ sẽ có hỗ trợ tài chính cũng như kỹ thuật đối với việc mua hệ thống phòng thủ Patriot của nước này.
Quan hệ giữa Mỹ và Ankara cũng nên áp dụng cho những vấn đề tồn tại ở Syria. Chiến tranh ở Syria đang đến hồi kết nhưng diễn biến thời hậu chiến phải còn rất lâu mới có thể giải quyết được. Mặc dù Mỹ ủng hộ người Kurd ở Syria nhằm đối phó với mục tiêu IS nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tin Washington ủng hộ quyền tự trị của người Kurd. Diễn biến như vậy sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Do đó, việc thiết lập lại quan hệ Mỹ - Thổ sẽ đòi hỏi một bước ngoặt ngoại giao lớn.